pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyền thông phòng, chống mua, bán người và nô lệ thời hiện đại
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo
Trong các ngày 20-21/3 tại Hà Tĩnh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tổ chức (IOM) tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch hoạt động cho Dự án "Truyền thông phòng, chống mua, bán người và nô lệ thời hiện đại".
Mua, bán người là vấn đề nhức nhối, thách thức đối với an ninh quốc gia, khu vực. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2016 - 2020) có 2.912 nạn nhân bị mua, bán và nghi vấn mua, bán. Trong số này, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trong giai đoạn từ 2012 - 2023, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn Hà Tĩnh tuy chưa có những diễn biến phức tạp nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ: Trên tuyến biên giới, số lượng người Mông Việt Nam cư trú trái phép ở Lào được trao trả qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ngày càng nhiều; tình trạng sử dụng hộ chiếu người khác để xuất cảnh, trốn truy nã hoặc đưa người xuất cảnh trái phép có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Số lượng công dân Hà Tĩnh ở nước ngoài cần được bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng ngày càng tăng. Các hình thức tuyển chọn, môi giới, giới thiệu đi du học, lao động, thương mại... không theo quy định của pháp luật còn xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển.
Do đó, Hà tĩnh được chọn là 1 trong 4 tỉnh thực hiện dự án, tập trung vào các huyện, xã có số lượng người di cư trái phép cao, đặc biệt, từ Việt Nam sang Vương quốc Anh và các nước châu Âu.
Trong thời gian diễn ra hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi thông tin về thực trạng tình hình di cư trên địa bàn tỉnh và 5 huyện của tỉnh Hà Tĩnh. Các đại biểu đã xác định địa bàn triển khai dự án là Thị trấn Nghèn, Huyện Can Lộc và xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà và nhóm dân số mục tiêu đó là học sinh PTTH và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của huyện và nhóm cha mẹ học sinh; về phương pháp thông qua Truyền thông trực tiếp thông qua hoạt động ngoại khóa của các Trường và truyền thông cộng đồng, đồng thời kết hợp với các hình thức truyền thông gián tiếp như: loa phát thanh, pano áp phích, truyền hình, trang thông tin của UBND huyện và Hội LHPN huyện và mạng xã hội.
Hội thảo tại Hà Tĩnh là hoạt động cuối cùng trong chuỗi Hội thảo giới thiệu dự án, xác định địa bàn mục tiêu và xây dựng kế hoạch hoạt động cho dự án tại 4 tỉnh thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Kết quả Hội thảo sẽ là căn cứ quan trọng nhằm chuẩn bị cho việc đề xuất phê duyệt Dự án "Truyền thông phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại" giai đoạn 2023-2025 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với IOM thực hiện.