pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tự hào vì con đã cho đi
Lễ Macchabée tri ân những người hiến thân thể cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo y học
Bộ môn Giải phẫu Đại học Y Hà Nội ngày thường khá yên lặng và ít người qua lại, nhưng ngày 25/8 vừa qua ngập tràn hoa và những nỗi niềm khó nói thành lời. Dọc hành lang, dòng người xếp hàng nối đuôi nhau là những thầy cô, sinh viên y khoa và người nhà của những người đã hiến xác cho y học, họ cùng tề tựu về đây để tổ chức lễ Macchabée nhằm tưởng nhớ những người anh hùng thầm lặng của y học nước nhà.
Theo PGS. TS Ngô Xuân Khoa, lễ Macchabée tri ân những người hiến thân thể cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo y học có ý nghĩa vô cùng quan trọng. "Chúng tôi vô cùng biết ơn họ, bởi không có bất cứ phương tiện giảng dạy nào tốt hơn chính cơ thể người".
Từ Nam Định, hôm nay gia đình chị Đào Thanh Hương đến Đại học Y Hà Nội để tưởng nhớ cậu con trai đã xa lìa trần thế. Nhiều năm điều trị căn bệnh ung thư quái ác, cậu có thêm sự hiểu biết về nghề y, về những công việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy học tập để các bác sĩ có thể ra nghề thành thạo.
Vì thế, khi biết bản thân không còn tiếp tục chống chọi được với bệnh tật, cậu đã đưa ra một quyết định khiến gia đình bàng hoàng và xót xa, đó là hiến thân thể mình cho y học. Rưng rưng nước mắt khi nói về tâm nguyện của con trai, chị Hương cho biết: "Con bảo con đã được hưởng rất nhiều ưu ái của cuộc đời, được đi đây đi đó, hiểu biết nhiều rồi nên con muốn trước khi ra đi sẽ làm được điều gì có ích cho xã hội. Dù lúc đó gia đình rất đau lòng, nhưng vì là trăng trối của con nên chúng tôi vẫn thực hiện. Tôi rất tự hào về con".
Đến nay, cậu là người trẻ nhất trong số 14 người đã thực hiện nghĩa cử cao đẹp này.
Cũng như con trai chị Hương, 14 người nằm lại Đại học Y Hà Nội có thể khônh nhiều người nhớ mặt đặt tên, nhưng trong trái tim của thầy và trò ngành y, cũng như các thế hệ y bác sĩ, những nhân xác luôn là những người thầy thầm lặng và bất tử, những người thầy dù không có sách vở nào lưu tên nhưng đã để lại cho đời sự biết ơn sâu sắc về đức hy sinh và tinh thần cống hiến cho y học nước nhà.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi". Và nay ở ngoài đời thực, có những người ngay cả khi đi xa cõi tạm, họ vẫn để lại cho đời một niềm hy vọng. Tại căn phòng này, chúng ta được chứng kiến nhưng điều phi thường như vậy, khi người nằm xuống để nhiều người khác có cơ hội được trở lại cuộc sống đời thường, ươm lên những hạt mầm mang niềm tin.