pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ chuyện "ngáo quyền lực" đến việc "dọn rác" trên không gian mạng
"Dọn rác" trên không gian mạng
Trước đó, người ta cũng từng bàn tán về chuyện gây gổ trên sóng trực tiếp của hai chủ cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh hay những màn "phân chia địa bàn online" một thời của các "giang hồ mạng". Cho đến gần đây, khi một số người trẻ bất chấp cả những quy định an toàn để biến sân bay thành địa điểm "sống ảo" nhằm thỏa mãn những lời tung hô không có thật, gây hệ lụy xấu đến nhiều người thì quả thật, hành vi đó không khác gì việc "xả rác" trên không giạn mạng.
Sự tràn lan nhanh chóng của "rác mạng"
Trong thời buổi công nghệ 4.0 phát triển như hiện nay, hiện tượng này ngày càng tràn lan và khó kiểm soát, nhất là khi những doanh nghiệp xuyên biên giới chưa có động thái quyết liệt trong việc ngăn chặn thông tin xấu độc. Chưa kể, để chạy theo lợi nhuận, nhiều đơn vị còn khuyến khích việc đưa các nội dung giật gân, câu khách lên mạng xã hội thì không gian mạng càng phải hứng chịu lượng "rác" khổng lồ, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều người.
Ở đời thực, chúng ta có bộ máy quản lý nhà nước và hành lang pháp lý để duy trì trật tự xã hội và thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên tại không gian mạng, mọi quy định, chế tài hiện tại còn rất mới mẻ và chưa có tính chất răn đe, các kẽ hở về luật pháp còn nhiều và đặc biệt, công dân chưa được giáo dục một cách bài bản về kiến thức mạng xã hội.
Trong thời gian qua, chúng ta đã nhiều lần được chứng kiến những "ngôi sao mới" trong hệ phát trực tiếp, các nội dung quảng cáo cho các dự án ma, sản phẩm giả và cả những thông tin chính trị sai lệch nhằm bôi nhọ lãnh đạo và xuyên tạc lịch sử. Điều đáng buồn là những màn đấu tố đầy ngôn từ tục tĩu mang tính xúc phạm, bóc phốt lẫn nhau vẫn thu hút hàng trăm ngàn, thậm chí là cả triệu lượt theo dõi trực tiếp. Hàng loạt bộ phim theo kiểu giang hồ hay nội dung 18+ được phát tràn lan trên các nền tảng số.
Thậm chí, ngoài những nội dung mà người sử dụng tự lên kế hoạch, nhiều quảng cáo chứa các "thông tin rác" nhưng vẫn được duyệt hoặc cho hiển thị ở các vị trí bắt mắt trên giao diện web. Có thể thấy, chưa khi nào, "rác thông tin" lại lan truyền mạnh mẽ như hiện tại. Bởi vậy, nếu chúng ta không xác định rõ mức độ lệch chuẩn đã đi xa đến đâu thì việc "dọn rác" là điều không thể.
"Văn hóa soi đường Quốc dân đi"
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng từng nói : "Đời thực thì chúng ta thở bằng không khí, không gian mang thì chúng ta thở bằng tin tức, nội dung. Thực tiễn chúng ta có hàng ngàn tấn rác nếu không dọn thì ảnh hưởng đến sức khỏe, trong không gian mạng nếu không dọn rác thì ảnh hưởng đến não người". Vì thế, nếu chính chúng ta không có ý thức xử lý thông tin trước khi đăng tải và chọn lọc thông tin trước khi tiếp nhận thì vô hình chung, chúng ta đang tiếp tay cho những hành vi trục lợi trên mạng xã hội.
Để có thể xây dựng một không gian mạng lành mạnh, chúng ta phải dựa trên nền tảng một xã hội văn minh được tạo nên từ giá trị đạo đức, văn hóa. Bởi vậy, việc trang bị kiến thức, giáo dục kỹ năng sống cho lớp trẻ khi tham gia không gian mạng, biết chọn lọc thông tin tin cậy, phản biện khoa học, giải trí lành mạnh, không xem những nội dung nhảm nhí, phản cảm, bạo lực, dâm ô, tuyên truyền sai lệch là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách quyết liệt trong việc đưa ra những bộ luật cụ thể và chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các cá nhân, doanh nghiệp và các đơn vị cung cấp mạng trong việc dung túng, phát tán các thông tin xấu độc. Bộ TT-TT cần xác định, làm rõ các giải pháp đồng bộ ở nhiều lĩnh vực để giải quyết triệt để vấn đề từ gốc, xây dựng các biện pháp ứng phó, đấu tranh bảo vệ an ninh mạng theo quy định pháp luật.
Trước đó, Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đã ra đời, tuy nhiên đây vẫn chỉ là những khuyến cáo, không phải luật nên chưa có tính răn đe. Gần đây, một diễn viên đã mất uy tín vì chuyện từ thiện và diễn viên có tiền án ấu dâm với nhiều lùm xùm quấy rối bạn diễn được vinh danh huy chương tại Liên hoan kịch nói toàn quốc cũngvấp phải sự chỉ trích gay gắt của khán giả khi cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quá nhẹ tay với những sai phạm của người nổi tiếng.
Những sự việc như thế này đã được một số nước như Trung Quốc xử lý nghiêm khắc, chẳng hạn như phong sát giới giải trí để loại bỏ những thần tượng xấu. Bên cạnh đó họ cũng ban hành "Biện pháp hành chính đối với các tổ chức môi giới phát sóng trực tiếp" để chấn chỉnh không gian mạng sao cho phát triển lành mạnh và có trật tự, không gây ra những sự sai lệch trong hệ tư tưởng và ngăn chặn đến mức tối đa những tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dùng mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "văn hóa soi đường Quốc dân đi", Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa cũng cho thấy vai trò đặc biệt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa không đơn thuần chỉ là ngôn ngữ, chữ viết, pháp luật, khoa học, tôn giáo… mà là cốt lõi trong việc kiến tạo tư cách đạo đức con người, từ đó định hướng giáo dục và vận hành một xã hội văn minh, hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới.