Từ tấm bản đồ tuổi thơ đến hành trình gieo mầm tri thức

Bài và ảnh: An Khê
12/05/2025 - 15:59
Từ tấm bản đồ tuổi thơ đến hành trình gieo mầm tri thức

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy (Trường THCS Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ)

Từ việc thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số, nhiều người đang lặng thầm góp phần thay đổi nhận thức và mở ra cánh cửa cơ hội mới.

Trong số đó có cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1987), giáo viên Lịch sử và Địa lý, Trường THCS Thắng Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Cô Thúy như một luồng gió mới, kiên trì bền bỉ đồng hành cùng học sinh dân tộc thiểu số, giúp các em vượt qua rào cản, tiếp cận tri thức, công nghệ và tự tin vươn lên.

Từ tấm bản đồ tuổi thơ đến hành trình gieo mầm tri thức- Ảnh 1.

Trở thành giáo viên không chỉ vì đam mê mà cô Thúy còn muốn truyền cảm hứng cho học trò

"Nếu không có cô, em sẽ mãi là cái bóng trong lớp học"

Ngay từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy đã mê mẩn những tấm bản đồ và câu chuyện về các miền đất xa xôi. Đối với cô, mỗi dòng sông, ngọn núi không chỉ là kiến thức khô khan mà còn là ký ức sống động, là sự tò mò về cuộc sống muôn màu. Chính tình yêu ấy đã dẫn dắt cô đến với ngành Địa lý và sau này là nghề giáo, một lựa chọn không chỉ vì đam mê mà còn vì mong muốn truyền cảm hứng cho học trò.

"Dạy Địa lý không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp các em mở rộng tầm nhìn, biết kết nối giữa nơi mình sống và thế giới rộng lớn ngoài kia", cô Thúy chia sẻ. Với học sinh vùng khó, cô Thúy luôn tìm cách đưa môn học trở nên gần gũi hơn: Từ bản đồ vẽ tay, các mô hình địa hình đơn sơ đến việc biến lớp học trở thành các tour du lịch ảo, nơi các em làm hướng dẫn viên giới thiệu vùng quê của mình. Mỗi buổi học là một chuyến phiêu lưu nhẹ nhàng, nuôi dưỡng tình yêu quê hương và ý thức bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, hành trình ấy không hề dễ dàng, nhất là khi cô dạy lớp có phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số. Rào cản lớn nhất không chỉ là ngôn ngữ, mà là tâm lý e dè, tự ti. Để khắc phục, cô Thúy kết hợp lời giảng với hình ảnh trực quan, các trò chơi nhóm. Hoạt động trải nghiệm vừa tạo hứng thú, vừa giúp học sinh dễ tiếp thu. Cô tự tay làm giáo cụ, tự in bản đồ, dựng mô hình núi rừng bằng xốp, giấy thủ công giúp buổi học thêm sống động, thân thuộc với các em.

Khi được hỏi về câu chuyện khiến mình xúc động nhất, cô Thúy kể về một học sinh người dân tộc Mường có tên là Đông. Đông lặng lẽ và khép mình suốt nhiều tháng đầu năm học. "Em ngồi cuối lớp, không bao giờ phát biểu, đôi khi cô còn tưởng em... ngủ gật". Nhưng cô nhìn thấy trong ánh mắt em là sự ham học bị đè nén bởi tâm lý rụt rè và tự ti.

Cô bắt đầu dành thời gian trò chuyện với em mỗi giờ ra chơi, khích lệ em trong từng bài kiểm tra nhỏ, động viên bằng những lời rất nhẹ: "Cô thấy em có tố chất đấy!". Và rồi, từ một học sinh luôn né tránh ánh nhìn của cô, Đông đã dần bước lên bục phát biểu. Cuối năm, em đạt giải Nhì cấp huyện môn Địa lý, một bất ngờ lớn với cả lớp.

"Ngày em gửi lại cho tôi lá thư trước khi chuyển cấp, có một dòng khiến tôi nghẹn ngào mãi: Nếu không có cô, em nghĩ mình sẽ mãi là cái bóng trong lớp học". Câu chuyện ấy là lý do để cô giáo Thanh Thúy, dù đã nhiều lần được đề nghị chuyển về gần nhà dạy cho "nhàn", vẫn kiên quyết bám trụ ở Trường THCS Thắng Sơn, nơi có những học trò cần sự động viên để có được niềm tin và cả kiến thức.

Với lớp 6B, độ tuổi chuyển tiếp từ tiểu học lên THCS, cô xây dựng lớp học như một "gia đình nhỏ". Mỗi tuần có một "giờ lắng nghe", nơi học sinh thoải mái chia sẻ vui buồn, và một "hộp thư biết nói", nơi các em gửi điều muốn nói mà không dám nói thành lời. "Chỉ khi các em cảm thấy an toàn và được tôn trọng, các em mới dám phát biểu", cô Thúy nói.

Dạy học bằng tình yêu và sự thấu hiểu

Không chỉ là giáo viên đạt danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi cấp huyện", cô Thúy còn là người kèm cặp nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi môn Địa lý. Khi được hỏi về bí quyết, cô chỉ cười: "Thật ra, không có bí quyết gì lớn. Dạy học ở vùng khó, điều quan trọng nhất là phải thấu hiểu học sinh và linh hoạt trong xử lý tình huống".

Cô luôn tâm niệm rằng một tiết học hay không chỉ đến từ giáo án chuẩn chỉnh, mà từ ánh mắt lắng nghe của người thầy dành cho học trò. Có những hôm, cô phải bỏ cả buổi trưa để đi bộ vào bản, chỉ để đưa cho học sinh một tấm bản đồ vẽ tay. Có em khi được cô gọi lên bảng đã òa khóc không phải vì sợ, mà vì lần đầu tiên được công nhận. Cô nói: "Học sinh vùng này không thiếu trí tuệ, chỉ thiếu niềm tin và giáo viên chính là người khơi lại ánh sáng ấy".

Từ tấm bản đồ tuổi thơ đến hành trình gieo mầm tri thức- Ảnh 2.

Cô tự tay làm giáo cụ, tự in bản đồ, dựng mô hình núi rừng bằng chất liệu xốp, giấy thủ công giúp buổi học thêm sống động, thân thuộc với các em.

Cô kể, nhiều học sinh không có thiết bị công nghệ, nên cô ghi âm bài giảng rồi gửi qua Zalo cho phụ huynh. Có em gia đình không có thiết bị kết nối mạng, cô đến tận nơi, mang theo bản đồ giấy, mô hình đơn sơ và những câu hỏi mở, giúp em học bằng... cuộc trò chuyện. Với cô, việc học không nhất thiết phải gói trong sách vở mà có thể bắt đầu từ ngọn đồi sau nhà, dòng suối bên đường.

Cô cũng không ngừng tự học. Từ các lớp tập huấn, đến việc tìm tòi công cụ công nghệ mới để dạy học trực tuyến, cô đều chủ động. "Nếu mình không chịu thay đổi, thì sao đòi hỏi học sinh thay đổi?", câu nói nhẹ mà sắc sảo của cô khiến ai nghe cũng phải gật gù.

Điều cô trăn trở nhất hiện nay là việc hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ. Không ít em thông minh nhưng thiếu cơ hội. Nếu có thêm các thiết bị, lớp học thông minh, và những sân chơi lớn, các em sẽ đi rất xa.

8 năm dạy học với gần 200 học sinh dân tộc thiểu số từng học lớp cô, nhiều em nay là sinh viên đại học, một số quay lại chính ngôi trường cũ để tiếp bước cô trong vai trò giáo viên trẻ. "Đó là điều khiến tôi hạnh phúc nhất", cô nói, giọng nhẹ nhàng với ánh mắt ngời sáng.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy không chỉ dạy Địa lý, cô còn dạy học trò nhìn thấy chính mình trên bản đồ cuộc đời. Những việc làm âm thầm của cô đang lan tỏa giá trị tích cực của giáo dục nhân văn, góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 8 về thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bài giảng, từng cử chỉ quan tâm của cô là những bước nhỏ nhưng bền vững trên con đường nâng cao quyền năng cho học sinh nữ, xây dựng một môi trường học đường công bằng và đầy hy vọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm