Chia sẻ tại hội thảo khoa học Genetica® Talk với chủ đề “Sự kết hợp của giải mã gene và trí tuệ nhân tạo - phương thức đột phá chăm sóc sức khoẻ Việt” vừa diễn ra tại Tp.HCM, giáo sư Roy Perlis đến từ trung tâm nghiên cứu gene của Đại học Y Khoa Harvard đã cho biết những thách thức và lợi ích của việc ứng dụng di truyền trong cải thiện, chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân.
Là một bác sĩ có bề dày kinh nghiệm trong việc điều trị tại Đại học Y Khoa Harvard, giáo sư Roy Perlis cho biết có rất nhiều căn bệnh nguy hiểm là bệnh di truyền, ví dụ như: tự kỷ, tiểu đường loại II, ung thư vú,… Vì thế, việc ứng dụng giải mã gene vào điều trị bệnh sẽ giúp chúng ta có phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Tuy nhiên có một thách thức trong việc ứng dụng giải mã gene vào chăm sóc sức khoẻ, ở thời điểm hiện tại, trong ngân hàng gene thế giới chưa có nhiều dữ liệu gene của người châu Á, do đó nhiều mô hình điều trị mô phỏng dành cho người châu Á vẫn chưa có độ chính xác nhất định. Thêm vào đó, những rủi ro bệnh phát sinh từ những biến dị trong gene của người châu Á vẫn chưa được khám phá.
Trong khi đó, là một nhà khoa học chuyên ngành máy tính và cũng dành nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực y học và chăm sóc sức khoẻ, giáo sư Gill Bejerano (Hoa Kỳ) nhận định việc chẩn đoán di truyền là vô cùng quan trọng, điều này tạo ra hy vọng bước đầu về một phương pháp điều trị sử dụng thông tin gene của bệnh nhân, và liệu pháp điều trị bằng gene sẽ trở thành xu hướng chăm sóc sức khoẻ trong tương lai. Giáo sư Gill Bejerano đã chia sẻ về Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải mã gene và hiệu quả vượt bậc của chúng cho việc chăm sóc sức khỏe.
Hội thảo Genetica® Talk lần đầu tiên mang thông điệp mạnh mẽ, đó là: “Chúng ta không những cần chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe mà còn phải chính xác cho từng người, từng cá nhân và giải mã gene không chỉ là một dịch vụ mà chính là điểm đến phục vụ dữ liệu nghiên cứu cho sự phát triển vượt bậc của y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thể chất, dinh dưỡng…trong tương lai gần.”