Đó là những chia sẻ của TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển xã hội trên trang Facebook cá nhân sau những ồn ào, lùm xùm liên quan đến QRTD thời gian vừa qua. Chị nói rằng chị “tung” lên như vậy không phải để đòi công bằng cho bản thân mà đã đến lúc mọi người cần lên tiếng để thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của xã hội với vấn nạn này.
Lên tiếng vì sự bất công với phụ nữ
- Tại sao chị lại công khai bị quấy rối trong thời điểm này. Có phải vì phong trào #Metoo đang xuất hiện ở Việt Nam?
Thực sự, tôi không định viết vào lúc này, không phải vì tôi sợ bị chê cười hay đổ lỗi. Tôi không muốn bị cho rằng tôi ham làm người khởi xướng phong trào #Metoo ở Việt Nam. Tôi đã có dự định này từ lâu nhưng muốn viết ở góc độ khoa học hơn là kể chuyện. Tuy nhiên, những tranh luận xung quanh các cô gái là nạn nhân của vụ QRTD bởi một rocker nổi tiếng mấy hôm nay khiến tôi thay đổi. Tôi thấy mình phải lên tiếng ngay bây giờ, vì trách nhiệm xã hội của một người nghiên cứu và vì trách nhiệm của một người phụ nữ, về QRTD, về nạn nhân và cả về thủ phạm của nó.
- Vẫn biết chị là một chuyên gia xã hội học nhưng lần đầu công bố những chuyện nhạy cảm như thế, chị có ngại không?
Không đâu, chỉ là tôi không muốn gợi lại những sợ hãi, tức giận và những cảm xúc tiêu cực mà thôi.
- Những vụ ồn ào, lùm xùm về QRTD vừa qua trong giới showbiz hay trong báo giới đã làm nóng dư luận xã hội, quan điểm cá nhân chị về những vụ việc này như thế nào?
Tôi thấy thật bất công cho phụ nữ vì sự đổ lỗi và những bình luận ác ý. Không phải vì cách họ ăn mặc, có cử chỉ, lời nói này nọ mà cho rằng họ đáng bị quấy rối. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, người đáng lên án chính là kẻ quấy rối chứ không phải nạn nhân. Hơn nữa, ở Việt Nam, người ta vẫn còn xuê xoa, bao che, bao biện cho đàn ông. Người ta cho rằng đàn ông có quyền quấy rối, trêu chọc phụ nữ, vì đó vốn dĩ là bản tính của đàn ông, là Ông Trời sinh ra thế, có vậy mới thể hiện nam tính… mà không hề để ý đến cảm giác của phụ nữ, không hề hiểu họ đã sợ hãi, hoảng hốt, tủi hổ, căm giận, hoảng loạn đến mức nào.
- Nhưng đâu phải chỉ riêng phụ nữ bị QRTD mà còn có cả đàn ông nữa chứ?
Đúng vậy, tôi không khẳng định chỉ riêng phụ nữ. Tất nhiên, đàn ông cũng có. Họ cũng bị tán tỉnh, đụng chạm nhưng rất ít. Hoặc ở mức độ cao hơn như tấn công thì hầu như không có. Tôi cũng thừa nhận, ở các cơ quan, công sở hiện vẫn còn những chuyện đùa thô thiển mà phụ nữ tham gia cũng rất nhiệt tình. Tôi cho rằng hành vi đó là thiếu văn minh cần phải thay đổi vì nếu người ngoài nhìn vào sẽ không hay, cho là thiếu chuyên nghiệp.
Cần thay đổi nhận thức
- Được biết, trước đây chị từng có nghiên cứu về vấn nạn này?
Tôi làm nghiên cứu năm 1997. Thế nhưng, ngày đó có ai quan tâm đâu. Người ta cho rằng đàn ông trêu chọc phụ nữ là bình thường, không trêu chọc mới là chuyện lạ. Biết rằng làm việc này chỉ như “ném đá ao bèo” nhưng tôi vẫn theo đuổi. Điều tôi bất ngờ nhất lúc đó là không chỉ phụ nữ trẻ xinh đẹp, ăn mặc hở hang mới bị quấy rối mà bất cứ phụ nữ nào, ở lứa tuổi nào cũng là đối tượng bị quấy rối. Tôi cũng rất sốc vì khi bị quấy rối, phụ nữ rất ít chia sẻ vì sự kỳ thị của những người xung quanh. Trẻ em khi kể với bố mẹ thì ngay lập tức bị mắng và bị cấm này nọ. Người lớn đi làm nếu chia sẻ thì bị đồng nghiệp cho rằng vì có thái độ lả lơi, khêu gợi, nên dễ bị thì thào, đồn đại, đố kị. Thậm chí có người nói ra còn bị chồng ghen, đánh ghen… Điều đó thật nguy hiểm và cần phải thay đổi.
- Từ thời điểm đó đến nay đã hơn hai chục năm, liệu những quan niệm đó có thay đổi không thưa chị?
Tôi nghĩ rằng là không. Gần đây, người ta vẫn cho đó chỉ là câu chuyện ứng xử văn hóa đơn thuần mà thôi. Vấn nạn QRTD vẫn có chiều hướng gia tăng và núp bóng dưới nhiều hình thức vì không gian, phạm vi, cơ hội giao tiếp ngày càng rộng mở hơn, chưa kể đời sống ảo trên mạng xã hội. Người phụ nữ vẫn bị chê trách, lên án, âm thầm chịu đựng nên những vụ liên quan QRTD thường rơi vào im lặng.
- Chị có nghĩ #Metoo ở Việt Nam sẽ mạnh lên không?
Tôi hy vọng sau những ồn ào, lùm xùm vừa qua, nhiều người sẽ dũng cảm lên tiếng để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi và hành động của xã hội đối với vấn nạn này. Khi việc lên tiếng đã trở thành phong trào thì chắc chắn những người có dã tâm cũng phải thay đổi. Còn bản thân những người chưa biết thế nào là QRTD cũng hiểu được vấn đề và biết tự bảo vệ mình tốt hơn.
Lên tiếng làm cho xã hội tốt đẹp hơn
- Nhiều người cho rằng việc lên tiếng như vậy đồng nghĩa “bóc mẽ” đàn ông, cho rằng họ không đáng là đấng nam nhi?
Tôi không cho là như vậy. Việc nạn nhân lên tiếng và những người xung quanh ủng hộ họ chỉ làm cho xã hội bình đẳng hơn, tốt đẹp hơn. Khi mọi người được sống tự do, thân thiện, tôn trọng lẫn nhau và không phải đề phòng nhau thì cả nam và nữ cùng được hưởng lợi cơ mà.
- Dường như pháp luật Việt Nam còn chưa có chế tài xử phạt cụ thể về những hành vi này?
Đúng vậy. Đối với nhiều nước, ở công sở, trường học, nơi làm việc đều có các quy tắc ứng xử, trong đó có quy định rõ ràng, cụ thể về vấn đề này. Theo đó, học sinh được trang bị kiến thức, giảng dạy rõ ràng; người lao động, công chức, viên chức trước khi vào làm việc đều được tập huấn cụ thể.
- Vậy phụ nữ phải làm gì để chống QRTD và khi cần lên tiếng thì họ phải chuẩn bị những gì?
Chứng cứ. Điều đó rất quan trọng. Nếu thường xuyên bị tấn công, hay việc tấn công đã trở thành nếp, dễ lặp lại nhiều lần thì cần phải ghi âm, chụp hình, quay clip lại hoặc tìm người làm chứng. Nếu bị tấn công thì phải đến cơ sở y tế để lưu giữ chứng cứ. Đối với trẻ em thì các phụ huynh cũng rất cần lưu ý vấn đề này.
- Xin cảm ơn chị!