Ước mơ vươn xa từ lam lũ đói nghèo của ‘cô giáo du học’

20/11/2019 - 19:25
Từ một đứa trẻ nghèo vất vả, lam lũ cùng bố mẹ lo toan từng bữa ăn cho gia đình, giảng viên Minh Nguyệt đã trở thành một cô giáo giỏi có tiếng, đào tạo được nhiều học sinh là thủ khoa đại học và du học ở nhiều nước trên thế giới.

Về xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, nhắc đến cô giáo Nguyễn Minh Nguyệt có lẽ không mấy ai không biết, dù hiện giờ cô đang là giảng viên đại học tại Hà Nội. Với nhiều thế hệ học trò ở vùng quê này, cô giáo Minh Nguyệt thực sự là một tấm gương, là động lực để các em cố gắng…

Cô học trò dậy từ 3 giờ sáng để buôn ngan, vịt

Hơn 30 năm trước, cô học trò nhỏ sinh năm 1977 Nguyễn Minh Nguyệt đã được biết đến là một tấm gương vượt khó ở Kim Động. Cuộc sống thời bao cấp nhiều khó khăn, bố làm việc xa nhà, người mẹ là giáo viên lại bị bệnh tim nên mới học lớp 6, Nguyệt đã phải cáng đáng mọi công việc gia đình. Thời gian mẹ điều trị tại bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, mình Nguyệt phải chăm bà nội đau yếu và hai em, lo toan mọi việc như chợ búa, cơm nước, đảm đương toàn bộ việc chăm nom cấy hái 1 mẫu ruộng…

Bố mẹ Nguyệt sinh 4 người con, nhà đông miệng ăn nên cô rất biết vun vén. Thương bố mẹ, cô còn nghĩ cách kiếm tiền để lo cho gia đình.  Cô đội gạo đi chợ bán, nhận xe hương để kiếm thêm thu nhập. Một thời gian dài, sáng nào cô cũng dậy từ 3 giờ sáng, xách một lồng gà hoặc ngan nhảy xe đò lên Hà Nội gửi người nhà bán rồi về để kịp đến lớp học lúc 7 giờ sáng. “Đó là quãng thời gian rất vất vả, nhưng mà vui lắm, bởi công việc này mang lại thu nhập tốt, mình có tiền để trang trải chi phí cuộc sống, có tiền ôn thi đội tuyển học sinh giỏi”, cô Minh Nguyệt nhớ lại.

Cô Minh Nguyệt hướng dẫn học trò giải Toán

 

Điều đáng nói là vất vả như thế nhưng Minh Nguyệt lại học rất giỏi, xuất sắc ở tất cả các môn học. Hồi học cấp 1, cấp 2, Nguyệt nổi trội môn Văn, từ lớp 3 đã được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn tỉnh Hải Hưng (cũ). Với giải Nhì học sinh giỏi Văn cấp tỉnh lớp 9, cô được tuyển thẳng vào cấp 3, lớp chuyên văn. Lúc này, bỗng dưng cô không thấy hứng thú với môn văn nữa, vì những tác phẩm trong sách giáo khoa lớp 10 cô đã đọc, thuộc và hiểu từ lâu. Đúng lúc đó, lớp chuyên toán có đợt tuyển thêm học sinh, cô quyết định thi sang và đỗ.

Thời gian đầu chuyển sang học chuyên toán, Nguyệt cũng không tránh khỏi “ngợp” vì nhiều bạn trong lớp đã từng “chinh chiến” ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Cô “bấm chí” học ngày học đêm, tất nhiên vẫn không quên việc làm ruộng, đi chợ, xe hương… Ngay học kỳ 1, cô đã vươn lên đứng đầu lớp ở nhiều môn học. Lúc chọn đội tuyển, giáo viên các môn Toán, Lý, Hóa, Pháp, Văn đều “tranh nhau” để lấy Nguyệt.

Đến kỳ thi đại học, Nguyệt đăng ký thi 6 trường và đỗ cả. Trong đó, cô đỗ thủ khoa Cao đẳng Hưng Yên với 33,5 điểm; Á khoa ĐH Tài chính với 24,5 điểm, còn các trường ĐH Luật, Kinh tế Quốc dân, Sư phạm I đều trong top điểm cao. Mặc dù đã chọn Kinh tế Quốc dân và nhập học hơn 1 tháng, nhưng cái duyên với nghề sư phạm đã “xúi giục” Nguyệt xin chuyển sang học ĐH Sư phạm 1, vào lớp toán bằng tiếng Pháp. Nhập học muộn so với các bạn nên cô “cày” liên tục, ngày nào cũng thức đến 2 giờ sáng để ôn bài. Hết năm thứ nhất, cô là 1 trong 4 sinh viên xuất sắc giành được học bổng khóa học ngắn hạn ở Pháp 3 tháng. Suốt mấy năm đại học, cô đều học xuất sắc, điểm cao thứ 2 toàn khóa và sau khi tốt nghiệp đã giành được học bổng du học Pháp.

Nhìn lại những gì mình đã đạt được, cô Minh Nguyệt không nhận mình giỏi giang, mà cho rằng là nhờ chăm chỉ, quyết tâm. Theo cô, bất cứ thành công nào cũng cần có sự khổ luyện và sự chuyên tâm học hành sẽ mang đến trái ngọt cho những ai nỗ lực.

Hạnh phúc với biệt danh “Cô giáo du học”

Vì chọn con đường du học, nên cô Minh Nguyệt đã bỏ lỡ cơ hội dạy học ở Đại học Sư phạm 1 và trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sau khi về nước, cô về quê nhà Kim Động dạy học. 3 năm ở đây, cô đã khơi dậy phong trào học ở vùng quê lúa, trở thành giáo viên giỏi có tiếng trong vùng. Nhiều học sinh của cô thi được vào các trường đại học nổi danh, có khóa còn đỗ đại học 100% - điều chưa từng có ở Kim Động trước đó. Sau đó, cô Nguyệt lên Hà Nội học lên cao tiếp và trở thành giảng viên Đại học Xây dựng. Cùng với giảng dạy sinh viên, cô còn ôn luyện cho các học sinh thi vào lớp 10 và đại học. Học sinh được cô kèm đều đỗ đại học điểm cao, đi du học ở khắp các nước trên thế giới.

Trong các học trò xuất sắc của cô giáo Minh Nguyệt có thể kể đến Đỗ Đức Anh – Thủ khoa Học viện Quân y, hiện là Nghiên cứu sinh tại Cuba; Nguyễn Ngọc Quang – Thủ khoa khoa Hóa ĐH Khoa học Tự nhiên, hiện là Nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc; Trần Quang Duy – Á khoa ĐH Y Hà Nội, hiện đang học Bác sĩ nội trú khoa tim mạch Bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Bích Nụ - Thủ khoa khoa Môi trường ĐH Khoa học Tự nhiên, hiện học thạc sỹ tại Hồng Kông; Lê Minh Ngọc – Thủ khoa trường Dược, hiện là Nghiên cứu sinh tại Hồng Kông; Đỗ Trần Thiên Mai, 10 điểm Toán thi đại học, hiện là Nghiên cứu sinh tại Úc; Võ Hà Anh – du học sinh tại Mỹ ngành Toán, đứng top 11 toàn nước Mỹ về Toán học; Dương Khánh Linh – Thủ khoa chuyên ngành Kinh tế, ĐH Phần Lan; Lê Phương Duy – Thủ khoa ĐH toàn Singapore, hiện là Nghiên cứu sinh tại Singapore; Phạm Hà My – giải Nhất toàn thế giới về phụ trách phòng Lab cho ĐH Cambridge và đang làm Nghiên cứu sinh tại ĐH Cambridge, Anh quốc; Phùng Minh Đức – đang theo học tại Insa Lyon, ngôi trường danh giá số 1 tại Pháp...

Từng du học và có rất nhiều học sinh du học ở khắp nơi trên thế giới, cô giáo Minh Nguyệt hiểu rất rõ những điểm ưu, nhược khi ra nước ngoài học hỏi kiến thức. Cô luôn khuyến khích, động viên học trò của mình ra thế giới mở mang tri thức, nhưng cũng thẳng thắn đưa ra lời “cảnh báo” về những mặt trái mà du học sinh phải đối diện. Hàng trăm học sinh ưu tú của cô hiện đang học ở các nước trên thế giới chính là “chiếc cầu nối” để những cô cậu học trò ấp ủ giấc mơ du học biết thêm thông tin để lựa chọn con đường chính xác cho mình. Chính vì thế, nhà riêng của cô giáo Minh Nguyệt tại ngõ Văn Chương, Hà Nội luôn tấp nập học trò và cô cũng được gọi bằng cái tên “cô giáo du học”. Các em đến với cô vừa là học tập, cũng vừa là để tìm hiểu con đường du học và cô luôn nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ cho các em. “Đi xa là để trở về - đó là điều tôi luôn tâm niệm. Khi các em vươn ra biển lớn, trang bị cho mình kiến thức để hòa mình vào dòng chảy của thế giới tri thức hiện đại, các em sẽ thêm tự tin hơn, làm được nhiều điều có ích hơn cho bản thân, gia đình và xã hội”, cô Minh Nguyệt chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm