pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từng quát mắng vì con quá nhút nhát, hướng nội, mẹ quyết định thay đổi và kết quả ngỡ ngàng
Chị Hoàng Thị Huyền (sinh năm 1966, sống tại Quy Nhơn) sinh con trai út vào năm 44 tuổi. Cậu bé từ nhỏ đã bộc lộ tính cách hướng nội. Bé ngại giao tiếp, tiếp xúc với người lạ, khó thích nghi với môi trường mới. Mỗi khi đến môi trường mới hay một khu vui chơi mới, cậu bé không giống các bạn nhỏ khác, nhảy vào chơi ngay, mà con khép người bên ba mẹ quan sát, suy nghĩ rồi mới nói lên trò chơi con thích hoặc hòa mình vào cùng chơi với các bạn.
Cuộc sống của một em bé hướng nội
"Con hay bị ba mẹ chê con trai gì mà nhút nhát! Con không thể hiện mình trước đám đông, nếu có lần nào ba mẹ kể về con với bạn bè trước mặt con là con phản ứng rất mạnh, khóc hoặc nhăn nhó, hoặc cãi lại chất vấn tôi khi nào rồi sau đó con bị ba mẹ la mắng!
Con thích ở một mình, con có thể ở nhà cả ngày chơi trong phòng, nghiên cứu đồ chơi của mình, không thích ai đụng vào hoặc gián đoạn trò chơi của con, nếu có thì con sẽ thể hiện cảm xúc bùng nổ, khó chịu!
Con khó khăn về việc tìm kiếm từ ngữ diễn đạt suy nghĩ, mong muốn của mình để mọi người hiểu, nên con hay bị chê, bị các bạn chọc và đó cũng là lý do mà những lúc đi học nhóm con không học được, vì khi các bạn trêu đùa con nói lại không được thì con sẽ đánh các bạn, hoặc khóc!
Cuộc sống của con luôn có mẹ đồng hành.
Con không thích đem so sánh với ai, nhưng hồi nhỏ con hay bị ba so sánh với chị hai, ba hay nói với con là chị hai học giỏi hơn con, ngoan hơn con... và con buồn!
Là một đứa trẻ hướng nội, đâu đó sâu trong tâm trí của con có thể tự cảm nhận được sự thiệt thòi so với bạn khác. Bạn bè có thể thoải mái nói lên những vấn đề các bạn gặp phải, hoạt bát và được thầy cô luôn yêu thương, nhưng con hướng nội lại thường có cảm giác dần tách biệt và cô đơn, có những lúc con nói với mẹ là: "Mẹ ơi, sao con không dám nói chuyện trước đám đông mặc dù con rất thích nói! Mẹ dạy cho con nhé", chị Huyền tâm sự về con trai mình.
Với bà mẹ sinh con ở độ tuổi quá lớn, việc cách biệt tuổi tác dẫn đến sự khó kết nối là điều dễ hiểu. Chị luôn cảm thấy khó khăn trong việc nắm bắt và thấu hiểu tâm lý của con. Nhìn thấy con nhút nhát, không dám thể hiện bản thân, đôi khi chị không kìm chế được mà quát mắng, giận dữ, dù sau đó sẽ thấy hối hận. Bà mẹ 2 con tâm sự rằng thực lòng rất thương con nhưng không biết làm cách nào để cải thiện tính cách cho bé.
Mẹ thay đổi, con hạnh phúc
Chị Huyền bắt đầu cho cả bản thân và con cơ hội để thay đổi. Trẻ hướng nội đôi lúc sẽ nhận những lời đánh giá tiêu cực, có thể chỉ là vô tình nhưng lại có ảnh hưởng lớn. Những lời đánh giá đó đến từ chính những bậc phụ huynh, thầy cô, các bạn trong trường. Sự tác động tiêu cực này về lâu về dài lại khiến con trở nên ngày càng tự ti về bản thân mình hơn. Thế nhưng, nếu ba mẹ biết cách yêu thương và dạy con đúng cách, hướng nội sẽ không còn là vật cản trên con đường con tiến tới thành công. "Ba mẹ sẽ giúp con trở thành phiên bản tốt nhất của mình".
Những đứa trẻ hướng nội cần nhận được sự quan tâm đặc biệt và đồng hành nhiều hơn từ người thân trong gia đình, thầy cô. Việc ràng buộc các bạn hướng nội trở nên năng động và hoạt bát sẽ chỉ khiến các bạn ấy cảm thấy thêm áp lực cho bản thân.Thay vì vậy, theo chị Huyền, bố mẹ nên:
- Tôn trọng tính cách của con.
- Động viên con thay vì áp đặt.
- Dạy con hãy biết đấu tranh cho bản thân.
- Dạy con cách thể hiện cảm xúc.
- Kết nối với những câu chuyện của con.
Bên cạnh đó, chị dành thời gian để đồng hành và trải nghiệm cùng con nhiều hơn bằng việc cùng bé đi du lịch, khám phá khắp mọi miền đất nước.
"Năm 2018 khi con được 8 tuổi, mình đưa con đi du lịch Hà Nội, đến phố đi bộ để chơi các trò chơi dân gian, ban ngày đưa con đến các khu vui chơi để con học trải nghiệm những ngành nghề: bác sĩ khám bệnh, anh công an, chú bộ đội, anh lính cứu hỏa... tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Năm 2019, mình lại đưa con ra Hà Nội tiếp tục trải nghiệm những nghề con thích nhà nghiên cứu khoa học, anh shipper, chơi golf, và cho bé đi Tam Đảo.
Năm 2022, sau thời gian dài nghỉ dịch, hè đến tôi lại đưa con ra Hà Nội chơi, lần này con lớn rồi nên không đến khu vui chơi nữa mà tôi đưa con đi Bắc Giang tham quan Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, đến tỉnh Bắc Ninh ăn món ăn đặc sản, ghé tỉnh Ninh Bình thăm khu du lịch sinh thái Tràng An, nhà thờ đá Phát Diệm.
Năm 2023, kỳ nghỉ hè lần này tôi dành thời gian 28 ngày đưa con đi trải nghiệm từ TPHCM - Hà Nội - Sapa, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị. Con tiếp tục hành trình về Đà Nẵng thăm ông bà nội, chơi vài ngày con lại ra Huế, quê ngoại của con. Và kết thúc hành trình trở về nhà.
Sau chuyến trải nghiệm vừa rồi, con đã nói lên được ước mơ của mình. “Mẹ ơi, năm nay lớp 8 con sẽ cố gắng lên cấp 3 vào được trường chuyên của tỉnh và học chuyên Lý, lên đại học con sẽ cố gắng thi đậu Đại học bách khoa TPHCM, và cố gắng để đi du học ở Mỹ. Mẹ nhớ thưởng cho con từng việc một khi con đạt được mẹ nhé", chị Huyền hạnh phúc khi nghe con tâm sự.
Với tình yêu thương con vô điều kiện và sự đồng hành không bỏ cuộc của mình mà chị Huyền đã đạt được những thành quả ngọt ngào bước đầu trên con đường trưởng thành của con trai. Mỗi em bé đều có cá tính, tính cách riêng biệt, chẳng ai giống ai. Thế nhưng điều các con cần luôn là sự ghi nhận, tự hào, ủng hộ của cha mẹ. Đằng sau những đứa trẻ hạnh phúc là những người lớn biết nâng đỡ, yêu thương và tôn trọng con.