Tung nguồn hàng bình ổn giá thị trường cuối năm

PVH
10/12/2019 - 13:31
Tung nguồn hàng bình ổn giá thị trường cuối năm
Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu trong các tháng cuối năm sẽ tăng đột biến, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sẽ tạo áp lực tăng giá lên nhiều mặt hàng khác trên thị trường. Các doanh nghiệp trong nước cũng sẵn sàng tung lượng hàng dự trữ để bình ổn cung cầu thị trường.

Giá hàng thiết yếu tăng từ 5% đến 10%

Những tháng cuối năm cận kề thời điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Trong bối cảnh đó, một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn được sử dụng hàng ngày trong mỗi gia đình vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Theo khảo sát, trung tuần tháng 12/2019, giá thịt lợn có sự biến động khác nhau ở cả 3 miền Bắc, Trung và Nam bộ.

Tại miền Bắc tiếp tục ghi nhận giá thịt lợn tăng. Cụ thể, ngày 7/12 ghi nhận được giá thịt lợn hơi tại Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên có nơi lên tới 80.000 đồng/kg. Còn Công ty chăn nuôi CP miền Bắc cũng thông báo điều chỉnh giá tăng thêm 1.000 đồng/kg lên 71.000 đồng/kg.

Còn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên không có nhiều biến động với mặt hàng này, như tại Nghệ An, Thanh Hóa, kéo dài tới Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận, thịt lợn đang được thu mua trong khoảng 68.000 - 76.000 đ/kg. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng ghi nhận tình hình giá lợn tại khu vực miền Nam ổn định. Thị trường TP HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu có giá lợn dao động từ 69.000 - 70.000 đ/kg.

Theo Sở Công thương Hà Nội, mặt hàng chuẩn bị dịp Tết năm 2020, gồm gạo 191.400 tấn, thịt lợn 44.600 tấn, thịt gia cầm 14.800 tấn, thịt bò 12.306 tấn, trứng gia cầm 260 triệu quả, rau củ 247.400 tấn, thực phẩm chế biến 12.800 tấn, thủy hải sản 11.364 tấn, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát…

Tại các hệ thống bán lẻ giá tương đối ổn định. Vài ngày qua, hai hệ thống bán lẻ Vinmart và CP không tăng theo giá lợn hơi trên cả nước. Giá thịt lợn tại hệ thống CPFoods vẫn giữ ổn định trong khoảng 80.000 - 195.000 đ/kg. Theo ghi nhận trên trang web của Vinmart cho thấy, giá lợn tiếp tục giữ nguyên mức khoảng 139.900 - 199.900 đ/kg.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho biết: Mặt hàng thịt lợn biến động giá, trong vài tháng gần đây, các mặt thiết yếu khác cũng chịu tác động và có sự biến động giá từ 5% đến 10% tùy theo từng dịch vụ, mặt hàng cụ thể.

Theo ông Phú, áp lực tăng giá càng gia tăng lên các mặt hàng thiết yếu vào thời điểm tháng 12, 1 và 2 – trùng với Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, là mùa mua sắm cao điểm, lượng cầu tiêu dùng gia tặng mạnh.

Chính vì vậy, rất cần theo dõi sát sao và có "bàn tay" điều tiết thị trường kịp thời của cơ quan quản lý và đơn vị liên quan khi thị trường có biến động. Đặc biệt là tập trung vào theo dõi để điều hòa nguồn thịt lợn cũng như các thực phẩm thiết yếu khác trên cơ sở quan hệ cung cầu nhằm giảm bớt những đột biến về giá.

Tung nguồn hàng bình ổn giá thị trường cuối năm - Ảnh 2.

Giá thịt lợn hiện vẫn neo ở mức cao, dao động từ 80.000 - 195.000 đ/kg tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ hiện đại

Bình ổn giá thịt lợn, cần hạn chế trục lợi tại khâu trung gian, chiết khấu cao ở khâu bán lẻ dẫn tới đẩy giá lên bất thường. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT cần quan tâm đến hệ thống phân phối nông sản quốc gia, bao gồm chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi… Đồng thời, trong dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu của người dân tăng cao đột biến thì cần tăng cường chế biến sâu các sản phẩm làm từ thịt lợn như giò chả, có thể cấp đông lợn để bù đắp nguồn thiếu hụt.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Sẵn sàng tung hàng dự trữ, bình ổn thị trường

Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Hapro, cho biết, dịp cuối năm và các ngày lễ, Tết là thời điểm sôi động nhất trong năm nên Hapro sớm có chương trình phục vụ Lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020. Theo đó, các đơn vị của doanh nghiệp này chuẩn bị các nguồn hàng thiết yếu được sản xuất trong nước, có chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng, như gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang muối; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt ba chỉ xông khói, thị gà hun hói của Công ty Gia súc gia cầm; giò các loại của Công ty Thực phẩm Hà Nội…

Hapro đã dự trữ 19 mặt hàng bao gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, trứng gà – vịt, rau củ quả các loại…Để chủ động chuẩn bị các nguồn hàng có khả năng khan hiếm, đặc biệt là nguồn thịt lợn, Hapro đã làm việc với các đơn vị cung ứng để đặt hàng, đảm bảo số lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Tổng lượng hàng hóa dự trữ phục vụ thị trường mùa Tết của Hapro ước đạt 768 tỷ đồng. Trong đó lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường với 11 mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội trong dịp Tết vào khoảng 250 tỷ đồng. Đồng thời cam kết bán các mặt hàng này không tăng giá quá 5% khi thị trường có biến động. Thời gian thực hiện chương trình bình ổn xuyên suốt từ tháng 10/2019 đến tháng 5/2020.

Tung nguồn hàng bình ổn giá thị trường cuối năm - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp sẵn sàng tung hàng hóa tích trữ, bình ổn giá dịp cuối năm

Trước đó, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ năm 2020 trên địa bàn với giá trị khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019. Trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu trong nước chủ động sản xuất được như thịt lợn, gạo, gia cầm, trứng, rau củ, thủy hải sản… Qua đó, giúp cân bằng cung cầu thị trường, đa dạng các mặt hàng trong nước sản xuất để người dân lựa chọn và tin dùng hàng Việt Nam hơn.

Riên với mặt hàng thịt lợn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay, số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019 và giảm 88% so với tháng 5/2019. Đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.

Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý tới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm