pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ "công chúa Disney" đến Đại sứ thiện chí của UN Women

Anne Hathaway có bài phát biểu quan trọng trong lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng với tư cách là Đại sứ thiện chí của UN Women vào ngày 8/3/2017
Thành công với nghệ thuật thứ 7
"Bông hồng nước Mỹ" có bước ngoặt đầu tiên khi đảm nhận vai Meghan trong bộ phim truyền hình "Get Real" năm 1999. Tuy nhiên phải đến vai diễn Mia Thermopolis trong "The Princess Diaries" (Nhật ký công chúa) vào năm 2011, cô mới gây được chú ý. Bộ phim đã trở thành một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất năm đó và giúp Hathaway được công nhận rộng rãi.
Năm 2008, bộ phim "Rachel Getting Married" (Đám cưới của Rachel) mang lại cho Hathaway những đề cử Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. Cô vào vai một phụ nữ nghiện ngập trở về đoàn tụ gia đình sau 10 năm xa cách. Năm 2012, con đường diễn xuất của "công chúa Disney" có bước đột phá lớn với "Les Miserables" (Những người khốn khổ), bộ phim dựa trên vở nhạc kịch cùng tên theo cốt truyện của Victor Hugo. Trong phim, nữ diễn viên 41 tuổi đảm nhận vai Fantine, một "gái bán hoa" mắc bệnh lao, một mình nuôi nấng con gái trong hoàn cảnh nghèo nàn cùng cực, chấp nhận bán tóc và răng đổi lấy chút tiền.
Để thể hiện trọn vẹn nhân vật, Hathaway ăn kiêng để giảm 11 kg và cắt đi mái tóc dài bồng bềnh của mình. Những nỗ lực và sự "kính nghiệp" của cô nhanh chóng được đền đáp khi bộ phim mang về cho cô Giải Oscar, Quả cầu vàng và Giải BAFTA hạng mục "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất" ở tuổi 30.

Anne Hathaway phát biểu trên sân khấu lễ trao giải Oscar lần thứ 85 vào ngày 24/2/2013 khi thắng giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất"
Hathaway tiếp tục giành được nhiều lời khen ngợi khi xuất hiện trong nhiều bộ phim như "The Dark Knight Rises" (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy) năm 2012, "Alice Through the Looking Glass" (Alice ở xứ sở trong gương) năm 2016 hay "Ocean’s 8" (Băng cướp thế kỷ: Đẳng cấp quý cô) năm 2018. Trong buổi công chiếu đầu tiên tại LHP Cannes 2022, Hathaway và bạn diễn Jeremy Strong đã nhận được tràng pháo tay 7 phút từ khán giả khi vào vai cặp vợ chồng Do Thái tại New York (Mỹ) thập niên 1980 trong phim "Armageddon Time". Một số dự án phim mới nhất của nữ minh tinh trong năm 2023 này là "Eileen" và "She Came to Me".
Hành trình làm mẹ
Anne Hathaway sinh ngày 12/11/1982 tại quận Brooklyn, New York (Mỹ). Cô là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em. Mẹ cô là diễn viên Kate McCauley Hathaway, còn bố là Gerald Thomas Hathaway, làm luật sư.
Năm 2016, sau khi sinh con đầu lòng, Hathaway được bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women).
Hathaway có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, nhiệt huyết với nghề. Trải qua nhiều mối tình "sóng gió", cô có cuộc hôn nhân viên mãn với doanh nhân, nhà thiết kế trang sức Adam Shulman. Tháng 9/2012, cặp đôi chính thức kết hôn sau gần 4 năm hẹn hò, đón con đầu lòng Jonathan vào năm 2016, sau đó là con trai thứ hai Jack vào năm 2019. Trong hành trình làm mẹ, khi nhiều lần đối mặt với những lời bàn tán về ngoại hình sau khi sinh con, Hathaway viết trên Instagram: "Không có gì đáng xấu hổ khi tăng cân lúc mang thai và bất cứ lúc nào khác. Không có gì đáng xấu hổ nếu bạn mất nhiều thời gian hơn bạn nghĩ để giảm cân".

Tổ ấm của Anne Hathaway
Thăng hoa trong cả sự nghiệp lẫn chuyện tình cảm nhưng cuộc đời không phải luôn ưu ái cho nữ diễn viên "Những người khốn khổ". Những năm đầu tham gia nghệ thuật, Hathaway được nhớ đến bởi ngoại hình xinh đẹp với đôi mắt to tròn, nụ cười tỏa sáng hơn là khả năng diễn xuất. Khi ở đỉnh cao của thành công, làn sóng chỉ trích nhắm vào Hathaway nhanh chóng lan truyền trên mạng. Mọi người bàn tán mọi thứ về cô, từ chiếc váy hồng dáng cột Prada bị cho là kém tinh tế cho đến bài phát biểu nhận giải Oscar năm 2013 bị gắn mác thiếu cảm xúc và giả tạo.
Thay vì lên tiếng đáp trả dư luận, nữ minh tinh chọn cách im lặng, dùng nỗ lực để chứng minh bản thân. Tại lễ trao giải "Women in Hollywood" của tạp chí Elle năm 2022, cô trải lòng về những giai đoạn bị khán giả chỉ trích: "Tôi sẽ không giữ chỗ cho những năng lượng tiêu cực, không sợ hãi khi phải đối diện với chỉ trích và không nói những ngôn từ gây thù ghét vì bất cứ lý do gì, với bất cứ ai, ngay cả với bản thân".
Quan niệm cho rằng phụ nữ và trẻ em gái phải gánh vác việc nhà là một định kiến cũ kỹ và cố chấp, không chỉ phân biệt đối xử với phụ nữ mà còn hạn chế sự tham gia và kết nối của nam giới với gia đình và xã hội. Những ảnh hưởng này tạo ra tác động đối với trẻ em. Vậy tại sao chúng ta tiếp tục đánh giá thấp những người cha và tạo gánh nặng cho các bà mẹ? Ở Hollywood, các nữ diễn viên nói rằng họ không thể mặc đồ quá size 6. Tôi nghĩ mọi người đang làm việc trong bong bóng khổng lồ đầy sự sợ hãi này. Tôi không nghĩ thế giới sẽ đổ lên bạn nếu bạn mặc size 8".
Diễn viên Anne Hathaway
Lựa chọn trở thành một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ
Hathaway đã có thời gian dài hoạt động vì quyền của trẻ em gái qua dự án của Quỹ Nike nhằm nâng cao nhận thức chống tảo hôn. Năm 2010, cô hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong chương trình phát triển dài hai năm "Girl Effect" với sứ mệnh tập trung vào việc trao quyền cho trẻ em gái ở các quốc gia phát triển và đang phát triển, nơi một phần ba phụ nữ trẻ không có việc làm và không được đi học. Năm 2013, nữ diễn viên lồng tiếng cho "Girl Rising", một bộ phim tài liệu của CNN tập trung vào sức mạnh của giáo dục nữ giới khi theo chân 7 cô gái tìm cách vượt qua trở ngại và theo đuổi ước mơ của mình.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gặp Đại sứ thiện chí của UN Women Anne Hathaway tại khóa họp lần thứ 63 Ủy ban địa vị phụ nữ LHQ, ngày 12/3/2019
Vào Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) năm 2017, Hathaway đã có bài phát biểu về chế độ nghỉ phép có lương, định kiến giới và văn hóa gia đình trong thế kỷ 21. Để nâng cao nhận thức về chủ nghĩa phân biệt giới tính có hệ thống trong ngành giải trí, nữ diễn viên "Nhật ký công chúa" ủng hộ các cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ và cho rằng Hollywood không phải là nơi bình đẳng. Năm 2018, Hathaway cùng 300 nhân vật nổi tiếng khác ở Hollywood đã phát động "Time’s Up", một phong trào tập trung vào việc chấm dứt quấy rối tình dục và bất bình đẳng giới tại nơi làm việc.