Từ chuyện bé 10 tuổi bị bạo hành: Hãy để trẻ biết mình được che chở!

12/12/2017 - 06:13
Sau vụ việc đứa trẻ 10 tuổi bị cha đẻ và mẹ kế bạo hành, bác sĩ người Việt tại Pháp Nguyễn Thu Hằng nhấn mạnh, đừng để con trẻ tuyệt vọng và mất lòng tin. Cha mẹ, gia đình cần tạo cho con niềm tin vào tình yêu thương, cho con biết mình luôn được che chở.
teen1.jpg
Trẻ sẽ ảnh hưởng tâm lý tiêu cực khi không có niềm tin vào người thân. Ảnh minh họa: Internet

Chia sẻ về câu chuyện cậu bé 10 tuổi ở Hà Nội bị bạo hành, ngoài người cha và mẹ kế rất đáng lên án, theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, mẹ, ông bà và người thân của cậu bé cũng đều có vấn đề chứ không ai vô can trong chuyện này. Bởi, đứa trẻ không tìm được chỗ dựa, sự che chở của ai trong suốt thời gian bị đánh.

Ví dụ cho việc đứa trẻ cần phải có niềm tin về việc mình có chỗ dựa, sự che chở, bác sĩ Nguyễn Thu Hằng kể: Có hai đứa trẻ hàng xóm nói chuyện với nhau. Một đứa vừa bị mẹ đánh một trận tơi bời vì lười học. Đứa kia hỏi: “Sao cậu ngốc thế, sao cậu lại chịu đứng đó cho mẹ đánh? Sao không chạy đi? Sao cậu không gọi điện cho bố cậu?...

Đứa này buồn bã trả lời: "Tại bố tớ cũng sợ mẹ tớ lắm, mỗi lần mẹ đánh tớ, bố đều bỏ đi chỗ khác. Tớ cũng không dám chạy, chạy thì khi quay về mẹ còn đánh nhiều hơn ...".

Đứa kia liền dạy: "Lần sau cậu cứ chạy sang nhà ông bà. Mẹ mà đuổi theo đánh thì cậu nấp sau lưng bà, thế là mẹ cậu sẽ không dám đánh, bà cậu sẽ bảo vệ cậu... Nếu mẹ còn đánh, cậu mang quần áo đến nhà ông bà mà ở đừng về nữa...".

Đứa này hỏi: “Cậu chắc chắn không? Cậu nghĩ là ông bà sẽ bảo vệ được tớ không?"

Đứa kia trả lời: “Chắc chứ, như bà tớ ấy, bà luôn bảo nếu có gì thì cứ kể cho bà, bà sẽ giúp đỡ, bà sẽ không bao giờ bỏ cháu cả…”.

Việc đứa trẻ mất lòng tin, không có chỗ dựa của người thân sẽ ảnh hưởng đến tâm lý ghê gớm. Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng cho biết: Có đứa trẻ người Pháp 8 tuổi phải sống trong một gia đình nuôi do bố bé bị đi tù, mẹ nghiện rượu. Thế nhưng, đến cuối tuần, khi được về nhà với mẹ dưới sự giám sát của nhân viên xã hội, cậu đã rất vui vẻ, hào hứng. Cậu làm bánh ga to, nhặt quả thông… về làm quà cho mẹ. Khi mẹ cậu có người yêu mới và chuyển đi một nơi rất xa, không được về với mẹ, cậu đã bị khủng hoảng tâm lý.

teen-3.jpg
Cha mẹ cần phải làm mọi thứ để con biết rằng, con là đứa trẻ được yêu thương và có nơi để tin tưởng... Ảnh minh họa: Internet

Rất nhiều tuần sau, cậu bé vẫn nuôi hi vọng, vẫn chờ đợi cả giờ đằng sau cánh cổng vào mỗi sáng thứ bẩy... Đến hai tháng sau thì cậu bé không còn chờ đợi nữa. Cậu bé vẽ những bức tranh màu sắc đen tối, để tóc dài, ăn mặc xấu xí, ăn ít, khó ngủ, hay khóc...

Cậu bé kể với các anh chị cùng nhà nuôi rằng: "Tôi là đứa bé bỏ đi, không cha, không mẹ, không có ai yêu thương, vì tôi xấu quá, tệ quá...". Ông bà nuôi của cậu bé, nhân viên xã hội, nhà tâm lý... phải mất rất nhiều công sức và thời gian mới lấy lại được cho cậu bé chút niềm tin, chút hi vọng vào cuộc đời...

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng nhấn mạnh, trẻ con và cả người lớn đều luôn cần có chỗ dựa, có chỗ để tin tưởng và biết là mình được yêu thương. Thế nên, bất kì lúc nào, ở đâu, cha mẹ cần phải làm mọi thứ để con biết rằng, con là đứa trẻ được yêu thương và có nơi để tin tưởng...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm