Từ A đến Z về các biến chứng đau mắt đỏ cần đặc biệt quan tâm

Tiểu Quyên
30/11/2020 - 08:10
Từ A đến Z về các biến chứng đau mắt đỏ cần đặc biệt quan tâm
Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ đều tương đối nhẹ và không gây tổn thương cho mắt và thị lực về sau của người bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một số biến chứng đau mắt đỏ có thể trở nên trầm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Các biến chứng đau mắt đỏ phụ thuộc vào tình trạng bệnh là nhiễm trùng (viêm kết mạc nhiễm trùng) hay phản ứng dị ứng (viêm kết mạc dị ứng).

1. Các biến chứng đau mắt đỏ mà người bệnh có nguy cơ mắc phải là gì?

1.1. Biến chứng viêm kết mạc nhiễm trùng

Nếu đau mắt đỏ do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), đặc biệt là chlamydia, thì nhiễm trùng có thể kéo dài vài tháng. Viêm kết mạc nhiễm trùng do bất kỳ loại vi khuẩn nào có thể dẫn đến một số biến chứng, đặc biệt là ở trẻ sinh non (sinh trước tuần 37 của thai kỳ).

Các biến chứng đau mắt đỏ có thể xảy ra bao gồm:

Viêm màng não: một bệnh nhiễm trùng màng não (lớp bảo vệ của các tế bào bao quanh não và tủy sống)

Tổng hợp từ A đến Z về các biến chứng đau mắt đỏ mà người bệnh có nguy cơ mắc phải - Ảnh 2.

Các biến chứng đau mắt đỏ phụ thuộc vào tình trạng bệnh là nhiễm trùng hay phản ứng dị ứng - Ảnh: Healthline

Viêm mô tế bào: tình trạng nhiễm trùng lớp sâu của da và mô khiến da trên bề mặt bị đau và viêm. Nó thường dễ dàng điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Nhiễm trùng huyết: thường được gọi là nhiễm độc máu, nhiễm trùng máu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu và tấn công các mô của cơ thể.

Viêm tai giữa: một bệnh nhiễm trùng tai ngắn hạn ảnh hưởng đến khoảng 1/4 trẻ em bị viêm kết mạc bội nhiễm do vi khuẩn haemophilus influenzae.

>> Tìm hiểu thêm về bệnh viêm tai giữa ở trẻ em và những biến chứng nguy hiểm

1.2. Biến chứng viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh đến 28 ngày tuổi, viêm kết mạc nhiễm trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt nặng và tiến triển nhanh chóng. Nếu không được điều trị kịp thời, biến chứng đau mắt đỏ này có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho thị lực của trẻ.

Tổng hợp từ A đến Z về các biến chứng đau mắt đỏ mà người bệnh có nguy cơ mắc phải - Ảnh 3.

Ở trẻ sơ sinh đến 28 ngày tuổi, viêm kết mạc nhiễm trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng mắt nặng - Ảnh: raisingchildren

Nếu em bé sơ sinh được phát hiện bị viêm kết mạc nhiễm trùng, hãy đưa trẻ đến các chuyên gia về mắt để được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức. Tình trạng của em bé sẽ được theo dõi chặt chẽ. Các biến chứng đau mắt đỏ do nhiễm trùng rất hiếm và hầu hết trẻ sơ sinh hồi phục hoàn toàn.

Sau khi bị viêm kết mạc nhiễm trùng do chlamydia, khoảng 1/5 trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi. Đây là một tình trạng có thể đe dọa tính mạng ở trẻ nhỏ và có thể trẻ được chỉ định nhập viện để theo dõi điều trị.

1.3. Biến chứng viêm kết mạc dị ứng

Nếu đau mắt đỏ của bạn là do phản ứng dị ứng với phấn hoa, mạt bụi hoặc các chất gây dị ứng tương tự (viêm kết mạc dị ứng theo mùa và lâu năm), thì rất hiếm khi gặp biến chứng đau mắt đỏ nghiêm trọng nào.

Tuy nhiên, các triệu chứng tái phát của đau mắt đỏ có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và bực bội. Ví dụ, nếu viêm kết mạc do phấn hoa, bạn có thể cảm thấy khó khăn khi đi ra ngoài trong những tháng mùa xuân và mùa hè.

Loại đau mắt đỏ do dị ứng này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và có thể khiến bạn khó tập trung ở nơi làm việc hoặc trường học, đặc biệt là nếu mắt bạn bị kích ứng nghiêm trọng. Mặc dù đau mắt đỏ do dị ứng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, nhưng nó sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe lâu dài nào.

1.4. Biến chứng viêm giác mạc biểu mô

Một số loại viêm kết mạc có thể gây ra tình trạng gọi là viêm giác mạc. Viêm giác mạc là nơi giác mạc của bạn (phần phía trước của mắt) bị sưng lên. Tình trạng này có thể gây đau và khiến mắt bạn nhạy cảm với ánh sáng (chứng sợ ánh sáng). Đôi khi hình thành vết loét trên giác mạc. Nếu vết loét tạo thành sẹo giác mạc, thị lực của bạn có thể bị hỏng vĩnh viễn.

Tổng hợp từ A đến Z về các biến chứng đau mắt đỏ mà người bệnh có nguy cơ mắc phải - Ảnh 4.

Một số loại viêm kết mạc có thể gây ra tình trạng gọi là viêm giác mạc - Ảnh: kidspot

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy liên hệ với bác sĩ đa khoa ngay lập tức hoặc đến bộ phận cấp cứu và tai nạn gần nhất để được điều trị sớm; tránh biến chứng đau mắt đỏ gây ảnh hưởng đến thị lực về lâu dài.

2. Làm thế nào để ngăn ngừa biến chứng đau mắt đỏ?

Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc rất dễ lây lan. Vậy nên, bạn cần thực hiện các bước vệ sinh để tránh lây lan bệnh cho người khác cũng như tránh các biến chứng đau mắt đỏ gây hại cho sức khỏe.

Nguyên tắc chung

Trước tiên, hãy giữ đôi tay luôn sạch sẽ; rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt nếu bạn chạm vào mắt bị đau hoặc những vùng xung quanh mắt.

Nhiễm trùng cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi và miệng. Vì vậy, không dùng chung khăn mặt, khăn tắm, áo gối, hoặc khăn tay với người khác, kể cả với gia đình. Không sử dụng mỹ phẩm hoặc thuốc nhỏ mắt của người khác, đặc biệt là bút chì kẻ mắt và mascara.

Nếu con bạn bị đau mắt đỏ, hãy cho chúng nghỉ học trong vài ngày cho đến khi nước mắt ngừng chảy và hết đỏ. Một khi một học sinh bị đau mắt đỏ có thể dễ dàng lây lan trong phạm vi toàn lớp học, nhất là độ tuổi mầm non.

2.1. Đau mắt đỏ và dị ứng

- Nếu bệnh đau mắt đỏ của bạn có liên quan đến dị ứng, hãy tránh những tác nhân gây bệnh.

- Đừng dụi mắt, điều này làm cho bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Tổng hợp từ A đến Z về các biến chứng đau mắt đỏ mà người bệnh có nguy cơ mắc phải - Ảnh 5.

Không dụi mắt để tránh biến chứng đau mắt đỏ gây hại cho thị lực về sau - Ảnh: Wikihow

- Nên chườm khăn mát lên mắt để tạo cảm giác dễ chịu

- Sử dụng nước mắt nhân tạo để giúp mắt dễ chịu hơn.

- Điều trị dị ứng thường xuyên, tránh gây khởi phát bệnh đau mắt đỏ

- Tuân theo điều trị của bác sĩ, không tự ý điều trị để tránh biến chứng đau mắt đỏ trầm trọng hơn.

2.2. Đau mắt đỏ và kính áp tròng

Đôi khi, hóa chất được sử dụng để làm sạch kính áp tròng có thể gây kích ứng mắt. Bạn có thể thấy nhẹ nhõm hơn nếu thay đổi cách vệ sinh kính áp tròng của mình, nhưng hãy nhớ khử trùng chúng trước khi đeo lại vào mắt. Nếu được, hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa về cách vệ sinh kính áp tròng tốt nhất.

Nếu đeo kính áp tròng và bị đau mắt đỏ, bạn nên tháo kính áp tròng và thực hiện các bước sau để tránh biến chứng đau mắt đỏ:

- Chuyển sang đeo kính thường cho đến khi mắt bạn lành lại.

- Bỏ kính áp tròng dùng một lần mà bạn đang đeo khi bị đau mắt đỏ.

- Khử trùng kính của bạn (nếu chúng không phải là loại bạn có thể vứt bỏ) trước khi sử dụng lại.

- Thăm khám bác sĩ nhãn khoa, tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm cho thị lực về sau.

Nguồn dịch:

1. https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/eyes/conjunctivitis#complications-of-conjunctivitis

2. https://www.verywellhealth.com/symptoms-of-pink-eye-3422099#complications

3. https://www.webmd.com/eye-health/understanding-conjunctivitis-prevention


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm