Tương lai Biển Đông sau phán quyết của PCA

13/07/2016 - 10:29
Trước phản ứng gay gắt của Trung Quốc với phán quyết từ Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA), giới quan sát nhận định rằng căng thẳng trên Biển Đông có thể gia tăng trước khi các bên ngồi vào bàn đàm phán.
Động thái hung hăng của Trung Quốc

Có nhiều người hy vọng rằng sau phán quyết của PCA, vấn đề căng thẳng ở Biển Đông sẽ được kiểm soát khi Bắc Kinh thất bại nặng nề trên mặt trận pháp lý. Phán quyết sẽ làm phong phú thêm án lệ của luật pháp quốc tế và đóng vai trò như một thước đo chuẩn mực về cách mà các nước hành xử với tranh chấp Biển Đông. Mỹ và Nhật Bản sẽ đi đầu trong cuộc đấu tranh về mặt pháp lý trong vấn đề Biển Đông, hỗ trợ Philippines và các nước chống lại những yêu sách vô lý của Trung Quốc.

Mặt khác, giới quan sát nhận định rằng, dù mang lại giải pháp ngắn hạn trước mắt, về lâu dài, phán quyết từ PCA khó có thể giúp giải quyết dứt điểm những tranh chấp ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo nhấn mạnh phán quyết có "đóng góp quan trọng" cho quá trình giải quyết các tranh chấp khu vực. Tuy nhiên, cơ hội để nó thay đổi cục diện khu vực, chấm dứt thế giằng co, đối đầu ở Biển Đông là rất hiếm hoi. Thay vào đó, căng thẳng còn có thể gia tăng, ít nhất là trong ngắn hạn. Phía Trung Quốc cũng không quên đổ lỗi cho Mỹ trong việc gia tăng căng thẳng trên biển Đông khi Mỹ xoay trục về châu Á trong những năm qua.

Ông Patrick M. Cronin, Cố vấn cấp cao và Giám đốc của Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNA) đã đặt câu hỏi rằng "Bạn sẽ làm gì với Bắc Kinh?" nếu Trung Quốc lờ đi phán quyết bất lợi của PCA và tiếp tục bồi đắp các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Còn chuyên gia Ian Storey của Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore) cho rằng phán quyết của PCA đã giáng một đòn pháp lý mạnh mẽ vào yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh dĩ nhiên là sẽ phản ứng giận dữ và có thể leo thang khiêu khích tại Biển Đông để đáp trả phán quyết của PCA. 

"Có khả năng cao là Bắc Kinh sẽ tìm mọi biện pháp để đáp trả, cả trên đất liền lẫn trên biển, để chứng tỏ họ không khuất phục trước phán quyết từ tòa trọng tài. Hoặc họ sẽ tìm cách trừng phạt Manila vì từ chối bãi bỏ vụ kiện ", ông Gregory B. Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Washington, nhận định.

ngoai-truong-trung-quoc-vuong-nghi.jpg
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Điều đó đã quá rõ khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tỏ thái độ hung hăng rằng "chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển của Trung Quốc tại biển Đông đã có cơ sở pháp lý và lịch sử vững chắc, không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của cái gọi là tòa trọng tài". Phía quân đội Trung Quốc còn tuyên bố rằng sẽ kiên định bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền lợi biển quốc gia, kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực, ứng phó với các mối đe dọa và thách thức.

Đây rõ ràng là những động thái ngang ngược, mang tính thách thức phán quyết của PCA, thách thức luật pháp và công luận quốc tế của Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc lần thứ 18 tại Bắc Kinh ngày 12/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã lớn tiếng bác bỏ phán quyết của PCA và cảnh cáo EU phải giữ vững sự khách quan và trung lập trong vấn đề này. Đáng ngại hơn là Văn phòng Ủy ban các vấn đề khẩn cấp của thủ đô Bắc Kinh ngày 12/7 đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc đặt vào "trạng thái thời chiến" 24/24 đến hết ngày 17/7. 
may-bay-trung-quoc.jpg
Máy bay Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành bay thử sân bay mới xây dựng phi pháp trên bãi Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa. Tân Hoa Xã đăng tin rằng, các dữ liệu bay hiệu chỉnh lần này cho thấy, hai sân bay mới xây dựng phi pháp trên bãi Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi đã có đủ khả năng bảo đảm an toàn bay cho máy bay chở khách hàng không dân dụng, tạo thuận tiện cho sự đi lại của nhân viên, cứu trợ khẩn cấp, cứu hộ y tế… tại quần đảo Trường Sa. Trước đó, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng sân bay phi pháp trên bãi Đá Chữ Thập. Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo rằng, khi cả 3 sân bay Trung Quốc xây dựng trên bãi Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi ở quần đảo Trường Sa đi vào hoạt động, quân đội nước này sẽ có khả năng vận hành các máy bay lớn hơn, tinh vi hơn rất nhiều so với các nước Đông Nam Á.

Nếu xây dựng các nhà chứa máy bay và hạ tầng phụ trợ, Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở thành nước duy nhất trong khu vực có thể vận hành máy bay ném bom tầm xa từ các sân bay mà nước này xây dựng trong vùng tranh chấp trên Biển Đông. Điều này tạo ưu thế rất lớn cho Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột, đồng thời tạo tiền đề Bắc Kinh có thể áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) kiểm soát cả bầu trời, mặt nước Biển Đông.

Cần giải pháp hòa bình trên Biển Đông
tau-trung-quoc.jpg
Tàu Trung Quốc trên Biển Đông
Một giả thiết khác là Trung Quốc sẽ tìm cách gây sự ở tất cả các điểm nóng ở châu Á, thực hiện mưu đồ chiếm trọn Biển Đông. Trung Quốc có thể tăng mạnh các cuộc tuần tra trên không và trên biển ở biển Hoa Đông nhằm chọc giận Nhật Bản. Hơn nữa, Bắc Kinh sẽ bắt đầu khai thác dầu và khí đốt tự nhiên ở khu vực này.

Một khả năng nguy hiểm nữa mà giới phân tích chỉ ra là Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo và tạo thêm một căn cứ mới trên bãi Scarborough, như đã làm ở các bãi đá khác trong những năm qua. Trung Quốc đã chiếm bãi Scarborough- nằm khá gần Phillipines - từ tay Philippines năm 2012. Với căn cứ quân sự trên thực thể địa lý này, radar, tên lửa hoặc chiến đấu cơ của Trung Quốc có thể theo dõi, tấn công thủ đô Manila của Philippines cũng như các căn cứ quân sự khác mà Mỹ đang sử dụng. Đây sẽ là một động thái gây nguy hại nghiêm trọng tới môi trường và rất đáng lo ngại về pháp lý cũng như ngoại gia". Bắc Kinh cũng có khả năng tái thiết lập thế trận để ngăn hải quân Philippines tiếp tế cho các binh sĩ đóng trên tàu chiến cũ Sierra Madre được Philippines sử dụng như một tiền đồn tại Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 1999.  
tau-my.jpg
Hai tàu sân bay hạt nhân của Hải quân Mỹ, chiếc USS John C. Stennis (trái) và USS Ronald Reagan tham gia tập trận chung ở biển Philippines ngày 18/6
Mỹ đã nhiều lần phát tín hiệu cho biết sẽ không để yên nếu Trung Quốc có bất kỳ hành động gây hấn nào trên Bãi cạn Scarborough. Trong vài tháng qua, Washington đã phản ứng mạnh với những tình huống mà họ cáo buộc là "quân sự hóa gây bất ổn" của Bắc Kinh, bằng cách tăng hiện diện quân sự ở biển Đông. Đáng kể nhất là sự xuất hiện của hai nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis ở vùng biển gần Philippines những ngày qua. Giáo sư Hugh White, đến từ Đại học Quốc gia Australia, cho biết đây là sự phô trương công khai lớn nhất sức mạnh quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương kể từ khi nước này đưa hai tàu sân bay để đối đầu với Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ở Đài Loan (Trung Quốc) năm 1996.

Tuy nhiên, không ai trong số các nước ngoài khu vực hay cả Trung Quốc và các nước ở Đông Nam Á có bất cứ lợi ích gì có thể đạt được từ việc gia tăng căng thẳng và xung độ tại Biển Đông. Đặc biệt, một tổng thống Mỹ mới sẽ được bầu vào tháng 11 tới và nhậm chức tại Nhà Trắng vào tháng 1/2017 cũng không thể ngay lập tức thể hiện chính kiến của nước Mỹ về vấn đề Biển Đông.
scarborough-shoal-for-international-judicial-court.png
Mong một Biển Đông hòa bình  
Chuyên gia Kamer Kasim, phó chủ tịch của Tổ chức nghiên cứu chiến lược quốc tế và chủ nhiệm khoa của Khoa Kinh tế và Khoa học hành chính tại Đại học Abant İzzet Baysal (Thổ Nhĩ Kỳ) cho rằng các bên cần phải tham gia vào các giải pháp hòa bình về tranh chấp ở Biển Đông. Điều cuối cùng mà Trung Quốc và Mỹ cần là không để gián đoạn các hoạt động thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mọi lợi nhuận sẽ tiêu tan ngay khi có một cuộc xung đột ở Biển Đông diễn ra, dù chỉ là xung đột nhỏ nhất. Một khi cuộc xung đột nổ ra, nó sẽ rất khó để kết thúc và sẽ làm tổn thương tất cả các bên.

Do đó, Trung Quốc sẽ sớm nhận ra họ đang tiến dần đến một điểm mà hành động của họ sẽ châm ngòi cho phản ứng quyết liệt hơn từ Mỹ và cộng đồng quốc tế. Một số nhà phân tích cũng nhận định Bắc Kinh sẽ phải dừng lại trước khi các hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của mình gây ra hậu quả không thể cứu vãn trên Biển Đông. Trong dài hạn, Trung Quốc cuối cùng sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán cùng các quốc gia khác có liên quan tới tranh chấp. Các nước hy vọng Bắc Kinh sẽ xem phán quyết của PCA như "một cơ hội để khởi động lại những cuộc đối thoại nghiêm túc với các nước láng giềng".

Thế nhưng, theo Tiến sĩ Zach Abuza - Chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á, lâu nay Trung Quốc vẫn dùng những biện pháp ngoại giao để chia tách các thành viên ASEAN, đẩy cuộc phân xử trên Biển Đông từ ý muốn theo luật pháp quốc tế thành những cuộc đàm phán song phương. Trung Quốc rất có thể sẽ lợi dụng các nước láng giềng để hành động, tiếp tục sử dụng tầm ảnh hưởng của mình đối với Campuchia, Lào, Brunei và thậm chí Myanmar, nhằm ngăn chặn một phản ứng thống nhất từ các nước ASEAN.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm