Từ vụ nữ tài xế BMW gây tai nạn: Uống rượu bia rồi lái xe nguy hiểm thế nào?

23/10/2018 - 13:49
Lượng cồn trong máu nữ tài xế BMW gây tai nạn kinh hoàng tại Ngã tư Hàng Xanh (TPHCM) đo được rất cao cho thấy người gây tai nạn bị ảnh hưởng bởi rượu bia dù đối tượng khẳng định chiếc giày cao gót là “thủ phạm” gây tai nạn.
Ths.BS Lê Minh Quang, Giám đốc Khối phòng khám Ngoại trú và Dịch vụ - Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM) cho biết, uống bia rượu và lái xe, còn được gọi là lái xe trong tình trạng nhiễm độc, là một tình trạng nguy hiểm, cho dù chỉ uống với một lượng rất ít. Nhiều người lái xe dù không cảm thấy có những dấu hiệu cảnh báo nào nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không gây nguy hiểm.
 
“Những người thỉnh thoảng uống bia rượu hoặc bị mắc những rối loạn khi sử dụng bia rượu càng dễ bị nguy hiểm hơn, nhất là uống một số lượng nhiều trong một khoảng thời gian ngắn. Trung bình, chất cồn trong bia rượu sẽ ngấm vào máu sau khi uống xấp xỉ từ 30 phút đến 2  giờ.  Lúc này, nhịp thở của bạn sẽ chậm lại, và khả năng nhận thúc sẽ trở nên trì trệ”, bác sĩ Quang cho biết.
 
bs-leminhquang.jpg
Th.BS Lê Minh Quang, Giám đốc Khối phòng khám Ngoại trú và Dịch vụ - Bệnh viện Quốc tế City
 
 
Theo bác sĩ Quang, khi uống rượu bia thì sẽ có những tác động sau đối với người cầm lái:
 
Làm chậm thời gian phản xạ
Uống bia rượu làm chậm đi thời gian phản xạ của bạn, vì vậy nó tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn. Chẳng hạn, khi thấy một người đi ngang đường bất ngờ cần phải thắng xe gấp, não của bạn sẽ mất một khoảng thời gian lâu hơn để đưa ra quyết định.   
 
Giảm khả năng phối hợp
Khi uống nhiều bia rượu, các kỹ năng phối hợp vận động giữa mắt, tay và chân của bạn bị ảnh hưởng. Những dấu hiệu thể hiện tình trạng này bao gồm đi loạng choạng hoặc không thể đứng thẳng. Khi uống quá nhiều, thậm chí bạn còn không thể ngồi được vào trong xe hay tìm cách nổ máy.
 
Giảm mất sự tập trung
Trong lúc lái xe, bạn cần phải tập trung để chạy xe đúng làn đường, kiểm soát tốc độ, dừng đèn giao thông hay tránh các phương tiện giao thông khác. Uống bia rượu, dù ở mức độ nào, đều có thể ảnh hưởng lên khả năng tập trung của bạn. Vì bị mất đi khả năng tập trung trong khi phải thực hiện việc lái xe đòi hỏi tập trung vào nhiều điều khác nhau, nên bạn rất dễ gây ra tai nạn.
 
Giảm tầm nhìn
Khi uống nhiều bia rượu, bạn thấy mắt mình bị mờ đi là do ảnh hưởng của chất cồn trên sức nhìn của bạn, thậm chí bạn không thể điều khiển mắt mình. Khi sức nhìn giảm, bạn không thể đưa ra những phán đoán chính xác về khoảng cách giữa xe của bạn và các phương tiện khác cùng lưu thông trên đường. Thêm vào đó, bạn chỉ thấy được rõ ở hướng nhìn thẳng mà không nhìn rõ những vật thể xung quanh.
 
do-nong-do-con.jpg
Nồng độ cồn trong máu ở mức cao khiến giảm sự chú ý nghiêm trọng trong việc điều khiển xe.

 

 
Giảm đi khả năng phán đoán
Khi điều khiển xe, khả năng phán đoán của bạn đóng vai trò rất quan trọng để giúp đưa ra các quyết định xử lý. Chẳng hạn, bạn phải đưa ra những khả năng và tình huống ứng xử trong trường hợp chiếc xe chạy phía trước của mình đột ngột chuyển làn hay rẽ. Khả năng này giúp bạn luôn tỉnh táo và nắm rõ tình trạng xung quanh khi lái xe. Tuy nhiên, khả năng này bị giảm đi khi bạn uống bia rượu.
 
Nồng độ còn trong máu càng lớn, nguy hiểm càng cao
Bia rượu có thể ảnh hưởng ở bất kỳ mức độ nào, hay nói cách khác, đừng bao giờ lái xe sau khi uống bia rượu vì điều đó đặt bạn và người khác vào nguy hiểm. Nồng độ cồn trong máu ở mức cao thậm chí sẽ khiến cho người cầm lái mất thăng bằng nghiêm trọng, gần như không thể kiểm soát cơ lực, nôn ói, khả năng xử lý thông tin nghe nhìn bị giảm sút, giảm sự chú ý nghiêm trọng trong việc điều khiển xe.
 
Khi nào có thể lái xe an toàn sau khi uống? 
Mức cồn trong máu thông thường tăng đến mức cao nhất sau 3 giờ bạn dùng bia rượu. Cơ thể mất trung bình 1 giờ để thải ra khỏi cơ thể lượng cồn từ một đơn vị cồn. Như vậy, bạn cần mất khoảng 6 giờ sau khi uống 3 ly rượu vang hoặc 3 chai bia để có thể lái xe một cách an toàn sau khi uống bia rượu.   
 
Nhiều người cho rằng uống cà phê, uống nước chanh, hay tắm sẽ giúp giảm ảnh hưởng của chất cồn nhanh hơn. Thực tế thì không đúng, chỉ có thời gian mới giúp giảm ảnh hưởng của chất cồn.

Theo nhân chứng có mặt tại hiện trường, khoảng 23h30 ngày 21/10, một ôtô hiệu BMW biển số: 51F-279.10 do bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ở quận 12, TPHCM) điều khiển, chạy trên đường Điện Biên Phủ. Khi đến ngã tư Hàng Xanh, xe này bất ngờ mất lái, tông 5 xe máy và một taxi đang lưu thông cùng chiều, sau đó tiếp tục đâm vào một chiếc taxi khác. 

Vụ tai nạn khiến 1 phụ nữ tử vong tại chỗ, 5 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau khi gây tai nạn, bà Nga được lực lượng chức năng đo nồng độ cồn và cho kết quả là 0,94 mg/lít khí thở, vượt gần 4 lần mức cho phép.

Theo bà Nga, nguyên nhân xảy ra tai nạn là khi thấy tín hiệu đèn đỏ nên phanh xe lại, dời chân từ cần ga sang cần thắng (phanh) nhưng dây quai hậu của chiếc giày cao gót vướng vào cần ga dẫn đến tai nạn.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm