Tự hào vì Bảo tàng PNVN đứng vững trên cương vị là bảo tàng giới

26/10/2017 - 16:29
Trải qua bao khó khăn, Bảo tàng PNVN luôn vững vàng, xây dựng bảo tàng mang đặc thù giới, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Nhớ cô Ba Định - người đỡ đầu Bảo tàng PNVN

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Định (người đeo kính) với cán bộ Bảo tàng PNVN, năm 1989


Trong suốt thời gian gắn bó với Bảo tàng PNVN, kỷ niệm sâu sắc nhất đối với tôi chính là tấm gương sáng của cô Ba Định. Tôi còn nhớ, những năm 1987-1990, khi tôi mới về Bảo tàng, cô Ba Định lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Cô Ba không chỉ chăm lo công tác chung của Hội mà còn là người đỡ đầu của Bảo tàng PNVN.

Nhờ những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng, Bảo tàng PNVN trở thành nơi hội tụ của phụ nữ cả nước. Trong ảnh: Đoàn phụ nữ các dân tộc huyện Mù Cang Chải và Lục Yên, tỉnh Yên Bái tham quan Bảo tàng PNVN, tháng 12/1997

 

Với riêng tôi, mặc dù được đào tạo ở nước ngoài nhưng lại không học về chuyên ngành bảo tàng nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi tự nhủ phải cố gắng học hỏi thật nhiều. Mặc dù rất bận nhưng cô Ba Định luôn quan tâm, tận tình hướng dẫn chúng tôi, giúp chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong những chuyến đi công tác ở trong nước cũng như ở nước ngoài, Cô Ba luôn yêu cầu có cán bộ Bảo tàng đi cùng và hướng dẫn chúng tôi gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, gặp các cơ sở cách mạng. Với uy tín và tâm huyết của Cô Ba, nhiều nhân chứng lịch sử đã tặng cho bảo tàng các hiện vật quý.

Với Bảo tàng PNVN, Cô Ba có đóng góp rất lớn. Cô đã đề nghị với Đảng và Nhà nước cho phép Hội LHPN Việt Nam thành lập Bảo tàng PNVN tại thủ đô Hà Nội. Để huy động nguồn lực xây dựng bảo tàng trong điều kiện kinh tế khó khăn, Cô Ba đã ra Chỉ thị cho các cấp Hội, kêu gọi các ngành, các cấp, địa phương đóng góp tài liệu, hiện vật, vật tư, tài chính. Đồng thời, Cô Ba cũng gửi thư cho phu nhân đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, kêu gọi Việt kiều ủng hộ xây dựng Bảo tàng. Ngày đó, ý tưởng vận động phụ nữ cả nước chung tay xây dựng Bảo tàng của Cô Ba thật sự thiết thực và sáng suốt. Chính vì có những quyết định như thế mà chúng ta mới có Bảo tàng PNVN như ngày hôm nay.

Bảo tàng PNVN không chỉ là địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn mà còn là nơi các cấp Hội Phụ nữ nhớ về cội nguồn, ôn lại truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam. Trong ảnh: Phụ nữ Quân đội tham quan Bảo tàng PNVN, ngày 27/3/1997

 

Khi Cô Ba Định qua đời, tôi và tập thể Ban Giám đốc được trao cuốn sổ ghi chép và túi đựng tiền, trong đó có 10 triệu đồng do Cô Ba vận động, quyên góp để xây dựng Bảo tàng. Chúng tôi vô cùng cảm động và biết ơn người Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cả cuộc đời phấn đấu hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp Cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, vì sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ. Và một điều làm chúng tôi thực sự xúc động là cho đến hơi thở cuối cùng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Định vẫn luôn dành tình cảm thân thương, ấm áp đối với đội ngũ những người làm công tác bảo tàng, luôn tận tâm, làm gương cho lớp con cháu noi theo. 

Rưng rưng ngày gặp lại

Bà Đặng Thị Tố Ngân và bà Đào Thị Nhiên (thứ tư và thứ năm từ trái sang), nguyên Giám đốc Bảo tàng PNVN, với Ban Giám đốc và nhân viên Bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Bảo tàng PNVN (1987-2017)

 

30 năm thành lập Bảo tàng PNVN, trong tôi có nhiều cảm xúc lắm. Về gặp lại anh chị em, tôi rất mừng bởi các thế hệ đi sau của Bảo tàng đã thực hiện được ước nguyện lớn của thế hệ đi trước: Xây dựng Bảo tàng ngày càng phát triển, trở thành một trong những bảo tàng có uy tín trong nước và trên thế giới. Dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, vất vả, tôi không biết nói gì hơn, chỉ mong sao các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng PNVN luôn vững vàng, vượt qua thách thức, tiếp tục xây dựng Bảo tàng PNVN ngày càng năng động, phát triển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm