pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ung thư ruột giai đoạn đầu thường có 3 tín hiệu dễ nhầm lẫn
Trong điều trị các bệnh ung thư, việc phát hiện triệu chứng bệnh sớm là rất quan trọng. Bởi bệnh khi được điều trị càng sớm thì tỉ lệ chữa khỏi càng cao.
Với ung thư ruột, bệnh nhân thường nhầm lẫn triệu chứng với bệnh trĩ, bởi chúng đều có dấu hiệu tương tự là có máu trong phân. Cuối cùng khiến ung thư ngày càng di căn mạnh hơn, đến lúc phát hiện bệnh thì đã quá trễ để điều trị.
Theo bác sĩ Lu Jinli, ung thư ruột giai đoạn sớm thường phát ra 3 tín hiệu dễ nhầm lẫn dưới đây.
1. Tình trạng phân bất thường
Ở người khỏe mạnh, phân thường mềm, màu nâu sẫm, hình dạng thon dài, thường không có hoặc chỉ có mùi nhẹ.
Ung thư ruột xuất hiện sẽ thay đổi thói quen đại tiện của chúng ta vì khối u gây ra một loạt thay đổi trong ruột.
Ví dụ, khối u nó có thể chặn khoang ruột và cản trở quá trình bài tiết phân bình thường, dẫn đến táo bón hoặc phân lỏng. Đồng thời, các tế bào ung thư rất dễ lây lan, khi phát triển có thể lan rộng ra bên ngoài, chèn ép thành ruột và các mô xung quanh khiến nhu động ruột suy yếu, đại tiện khó khăn.
Bệnh trĩ và ung thư ruột tuy có nhiều dấu hiệu giống nhau và dễ nhầm lẫn, tuy nhiên chúng vẫn có sự khác biệt. Đầu tiên, bệnh nhân trĩ thường chỉ có cảm giác sưng và đau ở hậu môn. Còn bệnh nhân ung thư ruột lại có những thay đổi rõ ràng trong thói quen đi đại tiện như: tăng số lượng phân, nhu động ruột làm việc liên tục, táo bón và tiêu chảy xảy ra xen kẽ…
2. Khó chịu ở bụng
Khi khối u đường ruột phát triển sẽ chặn đường di chuyển của phân và gây khó chịu ở vùng bụng. Đồng thời, các tế bào ung thư cũng có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến chức năng đường tiêu hóa bất thường và giảm khả năng tiêu hóa, gây khó chịu như đầy hơi và tiêu chảy.
Triệu chứng khó chịu ở bụng sau khi ăn sẽ nghiêm trọng hơn do thức ăn kích thích, thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa.
3. Giảm cân
Khi ung thư ruột kết xảy ra, các tế bào ung thư bắt đầu tiêu thụ các chất dinh dưỡng trong cơ thể, khiến cơ thể đuối sức.
Ngoài ra, ung thư đường ruột còn có thể gây tắc nghẽn đường ruột khiến thức ăn không đi qua đường ruột thuận lợi, từ đó ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu. Tất cả những yếu tố này đều có thể dẫn đến việc cơ thể suy kiệt và sút cân.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến ung thư ruột
1. Thói quen ăn nhiều thịt
Thói quen ăn uống không tốt có thể phá hủy hệ vi sinh vật trong đường ruột, làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Từ đó ảnh hưởng đến chức năng của hàng rào niêm mạc ruột.
Nhiều người thích ăn thịt nhưng nếu ăn nhiều thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn… trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Bởi trong thịt đỏ có chứa các chất như mỡ, cholesterol, sắt… Nếu ăn quá nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, gây táo bón, lâu dài có thể gây ung thư đường ruột.
Để tránh ung thư phát triển, ăn nhiều trái cây và rau và ngũ cốc có chứa chất xơ sẽ giúp duy trì đường ruột trơn tru. Ngoài ra cần hạn chế ăn thịt chế biến như xúc xích hoặc thịt hun khói.
Bên cạnh đó, việc uống trà cũng sẽ giúp tránh táo bón, có lợi cho sức khỏe đường ruột. Một số loại trà thảo dược còn giúp cơ thể giải độc, thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, kiểm soát cân nặng hiệu quả.
2. Ít vận động trong thời gian dài
Lười vận động sẽ làm suy yếu nhu động ruột đường tiêu hóa, kéo dài thời gian tích tụ chất thải trong ruột, gây kích thích thành ruột và niêm mạc ruột. Ngoài ra, nó còn làm giảm khả năng miễn dịch, giảm chức năng thần kinh nội tạng. Kết quả là dẫn đến mất cân bằng điều hòa đường tiêu hóa, làm chậm nhu động của thành ruột và gây hại cho sức khỏe đường ruột.
Để tránh bị ung thư đường ruột tấn công, mọi người cần vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày như đi bộ, chạy bộ sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa hoạt động. Đồng thời, mỗi người cũng ý thức được rằng hút thuốc, uống rượu sẽ thúc đẩy thế bào ung thư ruột kết di chuyển đến gan.