Tin tổng hợp

U70 với ý tưởng 'điên rồ' đưa nước biển lên núi làm muối

22/10/2019 - 03:44 PM
Sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bà Trần Thị Tân (thôn Tri Thủy 2, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) đã biến vùng đất cằn cỗi, hoang hóa của tỉnh Ninh Thuận thành đồng muối trắng có giá trị tiền tỷ. Với nhiều đóng góp cho cộng đồng, bà vinh dự là 1 trong 10 cá nhân được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019.
Đi tiên phong sản xuất muối sạch
 
Sinh ra lớn lên ở thôn Tri Thủy 2, Tri Hải, Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận)- một địa phương nổi tiếng của cả nước với nghề sản xuất muối. Tuy nhiên, bà Tân nhận thấy nhiều diêm dân vẫn cho thu nhập rất thấp, năng suất không cao, một số người trước đây muốn từ bỏ nghề này, nguyên nhân chính do diêm dân còn sản xuất theo cách truyền thống, dẫn đến chất lượng muối chưa được nâng lên.
Cả cuộc đời bà Trần Thị Tân gắn bó với nghề muối

 

"Trong một lần tình cờ tôi thấy một diêm dân áp dụng mô hình kê bùn trên cát để sản xuất muối, tuy nhiên mô hình trên chưa hiệu quả. Lúc ấy, tôi thấy cách làm này rất hay và còn nhiều bất cập ở khâu kỹ thuật. Nhiều ngày đêm, tôi trăn trở nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm 20m2 ngay diện tích tại khu vực gần nhà. Kết quả, thành công ngoài mong đợi, muối cho năng suất cao, hạt muối lại sạch hơn so với cách làm truyền thống", bà Trần Thị Tân nhớ lại.
 
Ngay sau đó, bà Tân liên hệ vay vốn của ngân hàng và tiến hành thuê 2,4ha để làm muối theo mô hình kê bùn trên cát. Thời điểm ấy, cả chồng và những người xung quanh phản đối kịch liệt, bởi đây là một ý tưởng khó thực hiện, thành công rất ít. Trong khi đó, rủi ro thì nhiều… Không ngại gian khó, bà Tân vẫn lao mình vào làm.
Bà Tân làm những việc không ai dám làm

 

Bà kể: “Để có được thành công là chuyện không hề dễ dàng chút nào, tôi phải thuê hàng chục chiếc xe bò vận chuyển cát, sau đó xử lý mặt bằng trước khi cho cát vào. Việc này được tôi xắn tay áo xuống tận ruộng làm”.
 
Chỉ sau 3 tháng thử nghiệm mô hình kê bùn trên cát sản xuất muối đã có kết quả với muối kết tinh cao, chất lượng hạt muối được nâng lên rõ rệt, muối vừa trắng, vừa sạch. Mô hình làm muối này đã giúp cho bà có nguồn thu nhập kha khá. Sau khi có được thành công, những hộ xung quanh ùn ùn kéo nhau đến học tập và bà liền chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
 
Mình không phụ nghề thì nghề không phụ mình
 
Không dừng lại ở đó, bà Trần Thị Tân tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều quy trình sản xuất muối hiệu quả hơn. Quan sát thấy một số vùng đất gần chân núi bị bỏ hoang quanh năm gây lãng phí. Một lần nữa, bà thử tài bằng cách đưa nước từ dưới biển lên núi để sản xuất muối. Bắt tay vào thực hiện, mọi người đàm tiếu về ý tưởng hoang đường này. Với suy nghĩ, ở các vùng đất trên Tây nguyên nhiều hộ nông dân đã đưa nước lên đỉnh tưới cho cà phê, điều, cây tiêu… thì tại sao mình lại không đưa nước mặn lên núi làm muối?
Dẫn nước biển lên núi để làm muối - ý tưởng ''điên rồ'' của bà đã được đánh giá cao

 

Nghĩ là làm, bà mua 10.000m ống và máy móc dẫn nước từ biển lên núi để phục vụ cho cánh đồng muối 1ha, chiều cao trên 20m so với mặt nước biển. Trải qua rất nhiều quy trình cải tạo hệ thống ống dẫn nước lên núi, hiện mô hình này đã được diêm dân Ninh Thuận vận dụng và thu được hiệu quả kinh tế cao.
 
Sinh năm 1955, bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2000, đến nay bà Trần Thị Tân đã sở hữu 05 hecta ruộng sản xuất muối sạch kết tinh trên nền bạt nhựa với số vốn 4.5 tỷ đồng. Doanh thu bình quân hàng năm: 1,5 - 2 tỷ đồng. Lợi nhuận: 900 triệu đến 1 tỷ đồng trên năm; số lượng lao động sử dụng: 15 - 20 lao động.
Bà luôn nung nấu để làm ra những hạt muối sạch hơn, trắng hơn, năng suất cao hơn

 

Hàng năm tổ hợp tác của bà đều tặng ít nhất 05 triệu đồng trở lên cho quỹ giúp đỡ người nghèo đón tết của Hội Phụ nữ huyện, Hội Cựu thanh niên xung phong, huyện đoàn, trường học…
 
Bà cũng có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới: Vận động nông dân tham gia sản xuất muối sạch, tham gia xây dựng và bảo vệ môi trường, sạch nhà, sạch đường, sạch xóm… và có 03 sáng kiến phát minh khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao trong sản xuất:
 
- Mô hình “Kê bùn trên cát biển để sản xuất muối”. Mô hình này được áp dụng thành công vào cuối năm 2000. Chị đã thí điểm 20m2 đất sau nhà bằng cách kê 01 lớp bùn 10cm đều trên mặt cát biển đã được san phẳng, lăn ép rồi cho nước mặn lên phơi để xác định độ thẩm lậu và màu sắc hạt muối làm ra có đạt yêu cầu thì mới dùng đại trà.
 
- Mô hình “Đưa nước mặn cách từ 03 đến 05 km từ biển lên chân núi sản xuất muối”. Chị đã mua máy bơm “văn thể” sản xuất tại Tây Nguyên đem về bơm nước mặn lên chân núi để sản xuất muối, kết quả thành công.
 
- Mô hình “kết tinh muối trên nền bạt nhựa”. Do chi phí đầu tư cao nên bà con diêm dân chưa áp dụng, bà là người đầu tiên thực hiện mô hình này. Từ 300m2 sân kết tinh bằng bạt nhựa do Trung tâm khuyến nông chuyển giao từ năm 2010 đến nay bà đã đầu tư xây dựng được 3,7 ha ruộng sản xuất có sân kết tinh trên nền bạt nhựa.
 
Với nhiều đóng góp cho cộng đồng, bà vinh dự là 1 trong 10 cá nhân được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2019.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn