Không chủ quan khi lông mi mọc đâm vào mắt

Thùy Dung
07/09/2021 - 08:38
Không chủ quan khi lông mi mọc đâm vào mắt
Lông mi mọc đâm vào mắt là bệnh về mắt không hề hiếm gặp. Vậy tại sao lại có hiện tượng này? Khi mắt bị lông mi mọc đâm vào trong cần phải làm gì? Cùng tìm hiểu bài viết sau để giải đáp những thắc mắc này.

Lông mi là những sợi lông mảnh và đều nhau được xếp thành hàng dày trên mi mắt. Hàng mi trên dày và dài hơn hàng mi dưới. Lông mi thường hướng ra ngoài, nhưng có những trường hợp bệnh lý bất thường mà lông mi mọc đâm vào mắt.

1. Tác dụng của lông mi đối với con người

Ngoài chức năng tạo tính thẩm mỹ cho đôi mắt nói riêng và khuôn mặt nói chung, lông mi còn là hàng rào bảo vệ mắt khỏi những tác nhân bên ngoài môi trường gây nguy hiểm cho mắt như bụi bẩn, đất cát, côn trùng hay nhiều vật thể li ti có hại khác.

Có thể bạn chưa biết: Lông mi có chức năng khác giống như râu mèo. Từng sợi mi đều có cảm giác khi bạn bị vật khác tác động vào chúng. Lúc này, lông mi sẽ cảm ứng và cảnh báo về một mối nguy hiểm đang ở gần vùng mắt.

Lông mi cũng bảo vệ đôi mắt khỏi mồ hôi hay những giọt nước, mưa rơi vào. Đây chính là lý do mà hình dáng của các hàng lông mi đều cong lên, bởi có như vậy thì mới ngăn được những giọt nước kia len vào bên trong mắt.

Lông mi mọc đâm vào mắt, chớ coi thường! - Ảnh 1.

Ở đôi mắt bình thường, hàng lông mi sẽ cong và mọc hướng ra ngoài - Ảnh: Internet

Sau khi nhận được tín hiệu thông báo từ các sợi lông mi, mắt sẽ đóng lại để không bị nguy hại từ tác động bên ngoài. Những hàng mi còn giúp mắt khỏi bị ánh sáng mạnh chiếu vào bằng cách lọc ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt.

2. Nguyên nhân dẫn đến lông mi mọc đâm vào mắt

Lông mi mọc ngược vào trong thường xảy ra ở người lớn, nhưng bệnh này cũng có thể xuất hiện ở trẻ em. Hiện tượng lông mi mọc đâm vào mắt được gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân này được chia thành các nhóm chính, cụ thể như sau:

- Nguyên nhân bẩm sinh: Người bệnh từ khi sinh ra, các sợi lông mi đã bị mọc lên xiêu vẹo, không đúng hướng, họ đã sớm quen dần với hiện tượng này nên mắt bị yếu dần đi theo thời gian.

- Lông mi mọc đâm vào mắt do mắt có sẹo: Các trường hợp bệnh nhân phải phẫu thuật, tai nạn sẽ để lại sẹo. Nhiều người có thói quen dụi mắt quá nhiều cũng có khả năng để lại những tổn thương nhỏ trên mắt. Những vết sẹo thường chai và nhăn nheo, làm co kéo, co thắt mắt bất thường, ảnh hưởng đến quá trình mọc của lông mi.

- Do ảnh hưởng của tuổi già: làn da của bạn trở nên kém đàn hồi khi bạn già đi, và vùng da quanh mắt, mi mắt cũng vậy. Khi chúng bị sụp, nhăn nheo do tuổi tác, những sợi lông mi cũng bị mọc ra xô lệch, không đúng hướng.

Bên cạnh đó, một số loại bệnh khác cũng có thể kéo theo hiện tượng lông mi mọc đâm vào mắt như: mắt bị bỏng, mắt bị herpes zoster, do bệnh mắt hột, nhiễm trùng mắt, viêm bờ mi mãn tính…

3. Biểu hiện của hiện tượng lông mi mọc đâm vào mắt

Bình thường, lông mi mọc hướng ra bên ngoài, nhưng vẫn có những trường hợp lông mi mọc xiêu vẹo, sai hướng hay đâm vào mắt. Khi xuất hiện những sợi lông mi mọc đâm vào mắt, chớ coi thường, vì đây là hiện tượng vô cùng nguy hiểm.

Lông mi mọc đâm vào mắt là tình huống mà lông mi mọc ngược, cắm vào bên trong mắt. Đôi khi chỉ xảy ra ở một đoạn mi nhỏ những cũng có lúc lại bị ảnh hưởng đến cả hàng mi. Các sợi mi lại đâm vào mắt vô cùng khó chịu, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy ngứa ngáy và đau, kèm theo nhức, mỏi mắt, theo thời gian, thị lực cũng vì thế mà suy giảm.

Bất kì ai cũng có thể gặp phải tình trạng lông mi mọc đâm vào mắt dù là người lớn hay trẻ em.

Khi bắt đầu bị bệnh, bạn có thể cảm thấy mắt khó chịu, đỏ, đau, cộm như có một cái gì đó trong mắt (thường thấy nó có màu đỏ), mắt hay bị ngứa và dễ chảy nước mắt, thường nhạy cảm với ánh sáng hơn, bị tổn thương hoặc dễ bị rách, mờ mắt.... thì có thể bạn đã bị lông mi mọc đâm vào mắt.

Lông mi mọc đâm vào mắt, chớ coi thường! - Ảnh 2.

Lông mi mọc đâm vào mắt - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, cũng có trường hợp lông mi mọc đâm vào mắt, mà người bệnh không có triệu chứng nào xảy ra, chỉ nhìn, soi kĩ vào hàng mi mới nhận ra những sợi mi bị lệch.

Lông mi cọ xát vào giác mạc (là phần trước và phía trong của mắt), trong một thời gian dài có thể gây kích ứng mắt hoặc một tình trạng nghiêm trọng hơn trên bề mặt mắt. Điều đó có thể dẫn đến nhiễm trùng và sẹo. Nó thậm chí có thể ảnh hưởng đến thị lực của bạn.

Chú ý:

Cần phân biệt lông mi mọc đâm vào mắt và lông mi xiêu:

- Lông mi mọc đâm vào mắt: là hiện tượng bờ mi bị đẩy vào phía trong, làm lông mi bị đẩy theo đó

- Lông mi xiêu: là bờ mi mắt không hề có vấn đề gì, hoàn toàn không thay đổi, thế nhưng từng sợi lông mi lại đi ngược vào phía nhãn cầu, mọc sai hướng và xiêu vẹo.

4. Hậu quả khi lông mi mọc bị đâm vào mắt

Khi bị lông mi mọc đâm vào mắt, vấn đề đầu tiên gây ra chính là những khó chịu ở mắt của người bệnh Nếu lâu ngày không thể khắc phục được tình trạng này, trong thời gian dài sẽ gây ra các bệnh liên quan như: đau mắt, viêm loét giác mạc, viêm bờ mi…

Tùy vào mức độ nặng nhẹ mà những nguy hiểm cho đôi mắt của bạn sẽ khác nhau. Ngành Y đã chia ra bốn cấp độ của hiện tượng lông mi mọc đâm vào mắt này:

- Cấp độ 1: Đây là cấp độ nhẹ nhất, khi mới chỉ có một hoặc vài sợi mi vừa mới ngược vào bên trong mắt. Lúc này, các bác sĩ nhãn khoa có thể dễ dàng xử lý được chúng mà không để lại những biến chứng nguy hiểm nào.

Lông mi mọc đâm vào mắt, chớ coi thường! - Ảnh 3.

Ở giai đoạn đầu, chỉ có một hay vài sợi mi mọc đâm vào mắt - Ảnh: Internet

- Cấp độ 2: Thời điểm này đã lông mi mọc hướng hẳn vào bên trong mắt theo từng cụm lớn hơn. Thế nhưng, các bệnh nhân vẫn có thể chịu đựng nên đa phần họ vẫn chưa đi chữa trị ngay, vì thế mà tình trạng mắt của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn nữa.

- Cấp độ 3: Khi đó, bệnh tình đã tiến triển khá nặng, sụn mi mắt đã bị cong, dày hơn so với bình thường. Cả hàng mi đã quặp hẳn vào bên trong giác mạc. Mỗi khi mở mắt hay nhắm lại, chớp mắt… đều sẽ bị đau, nhất là khi chớp mắt. Nếu không muốn mất đi thị lực, bệnh nhân cần được can thiệp nhãn khoa ngay lập tức.

- Cấp độ 4: Mức độ này rất nặng: Mắt có những biến chứng nguy hiểm không thể lường được do khe mi mắt bị hẹp lại, thậm chí sau khi đã mổ bỏ nhiều lần, hiện tượng lông mi mọc ngược vào trong vẫn cứ sẽ tiếp tục tái đi tái lại.

5. Phương pháp điều trị lông mi mọc đâm vào mắt

Lông mi mọc đâm vào mắt cần được điều trị kịp thời nếu không muốn đôi mắt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trên thực tế, đã có rất nhiều người bị mất thị lực hoàn toàn khi để lông mi mọc đâm vào mắt tái đi tái lại quá nhiều lần.

Có nhiều cách để điều trị chứng lông mi mọc ngược vào trong mắt. Đối với tình trạng lông mi chỉ vừa mới mọc đâm vào mắt, các bác sĩ chỉ cần sử dụng các chất bôi trơn để giảm kích thích do lông mi mọc đâm vào mắt. Nếu bị nặng hơn, bắt buộc phải có những can thiệp nội khoa để khắc phục.

Cách phổ biến nhất để điều trị bệnh này là nhổ bỏ lông mi.

Ban đầu, các y, bác sĩ sẽ tiến hành dùng một cái kẹp chuyên dụng để nhổ lông mi sau khi làm tê nhãn cầu (bằng những giọt thuốc nhỏ mắt). Sau đó, họ sẽ kéo lần lượt từng sợi lông mi ra khỏi nang. Lông mi dễ dàng được lấy đi mà không làm cho bệnh nhân bị đau đớn.

Lông mi mọc đâm vào mắt, chớ coi thường! - Ảnh 4.

Những sợi lông mi mọc đâm vào mắt cần sớm được nhổ bỏ bằng nhíp chuyên dụng - Ảnh: Internet

Người bệnh cần tiếp tục sử dụng nước mắt nhân tạo trong vòng từ một đến vài ngày. Sau khoảng 3- 5 tháng, hàng lông mi mới sẽ dần dần mọc lại và thay mới. Nếu trong quá trình thực hiện mà bị trầy xước, bác sĩ cần kê toa thuốc kháng sinh để đề phòng nhiễm trùng.

Tuy thế, khả năng lông mi tiếp tục mọc sai hướng vẫn sẽ có thể xảy ra. Muốn hiện tượng lông mi mọc ngược vào trong được điều trị dứt điểm thì cần đến phương pháp phẫu thuật.

Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật khác nhau để giải quyết tình trạng này, bao gồm:

- Cắt bỏ: Bác sĩ nhãn khoa sẽ làm cho mắt bị tê đi rồi sử dụng tia laser để loại bỏ lông mi. Cách chữa này thường được sử dụng trong bệnh viện chuyên khoa mắt hoặc phòng khám.

- Điện phân: đây là hình thức loại bỏ lông mi mọc sai hướng, mọc đâm vào mắt bằng điện.

- Phẫu thuật lạnh: Sau khi đóng băng các sợi, nang lông mi thì bác sĩ mới tiến hành loại bỏ chúng.

Để tránh được các tình trạng nguy hiểm cho mắt thì bạn nên đi thăm khám ngay khi thấy có những dấu hiệu lông mi mọc đâm vào mắt. Nếu bạn cảm thấy có những kích thích ở mắt liên tục, mắt bị khó chịu do hàng mi gây ra, cần phải đi thăm khám ngay ở những cơ sở chuyên khoa mắt.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm