Bà Sirimavo Ratwatte sinh ngày 17/4/1916 tại vùng Baranaida, Sri Lanka. Cha bà là một quý tộc trong vùng, từng tham gia nghị viện trong suốt 6 năm với nhiều hoạt động chính trị xã hội có tiếng vang lúc bấy giờ. Chính vì thế, ngay từ nhỏ, Sirimavo Ratwatte đã được thừa hưởng từ cha sự say mê với các hoạt động xã hội. Đồng thời, do được sinh ra trong một gia đình giàu có nên Sirimavo Ratwatte được cha mẹ tạo điều kiện học tập một cách tốt nhất.
Bà Sirimavo Ratwatte cùng chồng - ông Solomon Bandaranaike sau này trở thành thủ tướng của Sri Lanka. |
Năm 1940, Sirimavo Ratwatte kết duyên cùng với Solomon Bandaranaike - con trai của một gia đình quyền thế, có nhiều ảnh hưởng trong xã hội Sri Lanka. Bản thân gia đình Bandaranaike đã nhiều đời đảm nhận các chức vụ quan trọng của chính quyền. Cha của Bandaranaike là cố vấn của Toàn quyền Anh tại Sri Lanka.
Dù Solomon Bandaranaike lúc đó đã 41 tuổi nhưng cuộc hôn nhân của Sirimavo Ratwatte với Solomon vẫn được đánh giá là một cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối” bởi địa vị của hai bên gia đình cũng như năng lực của chính Sirimavo Ratwatte và Solomon.
Trong khi Sirimavo Ratwatte là một cô gái sắc sảo, thông minh thì Solomon Bandaranaike lại được mệnh danh là “thanh kiếm” với khả năng biện luận sắc bén, đầy thuyết phục. Ông đã từng thắng Mac Donald trong cuộc tranh cử chức chủ tịch hội sinh viên tại Đại học Oxford vì khả năng hùng biện tuyệt vời của mình. Sirimavo Ratwatte và Solomon Bandaranaike đã thu hút và chinh phục nhau bởi chính tính cách mạnh mẽ cũng như sự tự tin trong mỗi người.
Sau khi kết hôn, Solomon Bandaranaike và Sirimavo đã có những năm tháng sống vô cùng hạnh phúc trong mục tiêu phấn đấu sự nghiệp chính trị không ngừng nghỉ.
Gia đình hạnh phúc của bà Sirimavo. |
Tháng 4/1956, Solomon Bandaranaike trở thành thủ tướng Sri Lanka sau khi đảng Tự do của ông thắng đảng Quốc dân Độc lập Thống nhất. Cũng từ lúc đó, vai trò của bà Srimavo được bước sang một trang mới. Sau khi kết hôn, Solomon Bandaranaike và Sirimavo Ratwatte đã có những năm tháng sống vô cùng hạnh phúc trong mục tiêu phấn đấu sự nghiệp chính trị không ngừng nghỉ.
Bà tích cực ủng hộ và giúp đỡ chồng mình trong các công việc chính trị. Sirimavo được xem là cố vấn và trợ thủ đắc lực không thể thiếu của thủ tướng Solomon. Sự tâm đầu ý hợp của hai người được phát huy một cách cao nhất trong chính công việc ở đỉnh cao của quyền lực này.
Sirimavo và Solomon luôn như “hình với bóng” trong những chuyến công du nước ngoài. Cả hai cùng bàn bạc và đưa ra những quyết định trong chính sách của nhà nước Sri Lanka lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, cũng chính vì sự gắn bó này của hai vợ chồng Sirimavo - Solomon mà một số thế lực thù địch ngày càng thù ghét. Điều này đã dẫn đến cái chết đau lòng của thủ tướng Solomon Bandaranaike vào 9h sáng ngày 25/9/1959.
Vào sáng hôm đó, thủ tướng Solomon Bandaranaike có cuộc gặp gỡ với hai vị hòa thượng. Khi ông bước ra để thực hiện nghi lễ cho cuộc gặp gỡ thì bất ngờ một vị hòa thượng rút súng ngắn từ trong áo cà sa, chĩa thẳng vào ông và bắn liền 6 phát súng.
Thủ tướng Solomon trúng 4 phát đạn trong đó có một viên đạn xuyên qua lá lách của ông khiến tính mạng ông trở nên vô cùng nguy kịch. 8h sáng ngày hôm sau, thủ tướng Solomon qua đời.
Cái chết đột ngột của thủ tướng Solomon đã khiến cho người dân Sri Lanka vô cùng bất ngờ và đau khổ. Thế nhưng, người đau đớn hơn ai hết chính là bà Sirimavo - người vợ đã gắn bó với ông trong suốt gần 20 năm.
Sau khi thủ tướng Solomon mất, tình hình chính trị của Sri Lanka trở nên vô cùng phức tạp. Đảng của cố thủ tướng Solomon bị suy yếu bởi các thế lực chống phá. Một số chính trị gia quyết định tách ra và thành lập đảng mới của mình.
Về phía Sirimavo Bandaranaike, bà đã vô cùng khổ sở trước nỗi đau mất chồng nhưng còn sầu thảm hơn khi phải chứng kiến mồ hôi, công sức, tâm huyết và thành quả của chồng mình dần bị lụi tàn và có nguy cơ đổ vỡ thực sự.
Sirimavo nhớ lại những lời mà chồng mình đã nói trước khi lâm chung về việc bà phải dũng cảm, cương nghị. Gạt nỗi đau, Sirimavo Bandaranaike gắng gượng vực dậy nhằm bảo vệ tâm huyết của người chồng yêu quý.
Sirimavo tiến hành tranh cử cho đảng Tự do để khôi phục lại đảng mà chồng mình đã thành lập và lãnh đạo. Việc Sirimavo Bandaranaike lao vào công việc cũng là cách bà lựa chọn để quên đi nỗi buồn.
Nữ thủ tướng của Sri Lanka cũng là nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới. |
Không ít lần, Sirimavo Bandaranaike đã ngất xỉu vì lao lực. Rồi những lần bà vừa diễn thuyết vừa khóc trong nước mắt vì nhớ đến người chồng quá cố của mình. Người dân Sri Lanka đã đặt cho Sirimavo Bandaranaike biệt danh là “quả phụ khóc” bởi niềm tiếc thương vô bờ bến mà bà dành cho chồng mình.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của bà, mặc cho đối thủ không ngừng tìm cách bôi nhọ, ngày 21/7/1960, bà Sirimavo Bandaranaike bước ra trong biển cờ hoa của người dân Sri Lanka chúc mừng cho chức vụ nữ thủ tướng mà bà trúng cử.