Tuyển sinh 2017: Xuất hiện các kiểu hút nhân tài 'lạ'

21/02/2017 - 10:23
Lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh, trường ĐH Kinh tế quốc dân xét tuyển thẳng thí sinh thi 'Đường lên đỉnh Olympia'; Học viện Báo chí & Tuyên truyền cũng lần đầu tiên sử dụng môn Vật lý trong tổ hợp xét tuyển.

"Vé" vào ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội từ cuộc thi Olympia 

Với chỉ tiêu không quá 5 - 10% tổng chỉ tuyên tuyển sinh năm 2017, một số diện đặc cách vào thẳng trường được ĐH Kinh tế quốc dân vừa công bố bao gồm:

Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến 22/6) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFL iBT 575 trở lên, hoặc TOEF ITP 90 trở lên và có tổng điểm 2 bài/môn thi THPT quốc gia 2017 (trừ bài thi Tiếng Anh) đạt từ 15 điểm trở lên, trong đó có bài thi Toán.

Thí sinh đã tham gia vòng thi tuần trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia trên Đài Truyền hình Việt Nam, tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 và có tổng điểm thi theo tổ hợp môn xét tuyển của trường đạt từ 18 trở lên.

Thí sinh dự thi "Đường lên đỉnh Olympia". Ảnh minh họa 

Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia có môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi, đã tốt nghiệp THPT năm 2017, được tuyển thẳng vào ngành phù hợp nội dung đề tài của thí sinh.

Thí sinh có 3 môn/bài thi THPT quốc gia năm 2017, trong đó có bài thi Toán và 2 môn/bài thi bất kỳ, đạt 27 điểm trở lên, không tính điểm ưu tiên.

Ngoài ra, trường cũng xét tuyển thẳng thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành.

Lưu ý, thí sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng được ưu tiên xét tuyển bằng cách cộng điểm thưởng vào tổng điểm xét tuyển căn cứ theo giải đạt được. Cụ thể, giải nhất, nhì, ba và khuyến khích được cộng lần lượt tương ứng 4, 3, 2 và 1 điểm.

 Thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm 2016. Ảnh: D.H

Học viện Báo chí Tuyên truyền: Vật lý vào tổ hợp xét tuyển, dừng tuyển sinh báo chí đa phương tiện

Năm 2017, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) vừa công bố dự thảo đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2017. Theo đó, Học viện dự kiến xét tuyển theo 4 nhóm ngành/ngành.

- Nhóm 1: Ngành Báo chí.

- Nhóm 2 gồm các ngành: Triết học, Kinh tế, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Chính trị học, Xuất bản, Xã hội học, Công tác xã hội.

- Nhóm 3: Lịch sử.

- Nhóm 4 gồm các ngành: Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Ngôn ngữ Anh.

Trong từng nhóm ngành, trường quy định môn bắt buộc và môn tự chọn để xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Trong đó, ở nhóm 1, thí sinh thi môn bắt buộc Ngữ văn và tự chọn một trong các môn Toán, Lịch sử, Tiếng Anh, Vật lý. Nhóm 1 cũng tổ chức thi bổ sung môn Năng khiếu báo chí.

Để đăng ký xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thí sinh cần thỏa mãn 2 điều kiện: Có kết quả xếp loại học lực từng năm học trong 3 năm THPT đạt 6.0 trở lên; hạnh kiểm 3 năm THPT xếp loại khá trở lên.

Đáng chú ý, sau khi ra đời được 4 năm (từ 2013), năm nay chuyên ngành Báo chí đa phương tiện sẽ dừng tuyển sinh. Phó giám đốc AJC Lưu Văn An cho hay, từ năm 2016, Học viện tuyển sinh chung, không chia từng chuyên ngành cụ thể như trước. Sau 2 năm học sẽ phân chuyên ngành theo nguyện vọng, năng lực của các em. Vì vậy, không cần xét tuyển báo chí đa phương tiện. Từ năm 2018, Học viện sẽ mở chuyên ngành mới là Truyền thông đa phương tiện.

Năm 2016, điểm trúng tuyển vào AJC từ 17,5 đến 30,5 (môn tiếng Anh nhân đôi). Trong đó, ngành Báo chí điểm chuẩn từ 19,5 đến 21,5.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm