Tuần lễ thổ dân và dân đảo Úc 'Nhờ cô ấy, chúng ta có thể'
04/07/2018 - 20:08
Tuần lễ Thổ dân và Dân đảo là sự kiện được tổ chức vào tháng 7 hàng năm trên khắp nước Australia. Năm nay, Tuần lễ có chủ đề “Nhờ cô ấy, chúng ta có thể” nhằm tôn vinh vai trò quan trọng của phụ nữ nói chung và phụ nữ là Thổ dân và Dân đảo nói riêng.
Tuần lễ Thổ dân và Dân đảo được tổ chức vào đầu tháng 7 hàng năm là dịp tôn vinh những đóng góp to lớn và quảng bá văn hóa, lịch sử và con người của Thổ dân và những người dân vùng eo biển Torres của Australia.
Năm nay, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam sẽ kỷ niệm tuần lễ này với lễ thượng cờ Thổ dân và Dân vùng eo biển Torres, khai trương trưng bày triển lãm về văn hóa Thổ dân tại Đại sứ quán và sau đó sẽ tiếp tục quảng bá trưng bày Những chiếc mặt nạ vùng eo biển Torres tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Chủ đề của Tuần lễ Thổ dân và Dân đảo năm nay là: "Nhờ cô ấy, chúng ta có thể!" (Because of her, we can!). Mục đích của chủ đề này là nhấn mạnh vai trò quan trọng của những người phụ nữ nói chung và phụ nữ là Thổ dân và Dân đảo nói riêng trong lịch sử và sự phát triển của gia đình, cộng đồng và quốc gia.
Nhân dịp này, Đại sứ quán Australia sẽ tổ chức họp báo với các hoạt động văn hóa, vấn đề Bình đẳng giới - Nâng cao quyền năng cho phụ nữ và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số… và tổ chức Tuần lễ Thổ dân và Dân đảo của Australia với chủ đề “Nhờ cô ấy, chúng ta có thể!” vào 15h30 thứ 6, ngày 6/7/2018, tại Đại sứ quán Australia (Số 8 Đào Tấn, Q.Ba Đình, Hà Nội).
* Một số hoạt động của chính phủ Australia tại Việt Nam trong lĩnh vực thúc đẩy Bình đẳng giới - Nâng cao quyền năng cho phụ nữ và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số:
Aus4Equality (Úc cùng Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới): Chương trình Aus4Equality hướng đến việc nâng cao quyền năng cho phụ nữ để họ tham gia tốt hơn vào lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và du lịch, giúp tiếng nói của họ có trọng lượng hơn trong các quá trình ra quyết định, lãnh đạo, kết nối họ với khu vực kinh tế tư nhân và hỗ trợ chính phủ trong việc xây dựng chính sách vì sự phát triển toàn diện.
Aus4Skills (Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực): Chương trình Aus4Skills là một chương trình hỗ trợ của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam trong 5 năm nhằm giúp Việt Nam phát triển nguồn nhân lực. Thúc đẩy Vai trò Lãnh đạo của Phụ nữ là một hợp phần quan trọng trong khuôn khổ chương trình này. Hợp phần này sẽ hỗ trợ công bằng giới trong lãnh đạo thông qua việc tăng thêm cơ hội, sự tự tin của phụ nữ cũng như huy động sự hỗ trợ từ đồng nghiệp để giúp phụ nữ tạo ảnh hưởng trong tổ chức cũng như trong lĩnh vực chuyên môn.
DAP (Chương trình hỗ trợ các dự án vừa và nhỏ): Trong những năm qua, chương trình đã hỗ trợ nhiều dự án nâng cao điều kiện sống cho người dân tộc sống ở những vùng sâu, vùng xa. Đó là những dự án làm đường, cấp nước sạch, tạo sinh kế như dạy nghề và hướng dẫn các kỹ thuật nuôi trồng, nâng cấp trường học…Các dự án DAP cũng hướng đến nâng cao ý thức của người dân tộc thiểu số trong việc bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên, sức khỏe và giới tính. Từ tháng 7 năm 2015 đến nay, Đại sứ quán đã chi khoảng 600.000 đô-la Australia cho những dự án như thế tại Hà Giang. Phụ nữ là nhân tố tích cực trong các dự án DAP, kể cả trong những dự án nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và những dự án đào tạo về sức khỏe sinh sản, giới tính, phòng chông bạo lực gia đình, buôn bán người…Những dự án như vậy đã giúp nâng cao vị thế của phụ nữ không chỉ trong gia đình mà còn trong cộng đồng.
ACIAR (Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia): Từ nhiều năm nay tại Việt Nam, ACIAR đã có các hoạt động hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ dân tộc, trên nhiều lĩnh vực để cải thiện sinh kế: từ phát triển rừng trồng, đẩy mạnh các hệ thống nông lâm kết hợp dựa trên định hướng thị trường, tối ưu hóa các hệ thống canh tác có cây ngô và cây ăn quả là cây trồng chính, kết nối nông dân với các thị trường lợi nhuận cao và nâng cao bình đẳng giới. Trong 25 năm qua ACIAR đã viện trợ khoảng 100 triệu đô la Australia cho Việt Nam, thông qua hơn 170 dự án. Trong đó có hơn 20 dự án có hỗ trợ hoặc trực tiếp làm việc với bà con dân tộc, chủ yếu là các dân tộc Mông, Thái, Nùng, Dao ở khu vực Tây Bắc. Thời gian tới, ACIAR Việt Nam sẽ hướng tới khu vực Tây Nguyên, nơi sự phát triển nông nghiệp cũng sẽ đóng góp đáng kể vào việc cải thiện đời sống của bà con dân tộc thiểu số…