Từ tuyên ngôn ‘Ngày hiền mẫu’ đến sự ra đời Ngày của mẹ

12/05/2019 - 20:20
Ngày của Mẹ (Mother’s Day) hiện được xác định là ngày Chủ nhật thứ 2 của tháng Năm. Đây là dịp đặc biệt để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ hiền. Nhưng hành trình ra đời Ngày của Mẹ là cả một câu chuyện dài gắn liền với những người phụ nữ.

Cội nguồn yêu thương 

Năm 2019, Ngày của Mẹ là ngày 12/5. Qua bao thời đại, tình mẫu tử luôn là tình cảm thâm sâu nhất của con người. Cuộc đời của người mẹ gắn liền với chín tháng cưu mang, ba năm nâng niu bú mớm, bao năm chăm sóc, dưỡng dục con trong vòng tay nâng niu, trìu mến, vỗ về, chở che...

2-ann-maria-reeves-jarvis-anna-marie-jarvis-2.jpg
Bà Ann Maria Reeves Jarvis (trái) và con gái Anna Marie Jarvis

 

Ngày của mẹ có nguồn gốc từ xa xưa, tận những năm đầu của thế kỷ thứ V trước Công nguyên khi người La Mã tổ chức những lễ hội mùa xuân gọi là Matronialia để tôn vinh nữ thần Juno, nữ hoàng của các vị thần La Mã, vợ của thần Jupiter. Người Hy Lạp cũng có những lễ hội được tổ chức vào tháng 3 mỗi năm, từ ngày 15 đến ngày 27 để tưởng nhớ tới Nữ thần Mẹ Cybèle, mẹ của tất cả các vị thần.

 

Cho tới thế kỷ thứ IV sau Công nguyên, những lễ hội này đã chấm dứt và được thay thế bằng lễ Mẹ Maria, mẹ Chúa Jésus. Lễ hội này được tổ chức vào ngày lễ thứ 4 của tuần chay (tháng 3) bởi những người đạo Cơ đốc giáo và nó được mở rộng cho tất cả các bà mẹ. Sau khi cầu nguyện đức mẹ đồng trinh ở nhà thờ, trẻ em sẽ mang quà và hoa về tặng mẹ. Cũng trong dịp này, những người phục vụ, những người học việc, những thợ làm thuê được nghỉ làm, trở về nhà và mang tặng cho mẹ những chiếc bánh “mothering cake”.

 

Theo một số tài liệu của lịch sử cận đại, Ngày của Mẹ đã xuất hiện ở Anh quốc vào khoảng năm 1600. Đã rất lâu về trước, ngày này được tổ chức hàng năm, trước lễ Phục Sinh 40 ngày để tri ân người mẹ. Vào Ngày của Mẹ, các em nhỏ lúc ấy thường có phong tục tặng hoa hoặc bánh trái cây (được gọi là simnel) cho những người mẹ thân yêu của mình. Tuy nhiên, phong tục này dần rơi vào quên lãng ở thế kỷ thứ XIX.

 

Đề nghị có một Ngày của Mẹ ở Mỹ chính thức được nêu ra do bà Julia Ward Howe năm 1872. Là một người hoạt động chính trị, một nhà văn, nhà thơ, Julia nổi tiếng qua bài hát về chiến tranh Nam Bắc “Battle Hymn of the Republic”. Bà Julia Ward Howe đề nghị lấy ngày 2/6 hàng năm để tổ chức Ngày của Mẹ và để cống hiến cho công cuộc hòa bình.

 

Năm 1870, tại Boston (Mỹ), bà viết một bức thư nhiệt thành gởi đến các phụ nữ và kêu gọi họ đứng lên chống lại chiến tranh trong Bản “Tuyên ngôn Ngày hiền Mẫu” (The Mother’s Day Proclamation) nổi tiếng. Bản tuyên ngôn này là sự phản ứng ôn hòa đối với sự tàn phá của cuộc nội chiến Mỹ cũng như cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ lúc bấy giờ.

 

Bản tuyên ngôn này dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nữ quyền với ý tưởng người phụ nữ cũng có trách nhiệm uốn nắn xã hội trên con đường chính trị.  Bà Julia tranh đấu không ngừng cho việc chính thức công nhận một ngày cho các bà mẹ và ngày đó họ phải được nghỉ làm. Bà Julia Ward Howe thành lập một ngày lễ mang tên “Ngày hiền mẫu vì Hòa bình” (Mother’s Day for Peace) được tổ chức vào chủ nhật thứ hai của tháng 6 và tổ chức suốt trong nhiều năm. Tuy nhiên, phong trào này dần lụi tàn vì không đủ kinh phí.

 

Ý tưởng của bà Howe đã ảnh hưởng lớn đến không ít phụ nữ trong xã hội, điển hình là bà Ann Maria Reeves Jarvis, nữ giáo viên tại trường học của ngôi thánh đường mang tên Thánh Andrew tại thành phố Grafton, tiểu bang West Virginia, Mỹ và con gái bà là Anna Marie Jarvis.

 

Ngày gắn kết tình cảm gia đình 

Nửa cuối thế kỷ 19, bà Ann Maria Reeves Jarvis đã lập ra một nhóm có tên gọi “Ngày của tình Mẹ” chỉ với mong muốn gắn kết lại tình cảm gia đình vốn bị chia cắt bởi nội chiến. Là một người đấu tranh và nhân viên an sinh xã hội, bà Ann Maria Reeves Jarvis nhiều lần đã bày tỏ lòng mong ước của bà là có một ngày nào đó làm rạng danh các bà mẹ và tri ân về những đóng góp của họ trong đời sống mỗi người.

3-me-con.jpg
Một nụ hôn con dành cho mẹ

 

Anna Marie Jarvis, con gái bà  Ann Maria Reeves Jarvis, không bao giờ quên được những lời ao ước của mẹ mình. Khi mẹ bà qua đời vào năm 1905, bà dấn thân vào việc hoàn thành những mong muốn của mẹ để có ngày của các bà mẹ. Lòng mong muốn để hoàn thành ước vọng của mẹ mình thúc đẩy khát vọng của Ann Maria Jarvis.

 

Để bắt đầu, bà Anna dâng hoa cẩm chướng đến nhà thờ ở Graton, Virginia để tỏ lòng kính trọng mẹ mình. Hoa cẩm chướng là loại hoa mẹ bà rất ưa thích và Anna cho đó là tượng trưng cho tình yêu thương của một bà mẹ. Cùng với lễ kỷ niệm riêng của Anna Jarvis, các gia đình đã tụ tập tại nhiều điểm tổ chức sự kiện này ở quê hương của Jarvis ở Grafton, West Virginia và nhiều thành phố khác.

 

Sau đó, Anna và những người ủng hộ bà đã viết thư cho các nhân viên cao cấp trong chính phủ, trong quốc hội cũng như những quan quyền ở các tiểu bang để vận động cho một ngày của các bà mẹ một cách chính thức. Việc kiên trì chịu khó vận động có kết quả. Năm 1911, bản nghị quyết do Quốc hội lưỡng viện Mỹ thông qua và Ngày của Mẹ được tổ chức hầu hết các tiểu bang của liên bang Mỹ.

 

Ngày 8/5/1914, Tổng Thống Woodrow Wilson đã ký một nghị quyết ấn định ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm làm Ngày của Mẹ, chính thức công nhận Ngày của Mẹ là một trong những ngày lễ kỷ niệm quan trọng của công dân nước này. Từ đó đến nay, Ngày của Mẹ hiện được tổ chức ở hơn 65 quốc gia khắp toàn thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm