Từ vụ hoa lan tiền tỷ nhớ lại các hệ lụy của “bong bóng” hoa Tulip

Nam Anh (tổng hợp)
31/03/2021 - 14:03
Từ vụ hoa lan tiền tỷ nhớ lại các hệ lụy của “bong bóng” hoa Tulip
Những diễn biến "nóng" bất thường về giá của hoa lan đột biến lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tại Việt Nam gần đây khiến dư luận không khỏi lo ngại. Nhìn lại lịch sử, châu Âu từng ghi nhận cuộc khủng hoảng mang tên hoa Tulip cuốn sạch tài sản của giới đầu tư cũng như nhấn chìm nền kinh tế không chỉ của một quốc gia.
Từ những mức giá "trên trời"...

Vào thế kỷ 17, trong khoảng thời gian từ năm 1634 đến 1636, đất nước Hà Lan chứng kiến "cơn sốt" hoa Tulip đến mức bất kỳ người nào có chút tài sản mà không sở hữu loài hoa này đều bị xem như "một gã ít học". Khi lượng "cầu" vượt quá lượng "cung", các nhà buôn đã bắt đầu "canh bạc" của mình để mua bằng được giống hoa này. Đến năm 1635, sự cuồng tín trong giới nhà giàu Hà Lan đối với hoa Tulip lên cao đến mức các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường của đất nước bị đình trệ. Thay vào đó, hầu hết dân cư, kể cả những tầng lớp dưới, đều lao vào việc trồng và buôn bán những cành hoa Tulip.

Những khu chợ bán hoa mọc lên như nấm, trong đó củ hoa được giao dịch theo cách thức giống với thị trường chứng khoán phố Wall ngày nay. Ở Hà Lan khi ấy, đồng tiền florin được làm bằng vàng nguyên chất với trị giá rất cao. 1 florin ngày ấy nặng 3,5 gram vàng nguyên chất, tương ứng với 98 USD ngày nay. Với "cơn sốt" hoa Tulip ngày càng gia tăng, đầu tiên người ta nghe kể đến một số thương nhân sẵn sàng đầu tư cả gia tài của họ cho 40 cành hoa Tulip với giá 100.000 florin. Sau đó, người ta lại tiếp tục truyền tai nhau về mức giá tăng kinh ngạc cho các chủng loại khác nhau của hoa Tulip. Cụ thể, một cành hoa Tulip loại Admiral Van Der Eyck được bán với giá 1.260 florin; một cành Viceroy sang trọng được bán với giá 2.500 florin và đắt nhất trong số đó, cành Semper Augustus có giá 5.500 florin, tương ứng với 540.000 USD nếu tính theo thời giá ngày nay.

Từ vụ hoa lan tiền tỷ nhớ lại các hệ lụy của “bong bóng” hoa Tulip - Ảnh 1.

Ở thế kỷ 17, chỉ có giới quý tộc hoặc người giàu mới có đủ tiềm lực tài chính để sở hữu hoa Tulip Ảnh: tulipflowerfestival.blogspot.com

Vào một thời điểm trong năm 1636, có lời đồn rằng, tại thủ đô Amsterdam khi ấy chỉ có hai cành Viceroy. Khát khao được sở hữu thứ hoa gây "sốt" đó, một nhà đầu cơ đã đưa ra lời đề nghị mua với giá trị quy đổi đã trở thành một huyền thoại được lưu truyền đến ngày nay:

2 tấn lúa mạch (giá 448 florin); 4 tấn lúa mì (558 florin); 4 con bò sữa (480 florin); 8 con lợn béo (240 florin); 12 con cừu béo (120 florin); 2 thùng rượu lớn (70 florin); 4 tấn bia tốt (32 florin); 2 tấn bơ tốt (192 florin); 1.000 pound phô mai (120 florin); 1 chiếc giường gỗ đại thụ (100 florin); 1 bộ đồ lụa may tốt nhất (80 florin); 1 bộ dùng bếp bằng bạc nguyên chất (60 florin).

Tất cả số hàng hóa này trị giá 2.500 florin và được đổi lấy 1 cành Viceroy. Nguồn cầu cho loài hoa Tulip đạt đỉnh điểm khi số lượng giao dịch không chính thống nhiều đến mức Sở Giao dịch Chứng khoán Amsterdam lúc bấy giờ phải niêm yết chính thức hợp đồng hàng hóa hoa Tulip lên các chi nhánh tại Rotterdam, Harlaem, Leyden, Hoorn và nhiều thành phố khác. Năm 1636, củ hoa Tulip thậm chí đã trở thành sản phẩm xuất khẩu nhiều thứ 4 của Hà Lan, chỉ sau rượu gin, cá trích và pho mát.

... Đến khi "bong bóng" vỡ

Trong cơn đầu cơ hỗn loạn, nhiều cá nhân đã giàu lên nhanh chóng.

Hàng chục héc ta đất của nhiều gia đình được bán đi với giá rẻ mạt để đổi sang những cành hoa Tulip mỏng manh. Mọi người đều tin rằng, niềm đam mê hoa Tulip sẽ kéo dài vĩnh viễn và khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về Hà Lan để mua cho bằng được loài hoa này cho dù giá có cao ngất ngưởng.

Trái với niềm tin lúc bấy giờ, những người cẩn trọng bắt đầu nhận ra rằng sự ngu ngốc này không thể kéo dài vĩnh viễn được. Từ tháng 2/1637, giá "cổ phiếu" củ hoa Tulip lao dốc khủng khiếp và thị trường hốt bạc này bỗng nhiên đổ sập do các tay chơi lớn quyết định bán tháo. Sau đó, giá củ hoa rơi thẳng đứng, chỉ còn 1% giá trị, khiến các nhà buôn hoảng loạn chạy đua để xả sạch kho dự trữ. Nhiều thương gia giàu có trước đây bỗng chốc rơi vào cảnh phá sản, trở thành những người ăn mày lang thang ngoài đường. Hàng loạt đại diện cho tầng lớp trên của xã hội đau đớn nhìn tài sản của mình tiêu tan trong chớp mắt mà không thể nào cứu vãn được.

Ở thời điểm đó, nền kinh tế Hà Lan được xem là mạnh nhất châu Âu. Thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này được xếp vào hàng cao nhất khu vực. Và cuộc khủng hoảng hoa Tulip không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành thương mại Hà Lan mà còn đến nền kinh tế khu vực. Phải mất gần chục năm sau, nền kinh tế của quốc gia Tây Âu này mới có thể phục hồi.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm