Tự chủ đại học: Trường tốp đầu nói gì về tăng học phí và tự mở ngành mới?

09/09/2019 - 15:37
Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2019, trong đó có nhiều sửa đổi liên quan đến tự chủ đại học. Vấn đề được quan tâm nhiều nhất khi tự chủ, chính là điều chỉnh mức học phí và chủ động mở ngành mới. Trường tốp đầu sẽ tăng học phí như thế nào, và mở những ngày mới nào để phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đảm bảo đầu ra cho sinh viên?

Học phí: Công khai minh bạch, tăng có lộ trình

Những vấn đề đặt ra ở trên được tập trung bàn thảo ở tọa đàm “Tự chủ đại học – Nâng cao chất lượng và đào tạo” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức vào sáng nay 9/9 tại Hà Nội. Khách mời buổi tọa đàm là lãnh đạo hai trong số các trường ĐH tốp đầu hiện nay: Ông Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội và ông Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân. Đại diện Bộ GD&ĐT – bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học, cũng tham gia buổi tọa đàm này.

Đặt ra vấn đề về tự chủ đại học, hầu hết đều nghĩ đến việc học phí sẽ tăng như thế nào sau tự chủ, việc tăng đảm bảo những nguyên tắc nào để không ảnh hưởng đến cả người học lẫn cơ sở đào tạo? Điều này được bà Thu Thủy nhấn mạnh rằng, việc tự chủ của các trường ở các mặt chuyên môn học thuật, tài chính, nhân sự… đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

img_4254.jpg
Bà Nguyễn Thu Thủy (giữa) nói về quy định các trường phải tuân thủ khi tự chủ đại học

Ông Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, có sự cân nhắc kỹ lưỡng để vừa đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, vừa có thể để người học tiếp cận được. “Học phí sau tự chủ đại học sẽ không tránh khỏi việc tăng, nhưng tăng có lộ trình và phù hợp với chi trả của người học” – ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, sau vài năm thí điểm tự chủ, đến nay chính sách học phí của trường ĐH Bách khoa Hà Nội dần ổn định, bảo đảm sự lựa chọn của sinh viên. Trước lo ngại đặt ra về việc khi học phí tăng sẽ “gánh” cho chi phí đầu tư cơ sở vật chất của trường, ông Sơn khẳng định đây là khoản thu công khai, minh bạch và đảm bảo chi đúng mục đích.

“Các trường công lập trước khi tự chủ đã được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất tốt. Học phí thường dùng để bù đắp một phần vào chi phí thường xuyên và cơ sở vật chất nhưng chủ yếu là cho việc giảng dạy và thực hành. Còn các đầu tư cơ bản lớn thì phải lấy từ nhiều nguồn khác nữa” – ông Sơn nói.

hoang-minh-son.jpg
Ông Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội 

Lấy ví dụ từ chính trường mình, Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa cho biết, trước khi có chính sách tăng học phí, trường đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng vào cơ sở, phòng thí nghiệm, máy điều hòa… Khi sinh viên bắt đầu bước vào thời gian tăng học phí thì thấy các hạng mục này đã được đầu tư trước thời điểm nộp phần học phí tăng thêm.

Còn với ĐH Kinh tế Quốc dân, theo ông Phạm Hồng Chương, học phí của trường cho đến nay thực hiện theo đúng tinh thần nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ. Theo đó, mức học phí phải công khai minh bạch, được công bố cho toàn khóa. Ví dụ trong năm học này trường công bố mức học phí chính quy từ 15 – 18,5 triệu đồng/năm. Mức tăng cam kết không quá 10%. “Bối cảnh hện nay, trường tăng khoảng 5%/năm. Sinh viên theo đó biết rõ mức đóng bao nhiêu trong cả năm, tránh sự bất ngờ xáo trộn” – ông Chương nói.

Một trong những thế mạnh của trường này chính là dành quỹ học bổng lớn cho sinh viên tài năng, với khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm. “Học phí hiện nay của chúng tôi hoàn toàn đảm bảo việc nâng cao chất lượng đào tạo” – ông Chương khẳng định.

Mở ngành mới theo hướng dẫn dắt thị trường?

Bên cạnh việc tăng học phí thì việc mở các ngành mới sau khi tự chủ cũng được quan tâm, bởi có tình trạng nhiều trường ồ ạt mở các ngành không liên quan đến lĩnh vực đào tạo của trường mình, nhằm hút sinh viên. Thực tế này được dự báo nhiều bất cập khi mở ngành nhưng không gắn với nhu cầu của thị trường, gia tăng tình trạng thất nghiệp, thừa nhân lực.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn cho biết, việc mở ngành không chỉ là chạy theo thị trường mà còn là trách nhiệm dẫn dắt thị trường, đào tạo đi trước 5 – 7 năm để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. “Chúng tôi có  trách nhiệm nhìn nhận thị trường ở góc độ dài hạn, tầm nhìn dài và lớn hơn. Có những ngành truyền thống, dù nhu cầu ngắn hạn không có nhưng chúng tôi không thể đóng được, dù đào tạo ít chúng tôi vẫn phải đào tạo, đó là trách nhiệm xã hội của nhà trường” – ông Sơn cho hay.

Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định, việc mở ngành luôn cần cân nhắc kỹ lưỡng, gắn với chất lượng, bởi đó còn là uy tín của nhà trường. “Được quyền tự do mở ngành nhiều hơn nhưng chúng tôi cảm thấy trách nhiệm lớn hơn trong việc mở ngành mới theo quy trình chặt chẽ, nghiên cứu kỹ, ngành mới dựa trên nền tảng của chuyên ngành cũ 70 – 80% chứ không phải là từ con số không, và một số ngành mới mở như AI, công nghệ giáo dục… của trường hiện được xã hội đón nhận tốt” – ông Hoàng Minh Sơn nói.

Với đặc thù của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Phạm Hồng Chương cho biết bước đi của trường hơi khác so với ĐH Bách khoa Hà Nội. Các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế đòi hỏi phải nhanh nhạy, bắt kịp xu thế, công nghệ, cập nhật liên tục, do đó nhà trường khi mở ngành mới luôn gắn với kết nối cộng đồng doanh nghiệp, nhà tuyển dụng…

pham-hong-chuong.jpg
Ông Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân

“Ngành kinh tế kinh doanh đòi hỏi sát sao thị trường nhanh hơn buộc chúng tôi phải làm như vậy, chứ đợi đào tạo xong chuyên gia thì hơi muộn. Nói như vậy không phải là không đảm bảo chất lượng mà là phải ưu tiên tính nhanh nhạy, kịp thời. Xu thế của chúng tôi là tăng hàm lượng công nghệ trong những ngành đào tạo truyền thống, giúp sinh viên có kiến thức kỹ năng tốt về công nghệ để đáp ứng được nhu cầu kinh doanh” – ông Chương chia sẻ.

Nói đến tình trạng nhiều trường ồ ạt mở các ngành mới không liên quan chuyên ngành đào tạo, ông Phạm Hồng Chương cho rằng, vấn đề không phải là mở bao nhiêu ngành mà là chất lượng đào tạo của ngành đến đâu. Hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu chuyên gia giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thừa người không đủ kiến thức kỹ năng để đảm nhận công việc.

Đồng tình với điều này, ông Hoàng Minh Sơn khẳng định, mỗi trường cần có tầm nhìn, chiến lược riêng, xây dựng phân khúc về lĩnh vực đào tạo và chất lượng thì mới cạnh tranh được một cách lành mạnh. Nếu trường nào cũng mở được ngành mà chất lượng không hơn, theo ông Sơn chắc chắn nhanh chóng bị cạnh tranh lớn, không vượt lên được. Mở ngành phù hợp với chiến lược về phân khúc chất lượng của trường, mới là điều quan trọng.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm