pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: Có phải anh thích em?
Hình minh họa
- Em thích thôi chưa đủ, em phải làm sao cho người ta thích mình nữa kìa.
Hoài cười tươi, nhìn cô bé trước mặt đang mím môi, cả người run lên vì giận. Lan chỉ là một cô nhóc chưa phân biệt được mến mộ và thích một người như thế nào. Chưa hề chuẩn bị mũ giáp đã chạy tới khiêu chiến với cô, mặt mũi đỏ ửng lên, tranh nói trước như xí phần, kiểu người chưa bao giờ biết mắng hay cãi nhau với ai đây mà.
Hoài chống cằm ngắm cô nhóc, thích hai vành tai đỏ hồng, thích cả gương mặt còn nét phúng phính, tưởng tượng Huy đứng cạnh Lan và bật cười.
Không nghĩ người như Huy mà lại được cô nhóc ngây thơ này thích, còn sẵn sàng ra tay bảo vệ. Anh hơn Lan ít cũng 8-9 tuổi, đã ít nói còn hay ra vẻ bề trên, lúc nào cũng muốn làm phụ huynh quản Đông quản Tây mà Bắc-Nam cũng muốn quản.
Khổ cái Huy lại rất được lòng các vị phụ huynh, nghe con cái mình đến thành phố có Huy, không cần biết thành phố ấy dài rộng mênh mông thế nào, cứ nghe đến tên Huy là yên tâm cái đã và chắc chắn rằng con mình sẽ được Huy coi ngó, chăm sóc. Nên những đứa trẻ ở khu tập thể khi chọn trường thường chọn thành phố phương Nam nắng nóng này.
Huy như anh cả, tháng đôi lần sẽ gom đám em út lại, dắt đi ăn gì đó, thấy gì hay ho là gửi vào nhóm, mở mang cho đám đàn em. Ngày trước, những cuối tuần, mấy anh em hay leo lên xe buýt đi khắp thành phố nên đứa nào cũng rành đường sá, trừ Hoài, vẫn còn cãi từ Quận 8 leo thêm một tầng là tới Quận 9.
Hoài ra trường 5 năm, công việc cũng đổi vài nơi, đầu chưa có sạn nhưng cũng có cát rồi mà anh làm như cô vẫn là con nhóc nhà bên. Anh cười: "Khi nào đi đường hết lạc thì anh công nhận em đã trưởng thành". Hẳn anh coi cô còn trẻ con nên hễ gặp là hỏi ăn cơm chưa, làm như ngoài ăn cơm thì không còn gì khác để hỏi.
Có những khi cô đã lắc, anh lập tức trừng mắt: "Đi ăn cơm đi". Cô nhe răng cười: "Ăn bún bò no rồi, không ăn cơm được nữa".
Bạn cô thấy anh, hỏi bạn trai hả, cô lắc đầu: "Dù lương tao không cao nhưng tao sẽ tự mua cái tủ lạnh vừa đủ xài, tao không dở để cả đời sống chung với cái tủ lạnh". Bạn cô đã ngẩn người ra rồi rũ rượi cười. Anh trừng mắt nhìn cô, khóe miệng hơi nhếch lên, hẳn cũng muốn cười lắm. Đám trẻ cũng cười, nói anh còn khó hơn bố mẹ chúng. Cô bảo vậy sao không về đi, chúng nó lại hỏi ngược: "Sao chị không về?". Anh nạt: "Cứ gặp nhau là ríu rít, có định đi ăn không?".
Hoài cười, cô biết anh không muốn để cô phải nhớ lại chuyện nhà mình. Cô giờ có nhà nhưng ngôi nhà ấy giống nhà trọ hơn. Mẹ mất đã lâu, cô cũng đủ lớn để hiểu bố nên có người bầu bạn. Nhưng khi bố có người mới, cô lại không thể chấp nhận.
Cô cảm thấy bố không còn là của mình, cô không cần thứ tình thương bị san sẻ. Người mới của bố về nhà cùng cô con gái nhỏ, tình thương bấy lâu luôn là của cô đã bị dời sang cho cô bé đó. Từ ngày đó, những cái Tết cô né tránh về nhà, nếu có thì chỉ về sát ngày và đi sớm nhất có thể.
Mọi người nói cô làm con phải hiểu cho bố, bố đã một mình nuôi cô từ khi cô 10 tuổi đến nay. Cô nói mình hiểu, hiểu nhưng mở lòng lại là khác. Chỉ có anh, anh chưa hề nói gì, Tết cô không về thì anh cũng về muộn hơn và vào sớm hơn, mang theo rất nhiều thứ.
Cô thuê phòng trọ cũng phải được anh đồng ý mới được chuyển đến. Hồi thuê phòng này, anh đi quanh căn phòng nhỏ, lắc lắc cửa chính, lay lay chấn song cửa sổ, thử chốt cửa chớp nhà vệ sinh, còn mua giấy bóng mờ dán lên. Cô giãy nảy:
- Anh tranh hết việc của bồ em rồi.
Anh nhếch mép:
- Khi nào có hẵng nói.
Hoài không biết người như anh lại có khá nhiều người thích. Trước cô nhóc Lan kia cũng có một hai người, người tưởng cô là em gái, còn mua đồ ăn cho, người còn đến phòng trọ của cô tìm anh, sau đó không thấy nữa. Cô nhóc Lan làm cùng anh, mấy lần cô ghé cơ quan đón anh, cứ thấy có ánh mắt nhìn mình không thiện cảm, cho đến khi Lan tìm đến.
Trên đường về, cô nghiêm túc:
- Về dỗ cô người yêu bé bỏng đi, hôm nay cô nhóc tức giận không ít đâu. Và em chỉ nói một lần này thôi, anh đừng để ai nữa đến làm phiền em. Nếu có lần sau, em không nhẹ nhàng vậy đâu.
- Em thích làm gì thì làm nấy, Lan chỉ là đồng nghiệp, tính nết còn trẻ con.
Hoài sầm mặt:
- Không có gì thì nói cho rõ ràng, đừng để người ta hy vọng.
Hoài nói thế rồi, không nghĩ Lan lại đến tìm mình nữa, lạ là hôm nay Lan nhìn còn trẻ con hơn lần trước, có vẻ nay mới chính là cô, trong veo như sương sớm. Thế nhưng trong mắt lại long lanh ướt. Nếu khóc mà giải quyết được vấn đề thì Hoài sẽ khóc đủ 24 tiếng một ngày.
- Nghe này em gái, em không phiền nhưng tôi thấy phiền lắm, em quý ai, thích ai thì đi nói với người ấy, tìm tôi làm gì.
Lan ngẩng nhìn cô, không biết nước mắt đã rút đi đâu sạch, cô nhóc cười:
- Em biết, anh ấy đã nói rồi, anh ấy không thích em. Là em muốn gặp chị để xin lỗi vì lần trước đã vô lý.
Hoài thấy thích Lan, thích thật lòng, lại nghĩ có khi bầu nhiệt tình của Lan sẽ làm tan giá lạnh của Huy, người ta vẫn nói đến luật bù trừ còn gì. Cô bé thẳng thắn này đáng được yêu thương. Lan nói cô thích Huy từ ngày cô vào công ty. Sở dĩ hôm trước Lan nóng vội đến tìm cô vì một lần xuống xưởng, Lan nghe có ai hỏi Huy: "Cô chiều qua tới đón là ai, bồ hả?", thế mà Huy cười.
- Nếu không phải thì anh ấy đã phủ nhận, đằng này anh ấy cười. Nụ cười thay sự khẳng định. Nhưng hôm đó đến gặp chị về, em nhận ra người như chị để người ta không thích mới khó. Chị học cùng khóa với anh họ em, chắc chị không biết anh em đâu nhưng anh em biết chị. Anh em kể một số chuyện về chị, đủ để em ngưỡng mộ và thấy mình trẻ con.
Hoài ngồi im, cô thì có gì để ngưỡng mộ. Lan nói cô ghen tị vì Hoài có chung tuổi thơ với Huy. Cô không hiểu, chung thì có gì phải ghen tị. Ít nhiều con trai đều muốn che chở những cô em gái, cho dù những cô em gái ấy đã trưởng thành.
Bằng chứng là bây giờ anh vẫn quan tâm đến cô và đám Thảo, Hạnh… Tháng một lần, anh vẫn gom cả đám về nhà anh nấu nướng gì đó, còn bị gọi là "lễ khoe của" vì anh là anh lớn, lại là người đầu tiên và duy nhất có nhà riêng ở thành phố này.
Hoài nhớ những lần anh hỏi ăn cơm chưa, ngày bé, cô lười ăn có tiếng, có nửa chén cơm mà mẹ phải bế đi rong nửa tiếng, tật lười ăn đến khi vào đại học vẫn còn. Rồi anh vào phòng trọ kiểm tra cửa nẻo, vòi nước, đường dây điện…, anh cũng hỏi đám Thảo, Tuấn, Hạnh… kia mà, cô có thấy khác gì đâu?
Hoài nhắn tin nói chiều có hẹn bạn, không ghé qua đón anh được. Nhà cô nằm trên đường anh đi làm, đến công ty anh xong, đi thêm chừng 1km nữa sẽ đến công ty cô, có những ngày anh chở cô đến và quay về, có những ngày cô tự đi một mình. Chiều về hai anh em sẽ ghé qua chợ, những bữa cơm tối đa phần do anh nấu, anh ăn cơm xong mới về.
Anh nhắn lại ngay:
- Đi đâu? Rồi cơm nước sao?
- Hẹn hò.
Không có tin nhắn trả lời, tối Huy bất ngờ chạy tới:
- Khi chiều Lan đến tìm em?
Hoài chống cằm:
- Lan hiền lành, dễ thương lại thích anh, thế mà anh không nhìn thấy.
Hai vành tai anh ửng đỏ, Hoài cười ha ha, lục túi đồ anh vừa mang tới, lôi ra mấy cái bánh cam còn hơi ấm. Hoài cắn miếng bánh:
- Lan kể, hôm trước dưới xưởng có người hỏi cô rước anh chiều qua là bồ hả, anh cười.
Huy nhìn cô, cả gương mặt đều đỏ. Chợt nhớ hôm nay anh không hỏi ăn cơm chưa. Cô lau tay vào khăn giấy, ai nghĩ người ít cười, ít nói, nghiêm túc, lạnh nhạt, luôn thích làm phụ huynh lại dễ xấu hổ thế. Mới đùa đã đỏ hết mặt mũi.
Không đợi khi Lan nói cô mới nhận ra, trước đó Hoài đã thấy những gì Huy làm. Anh quan tâm cả đám Thảo, Hạnh nhưng cô cảm nhận được anh khác với cô. Anh cáu kỉnh với Thảo, bực bội với Hạnh nhưng anh lại kiên nhẫn chỉ dạy cô, chỉ cười nhẹ, mặc cô bắt nạt.
Anh mua nhà, hỏi cô thích ở tầng mấy, phòng khách anh dùng giấy dán tường màu xanh nhạt điểm những bông hoa tuyết, lần đó Hạnh còn nói "nhà anh Huy mà em tưởng nhà chị Hoài chứ!". Khi ấy, cô vô tâm nên không để ý.
Chuyện gia đình cô, anh không nói cô đúng hay sai, nhưng bằng cách nào đó anh làm cô nhận ra, gia đình vẫn là nơi ấm áp nhất. Mẹ đi xa nhưng mẹ vẫn luôn ở cạnh cô, dì đã thay mẹ chăm sóc bố rất tốt và bố đã cho hai mẹ con dì tổ ấm, cho cô con gái nhỏ của dì tình thương của cha.
Từ ngày Hoài đi làm, cũng là từ ngày dì về nhà, cái Tết vừa rồi là lần đầu tiên Hoài về quê ăn Tết, cô thấy Huy đã rất vui. Anh chở cô đi thăm thầy cô giáo, đi mua hoa quả. Mấy ngày Tết, anh thường qua nhà nói chuyện với bố và dì, cũng chiều chuộng em gái cô, cô nhóc dường như còn sợ cô nên cứ nem nép.
Anh tự nhiên xuống bếp, tô canh nhỏ để gần cô không cho hành, chén nước mắm không ớt, rổ rau dùng để ăn mì Quảng không có giá và rau diếp cá. Bình thường anh vẫn làm thế, nay trước mặt bố và dì, cô tự dưng xấu hổ, hình như anh không nhận ra. Khi ấy, cô thấy bố hơi cười.
Cô nhìn vào mắt anh:
- Hôm nay, em muốn hỏi anh một câu, em chỉ hỏi một lần và sẽ không hỏi lại. Anh phải trả lời thật.
- Ừ.
- Anh thích em, đúng không? Chỉ được trả lời có hay không?
Anh nhìn cô, nhìn miếng bánh rán cắn dở, nếu cô không nhìn nhầm thì anh đang khá bối rối và bất ngờ. Hẳn anh không nghĩ cô sẽ thẳng ruột ngựa nói ra. Hẳn anh chưa sẵn sàng đối mặt với tình cảm này, hẳn anh đang tìm câu trả lời để bớt căng thẳng nhất. Hẳn anh chỉ xem cô như Thảo, Hạnh…
- Có. Rất thích.
Cô giật mình, hơi hốt hoảng, một hạt vừng dính ở ngón tay, cô vô thức đưa lên miệng liếm, không hiểu sao hai hàm răng lại cắn chặt. Anh hơi rướn người tới kéo tay cô, nhìn những dấu răng hằn trên ngón tay, khẽ cười:
- Tự cắn mình mà không biết đau à? Còn em thì sao?
Cô giật tay về:
- Em chỉ cho anh trả lời có hoặc không. Anh phạm quy rồi.