Ung thư trực tràng là gì? Những điều cần biết về bệnh

Anh Dũng
08/09/2021 - 07:32
Ung thư trực tràng là gì? Những điều cần biết về bệnh
Ung thư trực tràng là một căn bệnh ác tính xảy ra trong niêm mạc của trực tràng. Bệnh có khả năng chữa khỏi cao nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu và có phương pháp điều trị thích hợp.

1. Ung thư trực tràng là gì?

Trực tràng là một phần của hệ thống tiêu hóa của cơ thể. Nó là phần cuối cùng của đại tràng, tiếp giáp với hậu môn và có hình dạng là một ống thẳng đứng dài 15cm. Trên thực tế hiện nay, số bệnh nhân mắc các bệnh về trực tràng ngày một gia tăng, trong số đó có rất nhiều trường hợp bệnh nhân mắc ung thư trực tràng.

Ung thư trực tràng là một căn bệnh mà các tế bào ác tính hình thành trong các mô của trực tràng. Bệnh bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh trong trực tràng có sự thay đổi (đột biến) trong cấu trúc ADN. Những thay đổi này khiến cho tế bào phát triển một cách không kiểm soát, chúng tích tụ lại và tạo thành khối u.

Theo thời gian, các tế bào ung thư có thể phát triển, xâm lấn và phá hủy các mô khỏe mạnh lân cận. Chúng cũng có thể vỡ ra và di chuyển đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Ung thư trực tràng cũng có thể xảy ra khi các khối polyp hình thành phía bên trong của trực tràng chuyển sang ác tính.

Tổng quan về bệnh ung thư trực tràng - Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị - Ảnh 2.

Trực tràng (Rectum) là phần cuối cùng của đại tràng, tiếp giáp với hậu môn (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác hiện tượng đột biến trong tế bào gây ra ung thư trực tràng. Tuy nhiên, vẫn có một số những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh. Những yếu tố này cũng tương tự như đối với các ung thư đại trực tràng, bao gồm:

- Những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư trực tràng cao hơn những người trẻ. hầu hết những người mắc bệnh ung thư này đều trên 50 tuổi.

- Tiền sử cá nhân đã bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp. Nguy cơ mắc ung thư trực tràng sẽ cao hơn nếu đã bị ung thư trực tràng, ung thư ruột kết hoặc polyp trực tràng.

- Người mắc các bệnh viêm ruột, viêm đại tràng hoặc trực tràng mãn tính như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.

- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng hoặc các hội chứng di truyền như hội chứng FAP và Lynch.

- Người mắc bệnh tiểu đường type 2 không được điều trị đúng cách.

- Chế độ ăn uống không hợp lý. Người có chế độ ăn ít rau và nhiều thịt đỏ, đặc biệt là thịt bị cháy hoặc nấu quá kỹ cũng có khả năng mắc bệnh ung thư trực tràng.

- Người thường xuyên uống rượu hay các loại đồ uống có cồn có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

- Người từng áp dụng xạ trị hướng vào vùng bụng để điều trị các bệnh ung thư trước đó.

3. Triệu chứng của ung thư trực tràng

Rất nhiều bệnh nhân ung thư trực tràng không gặp các triệu chứng bất thường nào trong giai đoạn đầu và chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi bệnh tiến triển, có thể thấy các triệu chứng bao gồm thay đổi nhu động ruột, chảy máu trực tràng, phân mỏng như dải băng. Tuy nhiên vẫn có một số triệu chứng phổ biến nhất mà bệnh nhân có thể nhận ra như:

- Thay đổi thói quen đại tiện, có thể là táo bón hoặc tiêu chảy. Khi đi đại tiện, phân sẽ có hình dạng hẹp hoặc có máu (màu đỏ tươi hoặc đỏ rất sẫm) trong phân.

- Cảm giác khó chịu ở bụng, thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng hoặc chuột rút cơ bụng,

- Bệnh nhân có thể đau vùng xương chậu hoặc bụng dưới, sụt cân không rõ nguyên nhân.

- Thay đổi cảm giác thèm ăn, cơ thể rất mệt mỏi.

- Cảm giác ruột không sạch hoàn toàn.

Tổng quan về bệnh ung thư trực tràng - Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị - Ảnh 3.

Bệnh nhân có thể đau vùng xương chậu hoặc bụng dưới khi bị ung thư trực tràng (Ảnh: Internet)

Ở các giai đoạn nặng hơn, ung thư di căn hoặc lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bệnh nhân sẽ cảm thấy các triệu chứng khác nhau tùy theo vị trí di căn. Một số triệu chứng của ung thư trực tràng di căn có thể xuất hiện như:

- Ho dai dẳng, khó thở và người mệt mỏi.

- Mất cảm giác thèm ăn, ăn không ngon, vàng da.

- Có thay đổi trong thị giác hoặc giọng nói.

- Đau xương, bàn tay và bàn chân sưng phù.

4. Các loại ung thư trực tràng

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh ung thư trực tràng, khoảng 95% số bệnh nhân là ung thư biểu mô tuyến. Đây là một loại ung thư mà bắt đầu thường là một khối u, polyp được tìm thấy phát triển trong niêm mạc trực tràng. Nếu được phát hiện sớm, những polyp này có thể loại bỏ được bằng phương pháp mổ nội soi.

Các loại ung thư trực tràng khác bao gồm:

- Khối u mô đệm đường tiêu hóa - có tên tiếng Anh là Gastrointestinal Stromal Tumor (GIST). Đây là một loại sarcoma - ung thư của các mô liên kết và xương.

- Khối u carcinoid. Đây là một thể ung thư bất thường và tiến triển chậm. Các u carcinoid có nhiều đặc điểm khác với những loại ung thư thông thường, ít khi có triệu chứng trừ khi ở giai đoạn muộn.

- Lymphoma - Ung thư hạch bạch huyết. ung thư bắt đầu từ hệ thống hạch bạch huyết được gọi là các u lympho.

5. Các giai đoạn bệnh

Ung thư trực tràng được mô tả trải qua 5 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn 0, giai đoạn I, giai đoạn II, giai đoạn III, giai đoạn IV.

5.1. Giai đoạn 0

Giai đoạn đầu tiên của ung thư trực tràng được gọi là giai đoạn 0, lúc này các tế bào bất thường được tìm thấy trong niêm mạc (lớp trong cùng) của thành trực tràng. Các tế bào bất thường này có thể trở thành ung thư và lây lan sang các mô bình thường lân cận. Giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.

5.2. Giai đoạn I

Ở giai đoạn này, ung thư bắt đầu tiến triển. Các khối u ác tính hình thành ở niêm mạc (lớp trong cùng) của thành trực tràng và lan đến lớp dưới niêm mạc (lớp mô bên cạnh niêm mạc) hoặc đến lớp cơ của thành trực tràng.

Các khối u ác tính hình ở niêm mạc của thành trực tràng và lan đến lớp dưới niêm mạc (Ảnh: Internet)

Các khối u ác tính hình ở niêm mạc của thành trực tràng và lan đến lớp dưới niêm mạc (Ảnh: Internet)

5.3. Giai đoạn II

Ung thư trực tràng giai đoạn II được chia thành các giai đoạn II - A, II - B và II - C.

- Giai đoạn II - A: Ung thư lan qua lớp cơ của thành trực tràng đến lớp thanh mạc (lớp ngoài cùng) của thành trực tràng.

- Giai đoạn II - B: Ung thư lan rộng qua lớp thanh mạc (lớp ngoài cùng) của thành trực tràng đến mô lót các cơ quan trong ổ bụng (phúc mạc nội tạng).

- Giai đoạn II - C: Ung thư đã lan rộng qua lớp thanh mạc (lớp ngoài cùng) của thành trực tràng đến các cơ quan lân cận.

5.4. Giai đoạn III

Tương tự như giai đoạn II, ung thư trực tràng ở giai đoạn III cũng được chia thành ba giai đoạn là III - A, III - B, III - C:

- Với giai đoạn III - A, ung thư đã lan rộng qua niêm mạc (lớp trong cùng) đến lớp dưới niêm mạc (lớp mô bên cạnh niêm mạc) hoặc đến lớp cơ của thành trực tràng. Lúc này, tế bào ác tính đã lan từ một đến ba hạch bạch huyết gần đó hoặc tế bào ung thư đã hình thành trong mô gần hạch bạch huyết. Đôi khi, ung thư có thể lan qua lớp niêm mạc của thành trực tràng đến lớp dưới niêm mạc và khối u ác tính đã lan từ bốn đến sáu hạch bạch huyết xung quanh.

- Trong giai đoạn III - B, các tế bào ung thư đã lan rộng xuyên qua lớp cơ của thành trực tràng đến lớp thanh mạc (lớp ngoài cùng) hoặc đã lan qua lớp thanh mạc đến mô lót các cơ quan trong ổ bụng (phúc mạc nội tạng). Từ một đến ba hạch bạch huyết xung quanh hoặc trong các mô gần hạch bạch huyết đã bị xâm lấn bởi ung thư.

Đôi khi, các tế bào ung thư ở giai đoạn này có thể lan đến lớp cơ hoặc đến lớp thanh mạc của thành trực tràng. Tế bào ác tính xâm lấn từ bốn đến sáu hạch bạch huyết gần đó. Một số trường hợp bệnh nhân, tế bào ung thư thậm chí di chuyển qua niêm mạc của thành trực tràng đến lớp dưới niêm mạc hoặc đến lớp cơ của thành trực tràng. Những khối u ung thư có thể di căn từ bảy đến nhiều hạch bạch huyết lân cận.

- Ở giai đoạn III - C, ung thư lan từ thanh mạc đến mô lót các cơ quan trong ổ bụng, di căn từ 4 đến 6 hạch bạch huyết gần đó. Tại giai đoạn này, tế bào ung thư cũng có thể xuyên qua lớp cơ đến lớp thanh mạc của thành trực tràng hoặc đã lan qua lớp thanh mạc đến mô lót các cơ quan trong ổ bụng. Khối u ác tính di căn trên 7 hạch bạch huyết.

Một số trường hợp ở giai đoạn III - C, tế bào ung thư xuyên qua lớp thanh mạc của thành trực tràng đến các cơ quan lân cận. Ung thư đã di căn đến một hoặc nhiều hạch bạch huyết lân cận hoặc tế bào ung thư đã hình thành trong mô gần hạch bạch huyết.

5.5. Giai đoạn IV

Giai đoạn IV của ung thư trực tràng cũng được chia thành 3 giai đoạn nhỏ hơn là A, B và C. Trong đó:

- Giai đoạn IV - A, ung thư đã di căn đến một cơ quan không gần trực tràng như gan, phổi, buồng trứng hoặc một hạch bạch huyết ở xa.

- Giai đoạn IV - B, ung thư di căn nhiều hơn 1 cơ quan khác không gần trực tràng.

- Giai đoạn IV - C, ung thư đã lan đến mô lót thành bụng và có thể di căn sang các khu vực hoặc cơ quan khác xa hơn trong toàn cơ thể.

6. Chẩn đoán ung thư trực tràng

Chẩn đoán ung thư trực tràng sẽ bao gồm chẩn đoán để xác định ung thư và chẩn đoán xem mức độ lây lan của ung thư như thế nào.

6.1. Chẩn đoán xác định ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng có thể được phát hiện trong quá trình xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng. Hoặc các bác sĩ có thể nghi ngờ dựa trên những triệu chứng mà bệnh nhân đưa ra. Các xét nghiệm và thủ tục được sử dụng để xác định chẩn đoán bao gồm:

- Nội soi đại tràng: Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng ống soi để kiểm tra bên trong ruột kết và trực tràng. Ống soi dài, linh hoạt gắn với máy quay video và màn hình để có thể xem trực tiếp hình ảnh ruột kết và trực tràng của bệnh nhân. Nếu phát hiện ung thư trực tràng, bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra ruột kết để chẩn đoán chính xác khu vực đang mắc ung thư.

Tổng quan về bệnh ung thư trực tràng - Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị - Ảnh 5.

Nội soi có thể giúp phát hiện ung thư trực tràng (Ảnh: Internet)


- Sinh thiết. Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ phẫu thuật qua ống soi ruột kết để lấy mẫu mô (sinh thiết) nhằm phân tích và loại bỏ khối polyp. Mẫu mô này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để được kiểm tra.

Các xét nghiệm có thể xác định xem tế bào có phải là ác tính hay không và loại ung thư mà bệnh nhân đang mắc phải. Các bác sĩ cũng sẽ sử dụng thông tin này để hiểu tiên lượng của bệnh nhân và xác định các lựa chọn điều trị.

6.2. Chẩn đoán mức độ di căn của ung thư trực tràng

Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trực tràng, bước tiếp theo là xác định mức độ (giai đoạn) của bệnh ung thư. Việc nắm rõ bệnh nhân đang ở giai đoạn nào sẽ giúp xác định tiên lượng và các lựa chọn điều trị.

- Xét nghiệm công thức máu (Complete blood count- CBC). Xét nghiệm này sẽ cho thấy số lượng các loại tế bào khác nhau trong máu. Từ đó có thể biết liệu số lượng tế bào hồng cầu có thấp (thiếu máu) hay không. Nếu có thì có thể có một khối u đang gây mất máu trong cơ thể. Ngoài ra, nếu lượng bạch cầu tăng cao là dấu hiệu của nhiễm trùng, đây là nguy cơ nếu một khối u phát triển xuyên qua thành của trực tràng.

- Xét nghiệm hóa sinh máu để đo chức năng cơ quan. Loại xét nghiệm này sẽ đo các chất hóa học khác nhau trong máu. Mức độ bất thường của một số hóa chất có thể cho thấy ung thư đã di căn đến gan. Một số hóa chất bất thường có thể cho thấy các vấn đề với các cơ quan khác, chẳng hạn như thận.

- Kháng nguyên carcinoembryonic (CEA). Ung thư đôi khi tạo ra các chất được gọi là chất chỉ điểm khối u, những chất này có thể được phát hiện trong máu. Kháng nguyên carcinoembryonic (CEA) là một chất như vậy. Chất này có thể cao hơn bình thường ở những người bị ung thư đại trực tràng. Xét nghiệm CEA cũng đặc biệt hữu ích trong việc theo dõi phản ứng của bệnh nhân với phương pháp điều trị.

- Chụp CT lồng ngực. Xét nghiệm hình ảnh này giúp xác định liệu ung thư trực tràng có di căn đến các cơ quan như gan và phổi hay không.

- MRI khung chậu. Chụp MRI vùng xương chậu sẽ cho thấy hình ảnh chi tiết của các cơ, cơ quan và các mô khác xung quanh khối u trong trực tràng. Chụp MRI cũng cho thấy các hạch bạch huyết gần và các lớp mô khác nhau trong thành trực tràng.

7. Phương pháp điều trị

Điều trị ung thư trực tràng thường bao gồm sự kết hợp của nhiều liệu pháp. Phẫu thuật được sử dụng để cắt bỏ các tế bào ung thư, các phương pháp điều trị khác sẽ được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ ung thư tái phát.

Nếu bác sĩ cho rằng việc phẫu thuật không phù hợp do nó có thể làm tổn thương các cơ quan và cấu trúc lân cận, phương pháp kết hợp hóa trị và xạ trị để điều trị ban đầu. Cách kết hợp các phương pháp này có thể thu nhỏ khối u và bác sĩ có thể loại bỏ dễ dàng hơn trong quá trình phẫu thuật.

7.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được chỉ định để loại bỏ các tế bào ung thư. Phương pháp phẫu thuật như thế nào là tốt nhất còn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, vị trí và giai đoạn của bệnh, mức độ xâm lấn của tế bào ung thư,...

Trong đó:

- Phương pháp phẫu thuật loại bỏ các khối u ác tính bên trong trực tràng bằng phương pháp nội soi. Phương pháp này sẽ được chỉ định nếu khối u nhỏ và không có khả năng di căn đến các hạch bạch huyết lân cận.

- Cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần trực tràng. Nếu ung thư trực tràng lớn hơn và nằm đủ xa ống hậu môn, bác sĩ có thể chỉ định loại bỏ toàn bộ hoặc một phần trực tràng. Mô và các hạch bạch huyết gần đó cũng được loại bỏ. Thủ thuật này sẽ bảo tồn hậu môn để chất thải có thể ra khỏi cơ thể bình thường.

Tổng quan về bệnh ung thư trực tràng - Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị - Ảnh 6.

Phẫu thuật thường được chỉ định để loại bỏ các tế bào ung thư (Ảnh: Internet)

Tùy thuộc vào vị trí của ung thư, nếu ung thư ảnh hưởng đến phần trên của trực tràng, phần đó sẽ bị cắt bỏ và sau đó đại tràng được gắn với phần trực tràng còn lại (nối kết đại trực tràng). Nếu ung thư nằm ở phần dưới của trực tràng, tất cả trực tràng có thể được cắt bỏ, sau đó đại tràng được nối vào hậu môn (nối kết tràng).

- Cắt bỏ trực tràng và hậu môn. Đối với ung thư trực tràng nằm gần hậu môn, loại bỏ ung thư hoàn toàn mà không làm tổn thương các cơ kiểm soát nhu động ruột là rất khó.

Do vậy, bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ trực tràng, hậu môn và một số ruột kết, cũng như các mô và hạch bạch huyết lân cận. Bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ mở trong ổ bụng và gắn phần đại tràng còn lại vào (phẫu thuật cắt ruột kết). Chất thải ra khỏi cơ thể qua lỗ và tích tụ trong một túi gắn vào bụng của bệnh nhân.

7.2. Hóa trị liệu

Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Đối với ung thư trực tràng, hóa trị có thể được khuyến nghị sau khi phẫu thuật để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư còn sót lại. Hóa trị kết hợp với xạ trị cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối ung thư lớn giúp loại bỏ dễ dàng hơn.

Hóa trị cũng có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của ung thư trực tràng không thể loại bỏ bằng phẫu thuật hoặc đã di căn sang các vùng khác của cơ thể.

7.3. Xạ trị

Xạ trị sử dụng các nguồn năng lượng mạnh như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Ở những người bị ung thư trực tràng, xạ trị thường được kết hợp với hóa trị khiến các tế bào ung thư dễ bị tổn thương do bức xạ hơn. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng sau khi phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại hoặc được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối ung thư.

Lliệu pháp bức xạ có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng đau đớn của bệnh nhân ung thư trực tràng ở giai đoạn cuối.

7.4. Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu

Phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu tập trung vào các bất thường cụ thể hiện diện trong tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, các phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu có thể tiêu diệt các tế bào ung thư.

Thuốc nhắm mục tiêu thường được kết hợp với hóa trị liệu và dành riêng cho những người bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

7.5. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là điều trị bằng thuốc sử dụng hệ thống miễn dịch để chống lại ung thư. Hệ thống miễn dịch ở những người bệnh ung thư sẽ không tấn công các tế bào ác tính bởi vì tế bào ung thư này sản xuất các protein giúp chúng ẩn náu khỏi hệ thống miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình đó, giúp hệ thống nhận ra và tiêu diệt các tế bào này. Tuy nhiên, phương pháp trên chỉ thường được dành cho ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

8. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân ung thư trực tràng

Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh ung thư trực tràng cần ăn bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ, tăng cường rau xanh và hoa quả tươi. Cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.

Tổng quan về bệnh ung thư trực tràng - Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị - Ảnh 7.

Người bệnh ung thư trực tràng cần ăn bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ, tăng cường rau xanh (Ảnh: Internet)

Người nhà cũng nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày của bệnh nhân, tránh để người bệnh ăn nhiều một lúc. Bên cạnh đó, thức ăn cũng cần được chế biến dưới dạng mềm, lỏng như cháo hoặc súp và cần được nghỉ ngơi ngay sau khi ăn.

Đặc biệt, bệnh nhân ung thư trực tràng cần tránh các đồ ăn giàu chất béo, thực phẩm chế biến sẵn và tránh đồ uống có ga, chất kích thích. Tránh các đồ cay nóng (ớt, hạt tiêu,…) và các thực phẩm chua như dưa, cà muối...

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư trực tràng nên phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng và thay đổi thường xuyên để tăng cảm giác ngon miệng.

9. Phòng ngừa ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng có thể phòng ngừa được. Hầu như tất cả các bệnh ung thư trực tràng đều phát triển từ các polyp trực tràng - là những khối u lành tính trên thành trực tràng. Việc phát hiện và cắt bỏ các polyp này bằng phương pháp nội soi sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư trực tràng.

Thường xuyên đi khám sức khỏe định kì cũng giúp bác sĩ có thể đưa ra các khuyến nghị chính xác để tầm soát ung thư trực tràng dựa trên tiền sử bệnh tật và gia đình. Việc sàng lọc thường bắt đầu ở tuổi 45 ở những bệnh nhân có nguy cơ trung bình hoặc ở độ tuổi trẻ hơn ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư trực tràng cao hơn.

Mặc dù chưa được chứng minh chắc chắn, nhưng có một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng. Một chế độ ăn giàu chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, quả hạch) và ít chất béo có thể giúp ngăn ngừa bệnh.

10. Những câu hỏi thường gặp

Ung thư trực tràng có tái phát không?

Ung thư trực tràng có thể tái phát sau khi đã được điều trị. Ung thư có thể quay trở lại trực tràng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như ruột kết, xương chậu, gan hoặc phổi.

Phân biệt ung thư đại tràng và ung thư trực tràng như thế nào?

Ung thư trực tràng là ung thư bắt đầu ở trực tràng. Trực tràng là đoạn cuối cùng của ruột già. Nó bắt đầu ở cuối đoạn cuối cùng của đại tràng và kết thúc khi nó đến đoạn ngắn, hẹp dẫn đến hậu môn. Ung thư bên trong trực tràng (ung thư trực tràng) và ung thư bên trong ruột kết (ung thư đại tràng) thường được gọi chung là "ung thư đại trực tràng."

Tổng quan về bệnh ung thư trực tràng - Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị - Ảnh 8.

Trực tràng là phần phía dưới đại tràng (Ảnh: Internet)

Mặc dù ung thư trực tràng và đại tràng giống nhau về nhiều mặt, nhưng phương pháp điều trị của chúng lại khá khác nhau. Điều này chủ yếu là do trực tràng nằm trong một không gian chật hẹp, hầu như không bị tách biệt khỏi các cơ quan và cấu trúc khác. Không gian chật hẹp có thể khiến phẫu thuật cắt bỏ ung thư trực tràng trở nên phức tạp.

Trước đây, những người mắc bệnh ung thư trực tràng sống được lâu là không phổ biến, ngay cả khi đã điều trị rộng rãi. Nhờ những tiến bộ trong điều trị trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ sống sót của ung thư trực tràng đã được cải thiện rất nhiều.

Những yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh ung thư đại tràng?

Kết quả điều trị của bệnh nhân ung thư trực tràng liên quan rõ ràng nhất đến giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán. Nếu ung thư chỉ giới hạn trong niêm mạc trực tràng có cơ hội chữa khỏi cao nhất. Đây là một trong những lý do tại sao việc phát hiện sớm thông qua các phương pháp tầm soát như nội soi là rất quan trọng.

Cần theo dõi những gì sau khi điều trị?

Sau khi điều trị ung thư trực tràng, người bệnh cần thường xuyên tái khám để xét nghiệm máu nhằm đo lượng CEA (một chất có thể tăng trong máu khi bị ung thư) chẩn đoán liệu ung thư có tái phát hay không. Chụp CT định kỳ, khám lâm sàng và nội soi cũng được thực hiện trong các khoảng thời gian được bác sĩ chỉ định trước.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm