Ứng dụng công nghệ thông tin - "Chìa khóa" phát triển toàn diện cho phụ nữ xã Mỹ Châu

N.Minh
18/05/2025 - 16:30
Ứng dụng công nghệ thông tin - "Chìa khóa" phát triển toàn diện cho phụ nữ xã Mỹ Châu

Hội LHPN xã Mỹ Châu ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao kỹ năng, mở rộng cơ hội phát triển kinh tế và xã hội cho hội viên phụ nữ

Ngày nay, công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ là công cụ hỗ trợ công việc mà còn trở thành phương tiện thiết yếu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển toàn diện, đặc biệt với nhóm đối tượng phụ nữ ở khu vực nông thôn.

Tại xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), Hội LHPN đã nhanh chóng nhận thức rõ vai trò then chốt của CNTT và vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng, mở rộng cơ hội phát triển kinh tế và xã hội cho hội viên phụ nữ.

Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Châu, chị Lê Thị Kim Huệ, khẳng định: "Việc ứng dụng CNTT trong công tác Hội không chỉ giúp chuyển tải nhanh chóng các chủ trương, chính sách pháp luật, kiến thức về sức khỏe, kỹ năng sống, mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để phụ nữ chủ động học tập, trao đổi, kết nối và phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng thương mại điện tử và công nghệ số ngày càng lan rộng".

Ngay từ năm 2024, Hội LHPN xã Mỹ Châu đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn liền với chủ đề "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội". Hội tạo lập và duy trì hoạt động các trang Fanpage, nhóm Facebook, Zalo, giúp cập nhật thông tin đa dạng và tương tác trực tiếp với hội viên. Qua các nền tảng này, hội viên không chỉ tiếp nhận tin tức mà còn tham gia các cuộc thi trực tuyến, các buổi tọa đàm, lớp học trực tuyến về kỹ năng mềm, chăm sóc sức khỏe, kiến thức pháp luật và kỹ năng kinh doanh.

Ứng dụng công nghệ thông tin - "Chìa khóa" phát triển toàn diện cho phụ nữ xã Mỹ Châu- Ảnh 1.

Hội LHPN xã Mỹ Châu giúp mọi phụ nữ dù tuổi cao hay điều kiện khó khăn cũng được tiếp cận nguồn thông tin, nâng cao kiến thức và kỹ năng

Một điểm sáng đáng ghi nhận là sự chủ động và sáng tạo của Hội trong việc vượt qua những rào cản kỹ thuật, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ lớn tuổi hoặc ít sử dụng thiết bị thông minh. Theo chị Huệ, "nhiều chị em ở các thôn vùng sâu vùng xa chưa quen với smartphone, mạng Internet hoặc còn e ngại công nghệ. Vì vậy, Hội phối hợp với con cháu, hội viên trẻ tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng điện thoại, Facebook, Zalo, đồng thời in ấn tài liệu minh họa rõ ràng, dễ hiểu để phát miễn phí". Sự hỗ trợ tận tình này giúp thu hẹp khoảng cách số, giúp mọi phụ nữ dù tuổi cao hay điều kiện khó khăn cũng được tiếp cận nguồn thông tin, nâng cao kiến thức và kỹ năng.

Ứng dụng CNTT còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi kinh tế trong cộng đồng phụ nữ Mỹ Châu. Chị Huyền My, hội viên thôn Vạn An, là minh chứng sống động cho hiệu quả chuyển đổi này. Từ một người buôn bán truyền thống nhỏ lẻ, chị mạnh dạn sử dụng Facebook để livestream bán hàng quần áo. "Thu nhập của tôi tăng gấp 10 lần, cuộc sống gia đình cải thiện rõ rệt. CNTT giúp tôi mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng đa dạng hơn, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi", chị Huyền My chia sẻ. Câu chuyện của chị không chỉ là thành công cá nhân mà còn khẳng định CNTT chính là cầu nối mở rộng cơ hội khởi nghiệp và phát triển kinh tế cho hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, CNTT còn giúp phụ nữ xã Mỹ Châu nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng giao tiếp và chăm sóc sức khỏe. Hội chủ động tổ chức các lớp học trực tuyến, phổ biến nội dung dưới dạng video, bài giảng sinh động, phù hợp với mọi trình độ. Qua đó, phụ nữ không chỉ có thêm kiến thức mà còn tự tin hòa nhập, phát huy vai trò tích cực trong gia đình và xã hội.

Chị Lê Thị Kim Huệ nhấn mạnh: "Năm 2025, Hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò của CNTT như một công cụ đắc lực để xây dựng phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", đồng thời tăng cường hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực". Hội cũng đang phối hợp với các ban ngành liên quan nhằm phát triển cơ sở vật chất, nâng cấp hạ tầng CNTT, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong sinh hoạt Hội và đời sống hàng ngày.

Những kết quả khả quan trong ứng dụng CNTT tại xã Mỹ Châu đã minh chứng rằng, công nghệ không còn là rào cản mà là công cụ hữu hiệu giúp phụ nữ ở các vùng quê vươn lên, đổi thay từng ngày. Từ việc tiếp cận thông tin, phát triển kỹ năng đến việc làm kinh tế, CNTT mở ra cánh cửa rộng lớn, thúc đẩy phát triển toàn diện, góp phần xây dựng cộng đồng phụ nữ năng động, tự tin, hội nhập sâu rộng với thời đại số.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm