pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ước mơ giúp 1 tỷ trẻ em thành thạo lập trình vào năm 2030
Ngay từ lúc 6 tuổi, Mehta đã bắt đầu công việc lập trình (coding), lên 8 tuổi cô bé tự tạo ra một trò chơi lập trình có tên CoderBunnyz giúp trẻ em cách viết code. Năm 2016, sau khi tạo ra trò chơi lập trình dành cho trẻ em, Mehta đã dành được giải thưởng trị giá 2.500 USD từ Pitchfest của Think Tank Learning. Điều này đã thu hút sự chú ý của các nhà marketing cho kênh hoạt hình Cartoon Network, công ty đã mời Mehta cho chương trình "The Powerpuff Girls". Đây là dấu mốc đặc biệt tạo ra sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời cô.
Ở tuổi lên 7, em đã dùng ngôn ngữ lập trình để tạo ra trò chơi trực tuyến cờ bàn CoderBunnyz rồi mời bạn bè chơi cùng mình. CoderBunnyz là trò chơi dạy các khái niệm mã hóa cơ bản. Em đã bắt đầu bán trò chơi board game do mình tạo ra trên Amazon. "Chúng tôi đã bán được 1.000 hộp đồ chơi với giá hơn 35.000 USD khi mới chỉ có mặt trên thị trường trong vòng một năm", Mehta chia sẻ. Em còn ra mắt thêm trò chơi mới CoderMindz - "trò chơi bảng trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới". Mehta đã sử dụng một số khái niệm mã hóa như giải mã trình tự và lập trình Java để giới thiệu một số khái niệm về trí tuệ nhân tạo: đào tạo, suy luận và nhận dạng hình ảnh. Trí tuệ nhân tạo là một chủ đề mà nhiều người đã nghe nói đến nhưng ít ai thật sự biết về nó. Với CoderMindz, trẻ em có thể học các nguyên tắc cơ bản về AI như mô hình đào tạo, cách suy luận và thích ứng trong học tập. Thậm chí, chúng có thể sử dụng những kỹ năng đó để chế tạo robot.
Hiện Mehta là người sáng lập và là CEO của công ty CoderBunnyz. Cùng với mẹ, em cũng là người đồng sáng lập công ty này, nơi bán các trò chơi do em tạo ra.
Mehta đã từng có kinh nghiệm điều hành hơn 150 hội thảo về mã hóa tại các công ty như Google, Microsoft và Intel. Em cũng đã phát biểu tại hơn 50 hội nghị, bao gồm Đại hội Thế giới Di động, chương trình điện thoại lớn nhất thế giới. Mehta bắt đầu tổ chức các buổi hội thảo cho trẻ em tại các thư viện, trường học và công ty.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của em khi làm công việc này là thấy những đứa trẻ vui thích khi học được những điều mới lạ và viết được những đoạn mã đầu tiên. Đó là động lực để em thành lập chương trình "Một tỷ trẻ em có thể lập trình viết mã" vào năm 2030, thời điểm Mehta sẽ tốt nghiệp đại học. Mehta chia sẻ thêm: "Một tỷ trẻ em có thể lập trình viết mã" là sáng kiến tôi bắt đầu với mục tiêu giúp 1 tỷ trẻ em trên thế giới tiếp cận lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ và các công cụ mã hóa. Ngay cả khi các bạn không chọn trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp khi lớn lên, tôi vẫn tin rằng những kiến thức cơ bản về mã hóa có thể giúp các bạn trở thành những nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo và người sáng tạo tốt hơn trong tương lai".
Với những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ của Mehta, cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã gửi cho em một bức thư riêng. Bà khen ngợi và khuyến khích em tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình.
Từ kinh nghiệm của riêng mình, cô cho rằng phụ nữ thông minh không kém gì nam giới, kể cả trong lĩnh vực kỹ thuật. Nếu họ có đam mê và làm việc chăm chỉ, họ sẽ gặt hái được thành công.
Không hề thỏa mãn với những gì mình có, Mehta luôn làm việc chăm chỉ để hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Ước mơ lớn nhất của em hiện giờ là sẽ trở thành tổng thống Mỹ. Mehta cũng đã lập một tổ chức từ thiện giúp đỡ trẻ em với tên gọi PATH. Mehta ấp ủ ước mơ xóa bỏ bất bình đẳng trong các ngành khoa học, kỹ thuật, toán học, công nghệ (STEM). "Tôi mong muốn hỗ trợ các bạn gái muốn theo đuổi STEM và tinh thần kinh doanh. Mỗi bạn gái đều có quyền mơ ước và đạt được nếu quyết tâm vượt qua và phá vỡ mọi rào cản giới", Mehta chia sẻ.