Từ vụ 1 học sinh bị tát 231 cái: Dạy con 6 cách để ứng phó với bạo lực học đường

28/11/2018 - 15:23
1 học sinh ở Quảng Bình bị cô giáo ra hình phạt tát 231 cái vào mặt khiến em phải nhập viện gây bức xúc dư luận. Trước vụ việc này, các phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường rất lo lắng khi con mình có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường bất cứ lúc nào.

Tôi đã chứng kiến có không ít bố mẹ, đặc biệt là bố, hay dạy con: "Đứa nào đánh con, về đây mách bố, bố đến "đập chết" chúng nó đi". Trời đất, sao có thể dạy con kì quái thế được!

Câu dạy dỗ kiểu này cho thấy, người bố sẽ "bảo kê toàn phần" cho con. Từ đó, các con có thể gây sự, phá phách, bắt nạt bạn bè.

Nhớ hổi tôi còn bé, tôi chuyên bị 1 bạn gái bằng tuổi bắt nạt với lý do đơn giản: "Tao bằng tuổi mày nhưng tao có 3 anh trai". Một ngày đẹp trời, cô em gái họ của tôi (kém 1 tuổi), nhà cũng chỉ có 2 chị gái, nhìn thấy tôi bị đánh, đã... xông ra tát cho cô bạn kia của tôi 1 cái cháy má rồi chạy tọt về nhà. 3 người anh trai của cô bạn nghe em mách xong thì cô em gái của họ cũng đã bị.... ăn tát rồi!

Rõ ràng, những câu nói của cha mẹ/người trên sẽ có tác động rất lớn đến trẻ. Thế nên, bậc làm cha làm mẹ đừng bảo kê cho con, vì sẽ không có giá trị gì đâu. Vậy, phải dạy con ra sao? 

1. Dạy con về pháp luật. Đánh người, xúc phạm người khác, hành hạ người khác.... đều là vi phạm pháp luật. Hãy dạy con tuyệt đối không bao giờ được phép vi phạm pháp luật. Rằng con tuyệt đối không được đánh bạn.

2. Dạy con tự vệ. Có rất nhiều thế tự vệ khác nhau để tránh bạo lực mà không cần bất kể hành vi bạo lực nào. Đơn giản là khi bạn vừa dùng tay định đánh mình, chỉ cần gạt tay thật quyết liệt hoặc né người ra, bạn sẽ không thể chạm vào cơ thể mình. 
Nếu cô giáo đánh con, con cũng có thể tự vệ. Con cũng né người hoặc gạt tay.

Để con có thể thực hiện tốt việc này, cha mẹ cần dạy con mỗi tối. Cha mẹ không nên dạy con là nếu cô giáo.... đánh, mà nên đặt tình huống khác như: nếu con bị ai đó đánh... Cha mẹ đề nghị là mình sẽ đóng vai kẻ hành hung con với các tư thế khác nhau và yêu cầu con tự vệ. Liên tục dạy con như thế vài tháng, cha mẹ sẽ thấy con hình thành được thói quen phản xạ rất tốt khi bị bạo hành. Sẽ chẳng có roi vọt nào chạm được vào người con.

3. Dạy con không ủng hộ vi phạm pháp luật dưới mọi hình thức. Nếu cô yêu cầu con đánh bạn, hãy nói thẳng với cô: Thưa cô, đánh bạn là vi phạm pháp luật ạ. Nếu cô không nghe, con có thể chạy ra ngoài sân trường và hô hoán lên.

4. Tuyệt đối không dạy con kiểu "bố là bố, bố nói phải nghe". Kiểu đó sẽ khiến con luôn nghĩ: Người lớn luôn đúng và phải tuân thủ nghiêm túc mọi lời người lớn nói. Cha mẹ hãy cố gắng thực hiện các nội quy gia đình và luật pháp nghiêm túc để con tuân thủ theo. Nếu muốn con làm việc gì ngoài các quy định thì cần có đàm phán chứ không thể lấy quyền làm bố, mẹ để trấn áp con cái. Điều đó sẽ khiến con mất dần đi khả năng phản biện, phản kháng và tự vệ.

bao-luc-hoc-duong-1-min.jpg
Ảnh minh họa

 

5. Tâm sự với con mỗi tối để con luôn cảm thấy bố mẹ thân thiết và gần gũi. Lắng nghe con rất kĩ càng nhưng tuyệt đối không xúi bẩy, ép con phải giải quyết theo cách của mình. Bày tỏ niềm tin là con sẽ luôn tự giải quyết được vấn đề của mình và chờ đợi con báo cáo thành công.

Nhiều bố mẹ khi biết con ở lớp bị bạn có hành vi "hơi ăn hiếp" là lập tức xui con đánh bạn hoặc phản pháo này nọ. Hoàn toàn không nên, hãy để con tự xử lý tình huống. Bởi vì nếu con không tự xử được mà phải có trợ giúp của cha mẹ thì con sẽ dần mất đi sự tự tin và lúc nào đó, con bị bắt nạt cũng ko nói ra cho bố mẹ biết. Con càng xử được tốt thì càng tự tin xử lý vấn đề.

6. Dạy con chỉ ra các hành vi vi phạm pháp luật. Với việc nhiều lần được nêu ý kiến của mình, con sẽ luôn dám phản biện nếu có các hành vi sai trái. Khi đó, chẳng ai có thể bắt con làm những hành vi đó dù con có bị o ép hay không.

Vụ học sinh bị 231 cái tát rất đáng ghét, nhưng cha mẹ đừng vì thế mà tìm cách dạy con phản giáo dục. Các bố mẹ chỉ cần theo các bước trên là sẽ xử lý được các vấn đề. Nên nhớ, nếu con bị bạo lực, chắc chắn tâm lý của con sẽ có vấn đề, con sẽ mất ngủ, cắn móng tay, hay khóc, sợ hãi, ghét đi học, thậm chí có thể tè dầm,.... Quan sát con, lập tức các cha mẹ có thể biết chuyện gì đang xảy ra với con. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm