Ứng dụng giải bài tập cho học sinh - “Con dao hai lưỡi”

Mai Vàng
24/05/2022 - 09:48
Ứng dụng giải bài tập cho học sinh - “Con dao hai lưỡi”
Thời gian qua, nhiều ứng dụng giải bài tập trên điện thoại di động được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và được nhiều học sinh sử dụng. Tình trạng này khiến cả giáo viên và phụ huynh lo ngại.
Lười đi vì ứng dụng

Phạm Duy, học sinh lớp 8 của một trường THCS trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội), cho biết, em biết đến các ứng dụng giải bài tập từ khi phải học trực tuyến và tiếp xúc nhiều với điện thoại thông minh. Các ứng dụng hỗ trợ giải bài tập của nhiều môn như Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh nhưng phổ biến nhất vẫn là Toán. 

"Chỉ cần chụp lại đề bài, đợi ứng dụng quét sau vài giây là đáp án hiện trên màn hình", Duy miêu tả về ứng dụng. Nếu đề bài đó từng có người hỏi, lời giải sẽ có sẵn. Còn với những bài chưa có người hỏi, Duy sẽ phải đăng bài theo dạng "tìm người giải giúp". Nếu có người nào đó chấp nhận, cậu sẽ có đáp án nhưng đánh đổi bằng điểm thưởng. "Nói chung, em ít khi gặp phải trường hợp bài chưa có người hỏi trước đó vì về cơ bản, các thầy cô cũng cho bài theo bộ đề đã có sẵn", Duy chia sẻ.

Theo Phạm Duy, lớp của em, bạn nào có điện thoại thông minh đều sử dụng những ứng dụng giải bài tập tương tự như thế này. Bản thân Duy cũng thấy rằng, việc sử dụng các ứng dụng giải bài tập như "con dao hai lưỡi" với các em. "Lúc đầu, em chỉ sử dụng ứng dụng khi không làm được bài. Em coi ứng dụng như là sách tham khảo nhưng dần dần, em bị… lười đi, dùng ứng dụng nhiều hơn, để làm bài tập nhanh hơn", Duy cho biết.

"Nhược điểm của các ứng dụng này là 1 bài nhưng có nhiều cách giải khác nhau do được cung cấp từ các bạn học sinh, anh chị sinh viên, giáo viên... Vì vậy, nhiều bài có thể bị giải sai. Việc của mình là phải lựa chọn xem cách giải nào là đúng", Kim Nhung, nữ sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), chia sẻ. Nhung cho biết, em đang cài 5 ứng dụng giải bài tập trong điện thoại của mình để… phòng ứng dụng này không giải được thì chuyển qua ứng dụng khác.

Một điểm yếu của các ứng dụng giải bài tập, theo người sử dụng, nhiều khi ứng dụng không quét được hết đề bài, dẫn đến nhiều bài giải sai. Trên các kho Play Store và App Store, ứng dụng hỗ trợ giải bài tập nở rộ trong năm qua. Giữa tháng 4 vừa qua, ứng dụng Solvee với lời giới thiệu "giải bài tập trong năm giây" đã nằm trong top ứng dụng được tải nhiều trên Android. Ngoài ra, các ứng dụng khác như: Qanda, Dicamon, Gauthmath cũng trở nên phổ biến. Trong hạng mục "Giáo dục" của Play Store, có 5/10 ứng dụng được tải về nhiều nhất là các công cụ hỗ trợ giải bài tập cho học sinh. Trên App Store dành cho iPhone, con số này là 4/10.

Ứng dụng giải bài tập cho học sinh - “Con dao hai lưỡi” - Ảnh 1.

Một điểm yếu của các ứng dụng giải bài tập, theo người sử dụng, nhiều khi ứng dụng không quét được hết đề bài, dẫn đến nhiều bài giải sai.

Cô Trần Song Hà, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội, cho hay, cách đây 1 năm rưỡi, cô bất ngờ khi thấy một học sinh của mình có học lực trung bình nhưng lại giải được bài toán tương đối khó. Thoạt đầu, cô mừng khi thấy học sinh của mình có nhiều tiến bộ. "Nhưng thật buồn khi tôi gọi em đó lên trình bày cách giải bài Toán cho cả lớp nghe thì em ấy lúng túng. Ngoài việc đọc lời giải đã ghi chép ra, em ấy tỏ ra không hiểu vấn đề. Và tôi bắt đầu phát hiện ra sự có mặt của những ứng dụng giải bài tập này", cô Song Hà chia sẻ.

Chị Thanh Loan, một phụ huynh học sinh ở Ba Đình (Hà Nội) mới đây cũng tịch thu điện thoại của con vì phát hiện con mình thường xuyên dùng các ứng dụng giải bài tập. Chị Loan cho hay, chị đang đau đầu vì cô con gái phản ứng mạnh mẽ, nói rằng mẹ không tôn trọng cuộc sống cá nhân của con, dọa sẽ bỏ học nếu mẹ không trả lại điện thoại thông minh.

"Cần rà soát và giới hạn khả năng hoạt động của các ứng dụng"

Theo cô Song Hà, phần mềm giải bài tập không xấu nếu học sinh dùng đúng cách. Nếu học sinh coi những ứng dụng này như một cuốn sách hướng dẫn giải thì không sao, nó có thể hỗ trợ, hướng dẫn cho các em khi cần thiết. Tuy nhiên, hệ luỵ của nó là người sử dụng dễ lười tư duy, chỉ nhanh chóng chép lời giải cho xong việc làm bài tập. Lâu dần, các em sẽ trở nên mất gốc kiến thức.

Ông Lê Phú Cường, Giám đốc Công ty công nghệ FTI tại Hà Nội, nhận định, các phần mềm hỗ trợ giải bài tập thực ra là một ý tưởng hay, trong bối cảnh cần đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục. Tuy nhiên, các phần mềm này cần có biện pháp giới hạn để học sinh sử dụng đúng cách. 

"Mới đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khóa một loạt ứng dụng giải bài tập trước lo ngại chúng làm thui chột khả năng tư duy của học sinh. Tại Việt Nam, tôi cho rằng, gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng cần có những biện pháp kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng ứng dụng. Các thầy cô thay vì giao bài trong các bộ đề cho học sinh thì có thể thay đổi phương pháp học tập mang tính sáng tạo, thúc đẩy và phát triển năng lực thực hành của các em. Phụ huynh thay vì cấm đoán con em thì nên phân tích những ưu, nhược điểm khi sử dụng phần mềm. Cơ quan chức năng cần rà soát và giới hạn lại khả năng hoạt động của các ứng dụng nói trên", ông Lê Phú Cường nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm