Ngày 28/6, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã khai mạc Hội nghị lần thứ với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày - thực quản” do Hội Phẫu thuật Tiêu hóa trên Đông Nam Á tổ chức.
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, có hơn 70 bài báo cáo được trình bày bởi các chuyên gia đến từ hơn 10 nước trong khu vực và trên thế giới. Nội dung hội nghị bao gồm các phiên thảo luận về điều trị ung thư thực quản; phẫu thuật và hóa trị điều trị ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển; điều trị ung thư giai đoạn sớm và ung thư chỗ nối dạ dày - thực quản…
Theo số liệu được Tổ chức Ung thư toàn cầu thống kê, có hơn 300 người Việt Nam tử vong mỗi ngày vì ung thư. Trong số đó, tỉ lệ bệnh ung thư dạ dày xếp thứ 3 trong số các bệnh ung thư phố biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh ung thư dạ dày khi đến bệnh viện điều trị đều ở giai đoạn muộn, mất cơ hội điều trị trong thời gian vàng.
Mỗi năm, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tiếp nhận khoảng 300 trường hợp ung thư dạ dày, trong số này khoảng 250 người bệnh được chỉ định mổ, 50 người còn lại không được phẫu thuật vì bệnh đã di căn. Số liệu thống kê của Khoa Ngoại Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vào năm 2015 cho thấy, tỉ lệ người bệnh ung thư dạ dày dưới 40 tuổi là 22% và tỉ lệ này tiếp tục tăng dần trong những năm gần đây.
TS.BS Võ Duy Long - Phó trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tiêu hóa trên Đông Nam Á - cho biết, nếu phát hiện ung thư vào giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần điều trị bằng phẫu thuật mà không cần hóa trị. Vì vậy, bệnh sẽ được điều trị dứt điểm ngay từ khi khởi phát, tỉ lệ khỏi bệnh trên 90% sau 5 năm, đồng thời giảm tỉ lệ tái phát, tiết kiệm chi phí và người bệnh có thể quay lại cuộc sống bình thường rất nhanh.
Ung thư dạ dày ở giai đoạn tiến triển là ung thư ở giai đoạn thứ 2 trở về sau. Ở giai đoạn này, ung thư bắt đầu xâm lấn cơ quan khác, di căn hạch, di căn xa nên khả năng điều trị triệt để rất khó, bệnh dễ dàng tái phát sau điều trị.
Tuy nhiên, với sự phát triển của y khoa, người bệnh mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn vẫn còn cơ hội điều trị nhờ vào phác đồ điều trị tiên tiến trên thế giới. Theo bác sĩ Long, tuỳ theo thể trạng và giai đoạn của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phù hợp với người bệnh như phẫu thuật trước rồi hoá trị, hoá trị trước rồi phẫu thuật hoặc hoá trị giai đoạn muộn, dùng thuốc nhắm trúng đích (sinh học phân tử trong điều trị).
Khoa Ngoại Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang áp dụng 2 phương pháp là cắt bán phần trên dạ dày (đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 trên dạ dày) và cắt gần toàn bộ dạ dày (đối với khối u nằm ở vị trí 1/3 giữa dạ dày). Đây là 2 phương pháp không cần cắt bỏ toàn bộ dạ dày của người bệnh nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc điều trị ung thư và có thể áp dụng điều trị cho cả những người bệnh ở giai đoạn tiến triển nhưng chưa di căn.
Tầm soát định kỳ để phát hiện bệnh sớm
Người mắc ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường có những triệu chứng bình thường như đau bụng, chán ăn, có máu trong phân, có các triệu chứng về bệnh liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày... Chính vì triệu chứng không rõ ràng, người dân thường bỏ qua việc khám tầm soát ung thư làm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội điều trị.
Hiện nay, khoa học chưa biết nguyên nhân rõ ràng của ung thư dạ dày nhưng các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đã được đề cập nhiều như thói quen ăn nhiều muối, ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì, người bệnh bị nhiễm virus HP kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác thì tỉ lệ mắc ung thư dạ dày sẽ cao. Đối tượng bị mắc bệnh dạ dày như loét, viêm dạ dày mãn tính, đã từng phẫu thuật dạ dày, polyp dạ dày, có các yếu tố di truyền, nhóm máu A thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người bình thường.
Bác sĩ Long khuyến cáo, nếu cơ thể có dấu hiệu đau bụng, ăn không tiêu, đầy bụng trên 2 tuần, tiểu sử gia đình đã có người bị ung thư hoặc người bệnh bị nhiễm virus HP thì nên người dân đi tầm soát ung thư dạ dày.
Hiện nay, phương pháp tầm soát ung thư dạ dày tốt nhất là nội soi dạ dày. Nếu người bệnh phát hiện dấu hiệu ung thư càng sớm, cơ hội khỏi bệnh sẽ càng cao. Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý điều trị bằng các phương thuốc gia truyền, không rõ nguồn gốc, đồng thời ăn uống đủ dinh dưỡng và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả cao.