Từ vụ Thượng úy công an tát người khác: Đừng làm gương xấu cho trẻ

14/11/2019 - 23:34
Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến vụ việc một thượng úy công an của tỉnh Thái Nguyên ném xúc xích vào mặt nữ nhân viên và tát nam nhân viên khác của trạm dừng nghỉ khi con trai anh ta mua hàng không trả tiền và bị nhắc nhở.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi của người này đã có những thỏa mãn dấu hiệu hành vi khách quan của một số tội phạm.

Ban đầu anh ta sai con trai của mình vào quầy lấy hàng nhưng không hề tiền trả tiền. Khi cháu bé đem túi xúc xích ngang qua khu vực thanh toán, nhân viên trạm dừng nghỉ đã yêu cầu cháu phải thanh toán, người bố đó vẫn không hề có động thái nào cho thấy mình sẽ thanh toán tiền cho túi thức ăn.

Không những vậy, anh ta tiến tới giật túi xúc xích trong tay con trai mình, mang ra khỏi khu vực bán hàng và điềm nhiên bóc ăn. Khi bị nhắc nhở và yêu cầu thanh toán, anh ta liên tiếp có những hành vi phản cảm là cầm xúc xích ném vào nữ thu ngân. Chưa hết, anh ta tiếp tục xông đến tát vào mặt nam nhân viên.

Theo lý thuyết về pháp luật hình sự, việc di chuyển tài sản của người khác, mà ở đây là túi xúc xích, ra khỏi khu vực quản lý không trả tiền, trước sự chứng kiến của nhiều người sẽ bị coi là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. 

Sau khi bị nhắc nhở, dùng vũ lực tấn công những người quản lý tài sản và cũng nhằm mục đích chiếm đoạt, anh ta có thể bị coi là có hành vi chuyển từ công nhiên chiếm đoạt tài sản sang cướp tài sản.

Tất nhiên, tùy vào mức độ cụ thể, người đàn ông đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, song điều đáng nói hơn lớn hơn cả đó chính là những gì anh ta đã làm trước mặt con mình.

 

Camera trạm dừng nghỉ ghi lại hình ảnh thượng úy công an tát vào mặt nam nhân viên 

 

Lúc lấy túi xúc xích đem ra khỏi quầy, cậu bé đã ngập ngừng lưỡng lự dừng lại ở quầy trả tiền khi những nhân viên yêu cầu thanh toán. Tuy nhiên, cha của cậu bé liên tục có động thái thúc giục con mình tiếp tục đem thức ăn đi ra mà không trả tiền.

Ngay khi cậu bé không làm được những điều mình sai bảo, người bố này đã giật lấy túi xúc xích và sau đó là những hành động tấn công nhân viên bán hàng.

Tất cả diễn ra ngay trước mắt cậu bé một cách đầy đủ. Không những thế, cậu bé còn bị cha mình lôi kéo vào trở thành một phần của câu chuyện.

Trẻ em, với sự gắn bó cũng như phụ thuộc vào cha mẹ mình, chắc chắn theo một thói quen sẽ học và bắt chước tất cả những gì cha mẹ chúng làm từ hành động nhỏ nhất.

Mỗi hành động lại có sức thuyết phục và tác dụng lớn hơn cả trăm lần với những lời giảng lý thuyết suông.

Cậu bé đã được cha mình dạy cách thản nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác, nguy hại hơn, nghiêm trọng hơn, khi bị nhắc nhở thì sẵn sàng tấn công họ.

Cũng cần nói thêm rằng, những người bán hàng cũng như dư luận đều hiểu rằng nếu chỉ là một công dân bình thường trong xã hội, chắc chắn người đàn ông đó không thể và cũng không dám có những hành động ngang ngược đến thế.

Cũng chính từ đây, dư luận một lần nữa đặt câu hỏi về cách hành xử của những sĩ quan chiến sĩ công an trong quá trình làm việc tiếp xúc với người dân.

Cách đây chưa lâu, một nữ đại úy công an không chấp hành những quy định của hãng hàng không tại sân bay, đồng thời có hành vi lăng mạ gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Sau khi bị xử lý với mức phạt 200 nghìn đồng, nữ đại úy này bị cơ quan trực tiếp quản lý đình chỉ công tác 1 tháng để xem xét kỷ luật. 

Dư luận chờ đợi những hình thức xử lý thích đáng hơn được đưa ra đối với những cán bộ chiến sĩ của lực lượng công an nhân dân hành xử không đúng mực và bỏ quên lời dạy của Hồ Chủ tịch: "đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép".  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm