Học tiếng Anh, giao tiếp với người nước ngoài là vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa internet. |
Hồi hè năm thứ nhất, sau một khoảng thời gian làm các công việc mình cho là không có ý nghĩa như đi gia sư, phát tờ rơi, chạy bàn…, mình dành nhiều thời gian hơn cho việc học tiếng Anh. Lần đầu tiên học từ mới, mình viết ra giấy, xong rồi viết ý nghĩa của từ ở bên cạnh. Ngày đầu tiên, mình học rất hăng, học 20-30 từ/ngày, nhưng chẳng nhớ được là bao. Sau đó, mỗi ngày mình học ít hơn, chỉ 5-7 từ, mà cũng không nhớ được lâu. Thời gian đó rất khó khăn với mình, mình đi tìm phương pháp phù hợp mà không được, cảm giác rất chán và nhiều khi muốn bỏ cuộc…
Có hôm, chán quá, mình lên Hồ Gươm chơi. Đang đi quanh hồ thì thấy một anh Tây ngồi ở ghế. Lúc đó, mình nảy ý định bắt chuyện với anh ấy. Ngồi cạnh anh khoảng 20 phút mà chưa nói được câu gì, cảm giác nghĩ được rất nhiều nhưng mồm bị cứng lại. Ngồi thêm mấy phút nữa thì anh ta đi mất…
Hôm sau, mình lại đạp xe lên Hồ Gươm, với sự quyết tâm rất cao. Mình ngồi cạnh cặp vợ chồng người nước ngoài đã có tuổi. May mắn là ông bà ý tự bắt chuyện với mình. Họ rất thân thiện nên mình khá thoải mái. Ông Tây nói một câu mà mình nhớ mãi: “Người Việt Nam chuộng bằng cấp trong việc học tiếng Anh quá! Nếu học tiếng Anh chỉ để ra trường hay lấy chứng chỉ thì đừng học, vừa phí công sức vừa phí thời gian và tiền bạc. Học một ngôn ngữ thì phải NÓI RA ĐƯỢC, nói ra được thì mới thể hiện là mày biết ngôn ngữ đó!”
Sau đó về nhà, mình ngẫm nghĩ rất lâu. Và mình quyết định HỌC NÓI TRƯỚC. Mình học theo phương pháp Effortless English. Với việc nghe lặp đi lặp lại và trả lời câu hỏi bằng phản xạ, mình học được khoảng 2 tháng thì bỏ cuộc vì nó quá nhàm và không phù hợp với mình.
Loay hoay là vừa hết kỳ 1 năm thứ 2, tiếng Anh vẫn chưa đâu vào đâu cả. Mới phát âm chuẩn chứ chưa nói được nhiều. Nhưng câu chuyện dưới đã thay đổi cả cuộc đời mình. Một hôm, mình thấy bạn của mình chia sẻ trên Facebook về tuyển dụng làm trợ giảng cho một Tổ chức tiếng Anh. Thật lòng mà nói thì mình không dám đăng ký, chỉ comment vu vơ là: “Không giỏi có được apply không? ”, thì được trả lời: “Vào đó có thể học hỏi thêm, quan trọng là dám học hỏi và tự tin vào bản thân là được”.
Sau đó mình nạp hồ sơ vào vị trí trợ giảng và may mắn là cũng được làm trợ giảng chính thức sau mấy vòng phỏng vấn và training. Sau khoảng 1 tháng làm trợ giảng thì Tổ chức đó có tuyển thêm vị trí MC – là ngang với việc đứng lớp và dạy tiếng Anh cho người khác, ngoài ra còn cần kỹ năng thuyết trình nữa.
Và mình cũng đã apply vào vị trí đó. Và cũng rất may mắn là đã vượt qua rất nhiều người, trong đó có nhiều người đã làm việc lâu năm… để trở thành một MC trẻ nhất thời đó. Lần đầu tiên nhận lương, mặc dù lương chỉ 200k/buổi, thu nhập 1 tháng chỉ 1,6 triệu đồng thôi nhưng cảm thấy việc làm rất có ý nghĩa và mình được trau dồi rất nhiều thứ.
Làm tour guide là cách để trau dồi tiếng Anh rất nhanh. Ảnh internet. |
Sau đó mình có tham gia ứng tuyển và được nhận vào làm với nhiều vị trí cao hơn, trong đó có vị trí trainer là vị trí cao nhất của việc dạy học, không chỉ ở công ty cũ mà nhiều công ty khác cũng tự động liên lạc để tuyển dụng.
Giờ ngồi ngẫm lại, hồi đó thực ra không giỏi, TOEIC chỉ vỏn vẹn 740 đủ dùng (sau này mình có thi lại được 945). Nhưng mình thấy điều làm mình có thể vượt qua các vòng training và phỏng vấn đó là “SỰ TỰ TIN”. Mặc dù khả năng mình không thật sự hơn người khác nhưng mình phải luôn tin là mình làm được, thì cùng với niềm tin đó và nỗ lực của bản thân, chắc chánw mình sẽ làm được.
Với việc học tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh giao tiếp, các bạn nên tự học ở nhà để chuẩn ngữ âm và nói rất cơ bản trước. Sau đó, bạn nên tìm một công việc gì đó để làm. Lúc đi làm thì kỹ năng sẽ tăng lên rất nhiều! Ba nghề mình đặc biệt thấy có tiềm năng để trau dồi là: Trợ giảng tiếng Anh; Bồi bàn ở một quán thường xuyên có khách nước ngoài, Làm tour guide.
Mình nhận thấy, tiếng Anh có thể thay đổi cả cuộc đời bạn nhưng quá trình học tiếng Anh phải cần rất nhiều cố gắng. Phải có quyết tâm và đặt mục tiêu hàng ngày. Mục tiêu nếu đặt ra thì phải viết ra và dán lên bàn học. Đừng có chỉ nghĩ, nghĩ mà không viết ra rồi lại quên. Và học tiếng Anh thì cố gắng học để nói được và thuyết trình được trôi chảy về tất cả các chủ đề cơ bản trong đời sống hàng ngày. Đừng học chỉ để thi TOEIC, hay IELTS, rồi đổi điểm, rồi vứt đó!
Điều cũng khá cần thiết là sinh viên nên kiếm việc có ý nghĩa để làm.
Nếu bạn đang học mà thật sự không biết sau này ra trường sẽ làm gì thì cũng cứ đi làm và trải nghiệm, và cố gắng trải nghiệm nhiều việc khác nhau. Mục đích đầu tiên là để bạn biết quý trọng đồng tiền, thứ hai là dựa vào nó, dần dần bạn sẽ biết được mình thích gì, và mình cần bổ sung những gì để tốt hơn.