Tỷ lệ đăng ký hiến tạng sau chết não của Việt Nam thấp nhất thế giới

An Khê
14/06/2024 - 22:08
Tỷ lệ đăng ký hiến tạng sau chết não của Việt Nam thấp nhất thế giới

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô phát biểu tại sự kiện

Chiều ngày 14/6, tại Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Công đoàn Y tế Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động đăng ký hiến tặng mô, tạng “Cho đi là còn mãi”.

Tại lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu cần tạng từ nguồn chết não rất lớn, nhưng nguồn cung rất hiếm, tỷ lệ đăng ký hiến tạng sau chết não của Việt Nam thấp nhất thế giới. Vì vậy, người dân đăng ký hiến mô, tạng khi qua đời mang lại ý nghĩa đặc biệt to lớn trong việc cứu sống những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo mà chỉ có ghép tạng mới mang lại sự sống cho họ.

Thống kê của Bộ Y tế, năm 2023 là năm Việt Nam có số ca ghép tạng cao nhất từ trước đến nay với 1.000 ca nhưng có tới 95% nguồn tạng là từ người cho sống, chỉ có 5% người cho chết não, trong khi các nước khác có từ 80-95% nguồn tạng từ người cho chết não.

“Tạng của người chết ở Việt Nam bị chôn vùi trong lòng đất hoặc thiêu thành tro bụi, rất lãng phí, bởi nguồn tạng này có thể cứu được rất nhiều người bệnh bên bờ sinh tử”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ. Đồng thời cho biết thêm, tại Bệnh viện Việt Đức có ít nhất có 1.000 ca chết não tử vong/năm, đây cũng là bệnh viện vận động hiến tạng sau chết não tốt nhất cả nước, nhưng mỗi năm cũng chỉ có khoảng 10 ca chết não hiến tạng.

Vì vậy, mô hình thành lập tổ tư vấn vận động hiến tạng tại các bệnh viện là rất cần thiết và nếu bệnh viện nào cũng có tổ tư vấn thì trong tương lai, số người hiến tạng sau chết não ở Việt Nam sẽ tăng cao.

Lễ ký kết thể hiện tính tiên phong của Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong việc thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về hiến mô, tạng, mang ý nghĩa nhân văn và nhân đạo sâu sắc.

Tỷ lệ đăng ký hiến tạng sau chết não của Việt Nam thấp nhất thế giới- Ảnh 1.

Lễ ký kết về việc tuyên truyền vận động hiến tặng mô, tạng trong ngành y tế

Theo bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cả nước hiện có hơn 500.000 cán bộ, nhân viên y tế, nếu phát động tất cả đăng ký hiến mô, tạng thì đây là số lượng rất lớn.

Theo ký kết, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên về ý nghĩa nhân văn của việc hiến mô, tạng. Đồng thời tổ chức tôn vinh, tri ân, huy động nguồn lực để động viên chăm lo cho người hiến sống và gia đình người hiến mô tạng sau chết não.

Tại Việt Nam, trải qua 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992. Đến nay, ngành Y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới.

Trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công; ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm. Tuy nhiên, mỗi năm có hàng chục ngàn bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng phải chờ đợi vì thiếu nguồn mô tạng, do đó chúng ta cần tăng nguồn hiến tạng sau chết/chết não


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm