Úc hỗ trợ nâng cao chất lượng sống của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam

22/11/2016 - 16:41
Chiến lược bình đẳng giới 2016 - 2020 của Úc tại Việt Nam hướng đến nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong việc đưa ra quyết định, lãnh đạo và xây dựng hòa bình; Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ; Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Ngày 21/11, Đại sứ quán Úc ở Hà Nội đã tổ chức lễ ra mắt Chiến lược Bình đẳng giới của Úc tại Việt Nam. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc Gary Quinlan AO, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết.
bgd-2.JPG
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết (thứ 2 từ phải qua) cùng các đại biểu tham dự buổi ra mắt Chiến lược Bình đẳng giới của Úc tại Việt Nam
Tại buổi lễ, ông Gary Quinlan AO nhấn mạnh, Chiến lược bình đẳng giới 2016 - 2020 của Úc tại Việt Nam nhằm nỗ lực thu hẹp dần khoảng cách về giới. Chiến lược sẽ ưu tiên 3 lĩnh vực: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ trong việc ra quyết đinh, lãnh đạo và xây dựng hòa bình; Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ; Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Ngoài ra, Chiến lược hướng đến giảm thiểu, phòng tránh bạo lực giới. Tới năm 2020, 50% nạn nhân của bạo hành gia đình phải được tiếp cận với tư vấn sức khỏe, luật pháp, hỗ trợ và chăm sóc tại các Nhà Tạm lánh. 85% người bạo hành được phát hiện và được cung cấp các dịch vụ tư vấn.
chien-luoc-binh-dang-gioi-5.JPG
Người khuyết tật là đối tượng Úc hướng đến hỗ trợ phát triển
Cụ thể, Úc sẽ hỗ trợ cho phụ nữ nhằm đẩy mạnh tiềm năng lãnh đạo và trình độ; xóa bỏ các rào cản giới bao gồm tuổi nghỉ hưu bất bình đẳng trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động vào năm 2017, các chương trình đào tạo cho các Nữ đại biểu Quốc hội, tập trung vào những thay đổi chính sách và thể chế để xóa đi những định kiến về công việc cho phụ nữ thành thị và nông thôn. 

Chiến lược hướng tới đưa tổng số bằng Thạc sĩ của nữ giới Việt Nam lên 50% và Tiến sĩ lên 25% vào năm 2020; 95% các cơ quan nhà nước có nữ trong các vị trí lãnh đạo chủ chốt. 100% các tổ chức (đảng, chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội) có hơn 30% cán bộ nữ và có lãnh đạo nữ giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
chien-luoc-binh-dang-gioi-3.jpg
Người dân tộc được hỗ trợ phát triển kinh tế. Ảnh: WEAVE
Được biết, Úc và Việt Nam đã thống nhất, việc thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ, bao gồm phụ nữ dân tộc thiểu số là 1 trong 3 trụ cột trong Kế hoạch Đầu tư Viện trợ giai đoạn 2016 - 2020. Úc sẽ hỗ trợ nhằm xóa bỏ rào cản và thúc đẩy nhiều phụ nữ tham gia trong các doanh nghiệp mới, đặc biệt ở vực Tây Bắc Việt Nam - nơi có tỷ lệ nghèo còn cao.

Hiện Úc đang triển khai dự án “Nâng cao Vị thế Kinh tế của Phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp (WEAVE)", hỗ trợ 2,5 triệu đô la Úc giúp cải thiện sinh kế cho hơn 1.800 phụ nữ và nam giới tại Lào Cai và Bắc Kạn.
chien-luoc-binh-dang-gioi-7.JPG
Các hoạt động của Hội LHPNVN kết hợp cùng Úc thực hiện trong phòng chống bạo lực gia đình và buôn bán người giai đoạn 2014-2017

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm