Tỷ lệ nhập viện do rắn độc cắn gia tăng khi vào hè, đây là những gì bạn cần lưu ý để an toàn

Anh Dũng
23/05/2020 - 13:42
Tỷ lệ nhập viện do rắn độc cắn gia tăng khi vào hè, đây là những gì bạn cần lưu ý để an toàn
Mùa hè là mùa sinh sản và mùa tìm mồi của rắn, trong đó có rắn độc, vì thế mà các ca nhập viện do bị rắn độc cắn cũng tăng lên trong khoảng 1 tuần trở lại đây tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo thống kê trong vòng 1 tuần trở lại đây, ngày nào Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cũng có bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc cắn. Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, mùa hè là thời điểm sinh sản và tìm mồi của rắn nên nguy cơ bị rắn độc cắn cũng cao hơn.

Theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân L.V.H. (32 tuổi, Phú Thọ) vào viện tối 14/5 vì bị rắn lục cắn. Theo lời kể của người nhà, khoảng 16h ngày 14/5, khi đi ra ngoài vườn, bệnh nhân đã bị một con rắn màu xanh to bằng đầu ngón tay trỏ cắn vào mặt trong bàn chân trái. Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân đã cầm máu cho vết thương tuy nhiên vẫn đau nhiều nên đã được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương rồi chuyển tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai.

Trường hợp thứ hai bị rắn hổ mang cắn là anh N.V.Đ. (41 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên). Khi dọn dẹp đống gạch cũ lâu ngày, anh đã bị một con rắn hổ mang cắn vào vị trí ngón bàn tay phải. Sau đó, bệnh nhân có nặn máu ở vết bị rắn cắn. Tuy nhiên vị trí bị cắn sưng đau nhiều, tấy đỏ. Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, bệnh nhân đã được truyền dịch. Sau đó, anh Đ. được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Tỷ lệ nhập viện do rắn độc cắn gia tăng khi vào hè, đây là những gì bạn cần lưu ý để an toàn - Ảnh 1.

Vết rắn độc cắn ở ngón cái bàn tay phải bị sưng đỏ và có dấu hiệu hoại tử. Ảnh: BVCC.

Trường hợp khác, bệnh nhân L.V.N. (47 tuổi, ở Bắc Giang) bị rắn cắn khi đang đi làm đồng. Theo lời kể của bệnh nhân thì khoảng 17h ngày 14/5, anh N. đi làm ngoài ruộng và bị rắn to bằng ngón chân cái, con rắn có màu đen đã cắn vào ngón trỏ bàn tay phải của anh. Sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân bị buốt nhiều, sưng đau và tấy đỏ. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai sau 10 tiếng bị rắn cắn.

1. Sai lầm chết người trong sơ cứu vết thương bị rắn độc cắn

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam, tai nạn thương tích do rắn độc cắn là một trong những tai nạn có mức độ phổ biến hàng đầu.

Bác sĩ cũng cho biết thêm, mỗi một loại rắn độc khác nhau thì cơ chế gây độc cũng sẽ khác nhau nên các biện pháp sơ cứu khi bị rắn độc cắn và phác đồ điều trị cho người bệnh cũng sẽ khác nhau. 

Sai lầm chết người nhất hiện nay đó là người bị rắn độc cắn không được đưa ngay tới cơ sở y tế để điều trị và rút nọc độc ra mà lại áp dụng các biện pháp dân gian để sơ cứu như đắp lá, bôi thuốc,... Khi bệnh nhân được đưa tới bệnh viện thì đã bị suy hô hấp, da tím tái, co giật và khó thở rồi,....

Tỷ lệ nhập viện do rắn độc cắn gia tăng khi vào hè, đây là những gì bạn cần lưu ý để an toàn - Ảnh 3.

Không được tự ý hút nọc độc của rắn bằng miệng (Ảnh: Internet)

Ngoài ra cũng không nên sơ cứu vết thương bị rắn cắn bằng các cách như:

- Tự ý rạch vết rắn cắn

- Hút nọc độc từ vết thương bằng miệng vì miệng có thể chứa nhiều vi khuẩn khiến vết thương có nguy cơ nhiễm trùng nặng hơn

- Cho bệnh nhân uống đồ uống có chứa cồn hoặc caffeine

- Buộc dây, buộc ga rô vào vị trí vết thương vì nếu không buộc đúng cách có thể phá huỷ dây thần kinh và mạch máu

- Chườm đá, nhỏ nước vào vết cắn vì có thể khiến nọc độc tích tụ một chỗ gây tổn thương mô nghiêm trọng

- Cho người bị rắn cắn uống bất kì một loại thuốc nào mà không có chỉ dẫn của nhân viên y tế. 

2. Cần làm gì khi bị rắn độc cắn?

Thay vì chạy chữa bằng các biện pháp dân gian thì khi bị rắn độc cắn bạn cần thực hiện sơ cứu theo các bước dưới đây, mục đích của việc sơ cứu là kiềm chế sự phát tán của nọc độc tới các cơ quan khác của cơ thể tới mức thấp nhất:

- Hạn chế sự vận động của người bị rắn cắn, giữ cho nạn nhân bình tĩnh, không được để vùng bị cắn ở vị trí cao hơn trái tim vì có thể gây ra tình trạng chảy độc ngược

- Nếu có các dụng cụ hút nọc độc có thể làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất

- Ở vùng bị cắn, nếu có đeo giày hay nhẫn, hãy tháo ra đồng thời tạo một chiếc nẹp mỏng để hạn chế cử động ở khu vực bị rắn độc cắn

- Quan sát vết cắn, nếu vết cắn bị sưng và bị đổi màu - đây có thể là một con rắn độc

Tỷ lệ nhập viện do rắn độc cắn gia tăng khi vào hè, đây là những gì bạn cần lưu ý để an toàn - Ảnh 4.

Vết rắn độc cắn sẽ nhanh chóng bị sưng và đổi màu (Ảnh: Internet)

- Quan sát các dấu hiệu sống của nạn nhân, nếu nhạn nhân bị sốc hãy đặt họ nằm thẳng người, để chân nâng cao khoảng 30cm và đắp chăn

- Liên hệ với nhân viên, cơ sở y tế gần nhất

- Nhớ mang con rắn (nếu đã chết hoặc bắt được) đến bệnh viện. Tuy nhiên đừng mạo hiểm nếu điều này không an toàn, theo phản xạ tự nhiên rắn vẫn có thể cắn người khi vừa chết.

Lưu ý là khi vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế thì cần phải giữ bệnh nhân nằm ở tư thế bất động. Trong trường hợp nạn nhân bị khó thở thì cần thực hiện biện pháp hà hơi thổi ngạt.

Một số dấu hiệu cho thấy bạn đã bị rắn độc cắn

Nếu bị rắn độc cắn, bạn có thể có các biểu hiện sau: Sốt; buồn nôn và nôn; mắt bị mờ, khó thở, nhức đầu; tiêu chảy; có cảm giác khát nước; nhịp tim tăng nhanh; đổ mồ hôi nhiều; ngất xỉu. Đặc biệt ở vùng da bị rắn cắn sẽ sưng to, đổi màu và có cảm giác đau; vùng mặt bị tê và miệng vết cắn sưng đỏ.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm