TS Trần Trọng Dương: Không cô độc trong hành trình phục dựng vẻ đẹp văn hoá Việt

Đào Gia Long
14/12/2020 - 12:01
TS Trần Trọng Dương: Không cô độc trong hành trình phục dựng vẻ đẹp văn hoá Việt
Trong 10 năm nghiên cứu, TS Trần Trọng Dương theo đuổi giấc mơ trong trẻo, không vụ lợi, bằng đam mê văn hóa Đại Việt thời Lý, rằng một ngày nào đó không xa, có thể "đi bộ" trong những di tích huy hoàng thời ấy.

Câu chuyện đó đã trở thành hiện thực với cuộc triển lãm, trưng bày Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo được tổ chức gần đây tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm này là hành trình của một giấc mơ, xuyên qua giấc mơ để trở thành hiện thực, đi qua tuổi trẻ và thanh xuân của Trần Trọng Dương và nhiều anh em nghiên cứu khác. Sau cuộc triển lãm này, nhóm sẽ mang nghiên cứu của mình tới các cuộc triển lãm và hội thảo lưu động khác.

TS Trần Trọng Dương: 10 năm theo đuổi giấc mơ phục dựng vẻ đẹp vàng son thời Lý - Ảnh 1.

TS Trần Trọng Dương

Là người được đào tạo và nghiên cứu chính trong lĩnh vực văn tự cổ, chữ viết cổ truyền Việt Nam, TS Trần Trọng Dương cho hay, anh đọc và tiếp xúc với các nguồn sử liệu gốc với cảm thức của người từ bên trong, một thao tác quan trọng của người nghiên cứu nhân học văn hóa, đặt mình vào chủ thể để hiểu, người Việt thời đại Lý Trần tư duy thế nào, cảm nghĩ thế nào qua hệ thống chữ viết trên chính các văn bản họ viết ra. Qua một số văn bản ít ỏi hiện còn, bản thân anh thấy rằng, những gì chúng ta biết về lịch sử về văn hóa Việt trong quá khứ vừa không đầy đủ, vừa có phần khác xa những gì trên thực tế.

Nghiên cứu về kiến trúc một cột thời Lý, Trần Trọng Dương cùng nhóm Sen Heritage của mình đã mày mò hướng tới việc phục dựng các công trình kiến trúc cổ. Trần Trọng Dương cho hay, kiến trúc Liên Hoa Đài – chùa Một Cột hiện còn được phục dựng năm 1955, nó khác rất nhiều so với kiến trúc một cột thời Lý qua tư liệu khảo cổ và bi ký.

TS Trần Trọng Dương đặt mình trong vai trò là một thám tử, đứng trước một hiện trường, đánh giá những chứng cứ mơ hồ còn sót lại và dùng suy luận khoa học để tìm ra manh mối vụ án. Và bằng phương pháp nghiên cứu khoa học liên ngành, Trần Trọng Dương cùng bạn bè, với đam mê văn hóa Lý Trần, từ lúc vẽ phỏng dựng phác thảo mô hình chùa Diên Hựu trên giấy bằng bút bi nghệch ngoạc cách đây hơn 10 năm, đến nay, toàn bộ kiến trúc của công trình hoàng gia nhà Lý này đã được hoàn thiện với rất nhiều công trình xung quanh Liên Hoa Đài được dựng theo mô hình Mandala như Điện Môn, tháp Lưu Ly, hệ thống các điện thờ, tháp chuông...

Anh thận trọng cho hay, qua nhiều lần hiệu chỉnh, dựa trên các dữ liệu khảo cổ học kiến trúc, tư liệu mỹ thuật thời Lý từ Hoàng thành Thăng Long, cột chùa Dạm, chùa Bối Khê, chùa Thái Lạc, Tháp chùa Chờ, tháp Bình Sơn..., mô hình chùa Diên Hựu hiện ra, trong một giả thuyết tái lập, giống như trò chơi xếp hình, để thấy rằng, bên cạnh những công trình nhỏ, mang đặc trưng của văn hóa người Việt trồng lúa nước, còn nhiều công trình lớn, nguy nga mang dấu ấn vàng son của kiến trúc hoàng gia.

TS Trần Trọng Dương: 10 năm theo đuổi giấc mơ phục dựng vẻ đẹp vàng son thời Lý - Ảnh 2.

Hình ảnh chùa Diên Hựu phục dựng bằng công nghệ thực tế ảo

Trần Trọng Dương chia sẻ, anh rất vui vì những vất vả và đam mê của mình trong 10 năm qua đã được công chúng và giới nghiên cứu ghi nhận thông qua triển lãm. Trong đó, có cả những đoàn thăm quan là các học sinh tiểu học, rất say sưa và ngạc nhiên khi bước công trình hoàng gia với dáng vẻ vàng son thời Lý mà nhóm phỏng dựng.

Nói là phỏng dựng là bởi, cho đến nay, giới học thuật vẫn chia ra nhiều trường phái khi đánh giá về kiến trúc chùa Diên Hựu, trong đó nổi bật là quan điểm cho rằng, mô hình này được hiểu là Linga- Yoni ảnh hưởng từ văn hóa Nam Á, Chăm Pa hay thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở của cư dân lúa nước.

Tuy nhiên, cùng với những nghiên cứu của mình, anh và những người cùng trường phái khẳng định, nó không phù hợp với văn hóa Phật giáo Lý Trần dựa vào các tài liệu Phật giáo như Kinh Hoa Nghiêm chẳng hạn. Một trong những nhà nghiên cứu theo trường phái này, khi tiếp xúc với các cứ liệu khảo cổ học và gặp gỡ nhóm của Trần Trọng Dương đã bị thuyết phục và có những nghiên cứu, đánh giá lại khi tiếp cận chùa Diên Hựu công bố trên tạp chí khoa học là nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường.

TS Trần Trọng Dương cho biết, khi công bố mô hình 3D phỏng dựng chùa Diên Hựu, một số bạn bè anh là các giảng viên, nhà nghiên cứu ở nước ngoài, vốn đã theo dõi quá trình nghiên cứu và ủng hộ anh như Duong John Phan (trường Columbia University), Liam C. Kelley (trường Hawaii Uni), Alex Thai (trường Cornell Uni) đã xin mô hình này để thuyết minh, giảng dạy Việt Nam học trên thế giới.

Nhà nghiên cứu tâm sự, mình đã không cô độc trong hành trình phục dựng vẻ đẹp văn hóa Việt, vì có rất nhiều cùng tâm huyết và chí hướng. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ, thì từ không gian thực tế ảo này, chúng ta có quyền mơ ước về một phim trường cổ trang (như Lạc Uyển Lâu) thì lợi lạc biết bao.

Trần Trọng Dương cho rằng, từ mô hình 3D này, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, vẻ đẹp của văn hóa Đại Việt Lý Trần sẽ có dịp đi vào các dự án phim điện ảnh, các game kiếm hiệp do Việt Nam sản xuất, như đã từng xuất hiện trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể sản xuất năm 2016. Anh cũng mơ đến một trò chơi kiếm hiệp lịch sử thuần Việt, trong đó, người chơi đặt mình vào không gian văn hóa ấy, để đi nhặt những đầu rồng, lá đề...

Nói về các đam mê của mình, TS Trần Trọng Dương cho hay, anh có nhiều giấc mơ và chưa từng từ bỏ giấc mơ nào. Anh cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu về văn hóa Lý Trần, bởi lẽ, thời đại này, có quá nhiều sản phẩm tinh hoa đại diện cho nền văn minh rực rỡ của văn hóa Việt trong quá khứ, vàng son.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm