pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tuyển sinh 2020: Giảm tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia?
Nhiều cách thức tuyển sinh
Thời điểm này, một số trường ĐH đã rục rịch công bố các phương thức tuyển sinh cho năm 2020, mặc dù thời gian tuyển sinh còn khá dài. Theo thông tin tuyển sinh từ trường ĐH Lâm nghiệp, năm 2020 sẽ có các cách thức tuyển sinh (tại cơ sở chính) khá phong phú như: xét tuyển theo điểm thi THPT Quốc gia và theo kết quả học THPT, điểm xét tuyển theo tổ hợp môn học lấy theo kết quả học kỳ 1 năm lớp 12 hoặc theo điểm tổng kết cả năm học lớp 12.
Bên cạnh đó, nhà trường cho phép thí sinh có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến trên website của trường.
Trong khi đó, theo kế hoạch tuyển sinh dự kiến, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét điểm thi quốc gia xuống còn khoảng 40%, đồng thời tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức lên tỷ lệ tương đương là 40%.
Đây cũng là phương án của trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM khi đơn vị này cho biết năm 2020, trường dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu cho xét điểm kỳ thi chung và dự kiến có thể tiếp tục giảm thêm 10% trong năm tới.
Việc sử dụng kết quả điểm của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức, thay vì lấy điểm thi THPT Quốc gia như mọi năm, cũng là lựa chọn của trường ĐH Bách khoa TPHCM. Đại diện trường này cho biết, năm 2020 sẽ dành khoảng 20-50% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực.
Cũng theo công bố của một số trường khu vực phía Nam, năm học 2020-2021, một số phương án tuyển sinh khác như sử dụng học bạ, tổ hợp hỗn hợp các điểm thi, tuyển thí sinh người nước ngoài, học sinh Việt Nam tốt nghiệp tú tài quốc tế…
Giảm phụ thuộc kỳ thi THPT Quốc gia
Nhận định về xu hướng này, TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng điều này là phù hợp và cần thiết. Bởi khi Luật Giáo dục đại học ra đời và quy định rõ về tự chủ đại học thì việc tự chủ tuyển sinh là một trong những điểm quan trọng. Thậm chí, các trường cần làm điều này sớm hơn, bởi lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp sẽ tạo nguồn đầu vào chất lượng, đúng trọng tâm với đặc thù ngành nghề đào tạo của mình.
"Đã đến lúc các trường đai học có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh đại học phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng, đồng thời hạn chế dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPT Quốc gia" - TS. Lê Viết Khuyến nói.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đánh giá cao xu thế mở rộng cách thức tuyển sinh, cũng có ý kiến cho rằng một số trường thực hiện cách này nhằm tăng thêm nguồn tuyển, trước nguy cơ thiếu nguồn tuyển hiện tại. Đại diện trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay, kết quả học tập sau 2 năm học cho thấy, sinh viên trúng tuyển theo diện xét học bạ học tốt hơn sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia. Năm 2019, sinh viên trúng tuyển phương thức này với điểm trúng tuyển trên 25 điểm 3 môn gần như học lực giỏi. Trường chỉ cho phép đăng ký tối đa 3 ngành nên sinh viên gần như trúng vào ngành mình yêu thích, do vậy có kết quả học tập khá tốt, theo phân tích.
Điểm đáng chú ý của xét tuyển bằng kỳ thi THPT Quốc gia là thí sinh được phép đăng ký không giới hạn nguyện vọng, dẫn đến việc không ít thí sinh trúng tuyển vào ngành mà mình yêu thích, gây ảnh hưởng ít nhiều đều kết quả học tập. Cũng chính vì điều này nên vào các ngày hội tư vấn tuyển sinh hàng năm, các chuyên gia đến từ Bộ GD&ĐT đều đưa ra lời khuyên cho thí sinh là cần ưu tiên lựa chọn ngành nghề yêu thích, đồng thời không nên quá ôm đồm nhiều nguyện vọng khi xét tuyển.