pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ vụ bé sơ sinh tử vong do kẹt giữa khe nệm và tường: Nên cho bé ngủ chung hay ngủ riêng với bố mẹ?
Bé 6 tháng tuổi tử vong do bị kẹt giữa khe nệm và tường
Liên quan tới sự việc kể trên, ngày 6/11, tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhi 6 tháng tuổi tử vong trước nhập viện thương tâm.
Theo nguồn tin được đăng tải từ báo Thanh Niên, bé 6 tháng tuổi (ngụ Q.8), được ba mẹ bế vào viện trong tình trạng tim ngưng thở. Mặc dù đã được các y bác sĩ kíp trực tích cực cấp cứu suốt 1 giờ đồng hồ, nhưng bé vẫn không qua khỏi.
Theo ba mẹ bé, khoảng 4 giờ ngày 3.11, bé đang nằm ngủ cạnh ba và mẹ trên nệm đặt sát vách tường, bề dày nệm là 26 cm, thì bé khóc đòi sữa khiến cả ba và mẹ đều tỉnh dậy. Ba cho bé bú sữa bình, sau đó ngủ tiếp, còn mẹ ăn sáng rồi đi chợ.
Lúc 7 sáng, khi ba tỉnh dậy không thấy con đâu, quay sang thấy bé nằm sấp, úp mặt, kẹt cả thân người trong khoảng hở giữa thành nệm và tường. Ba của bé vội vàng lật bé dậy, lúc này toàn thân bé tím tái, không cử động nên tức tốc ẵm vào Bệnh viện Nhi đồng 1.
Sự việc thương tâm xảy ra kể trên như một hồi chuông cảnh tỉnh tới tất cả các bố mẹ đang có con nhỏ.
Nên cho bé ngủ chung hay ngủ riêng với bố mẹ?
Theo BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), không có quy chuẩn nào để khẳng định đâu mới là lựa chọn chính xác cho bé. Tuy nhiên, thường thì bố mẹ có thể cho bé ngủ trong nôi phẳng trên giường hoặc nôi đặt trong phòng từ khi sơ sinh đến giai đoạn 6-12 tháng. Sau đó đến 3 tuổi thì tách bé ngủ riêng để tự lập, tạo bước đà chuẩn bị cho giai đoạn đi trẻ của bé.
Lý giải cho câu trả lời trên, BS. Trương Hữu Khanh cũng nêu rõ những ưu/nhược điểm khi cho bé ngủ chung/ngủ riêng với bố mẹ.
Cho bé ngủ chung hay ngủ riêng phụ thuộc vào văn hóa, điều kiện gia đình và lứa tuổi của trẻ. Tuy nhiên, những lợi ích của việc cho bé ngủ chung được BS. Trương Hữu Khanh nêu ra như sau:
- Cho bé ngủ chung ở giai đoạn sơ sinh giúp bố mẹ thực hiện được phương pháp da tiếp tiếp, bú theo nhu cầu và bé có cảm giác an toàn yêu thương gắn bó.
Tuy nhiên, lựa chọn này cũng có một số nhược điểm:
- Cho bé ngủ chung có thể làm bé ngạt thở gây đột tử do bố mẹ đè hoặc do đồ dùng trên giường bố mẹ không may rơi xuống đè vào làm bé ngạt thở.
- Bên cạnh đó, cho bé ngủ chung tạo ra sự gắn kết về mặt tình cảm, song sẽ tạo cho bé cảm giác khó tự lập và trưởng thành về mặt tình cảm theo lứa tuổi.
- Ngoài ra, cho bé ngủ cùng cha mẹ càng lâu càng khó tách.
Do đó, bố mẹ có thể tập bằng cách chuẩn bị 30 phút trước ngủ, chà răng, thay quần áo, hát ru, chà lưng, mát-xa rồi sau đó cho dùng khăn, gối có mùi của mẹ để bé có cảm giác bố mẹ vẫn đang ở cạnh để tách dần cho bé ngủ riêng khi đã đến giai đoạn phù hợp. Tuy nhiên, bố mẹ nên kiên nhẫn và luyện tập từ từ cho bé quen dần.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, để giữ an toàn cho trẻ khi nên tuân thủ nguyên tắc sau:
- - Không nên để trẻ ngủ chung với người lớn, vì luôn tiềm tàng mối nguy, trẻ có thể bị người lớn đè ngạt.
- - Để trẻ nằm ngửa khi ngủ vì thói quen nằm sấp ở một số trẻ sơ sinh và ngũ nhi có thể khiến trẻ không tự xoay ngửa lại được và bị ngạt.
- - Nên cho trẻ ngủ trong nôi có thành nôi chắc chắn, khoảng hở giữa các song chắn không quá rộng để các bộ phận trên cơ thể trẻ lọt vào. Ngoài ra nên đặt nôi cạnh giường bố mẹ để kịp thời phát hiện những bất thường của con.