pnvnonline@phunuvietnam.vn
Uống rượu xong bị đau họng phải làm sao?
Ảnh minh họa
Có nhiều biện pháp tại nhà có thể giúp bạn ngăn ngừa và giải quyết tình trạng uống rượu xong bị đau họng. Cảm giác đau họng sau uống rượu được mô tả là khó chịu và đau đớn, ngứa ngáy, rát ở cổ họng dẫn tới khó nuốt, khó nói hoặc thậm chí là khó thở. Một số người cũng cho biết cổ họng của họ bị khô rát và liên tục muốn hắng giọng sau mỗi lần uống rượu xong.
1. Nguyên nhân đau họng sau uống rượu
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến một người uống rượu bị đau họng, chẳng hạn:
- Mất nước
Uống rượu có thể gây mất nước, vì rượu là một chất lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn và mất nước qua nước tiểu. Mất nước có thể dẫn đến việc cổ họng trở nên khô và cảm giác đau rát.
- Viêm
Rượu cũng có thể tăng tình trạng viêm khắp cơ thể, bao gồm cả họng. Điều này có thể khiến cổ họng có cảm giác khô và ngứa ngáy sau khi uống rượu.
- Tăng axit dạ dày
Uống rượu có thể tăng tiết axit trong dạ dày, một số người có thể cảm thấy đau họng sau khi uống rượu do tình trạng trào ngược axit. Axit từ dạ dày có thể lên đến cổ họng, gây kích ứng và đau rát.
- Nhạy cảm với rượu
Một số người bị nhạy cảm với rượu và sinh ra một số triệu chứng khó chịu như đỏ mắt, nghẹt mũi, tắc nghẽn xoang khi uống rượu dẫn tới đau họng.
- Hệ miễn dịch suy yếu
Uống nhiều rượu đã được chứng minh là khiến hệ miễn dịch suy yếu và tăng nguy cơ nhiễm trùng cho cổ họng, bao gồm cả các bệnh như cảm lạnh, cúm.
2. Cách làm dịu cổ họng sau uống rượu
Nếu bạn bị đau họng sau khi uống rượu, có một số biện pháp tự nhiên để giảm đau họng mà bạn có thể thử:
- Nghỉ ngơi nhiều hơn
Cơ thể chúng ta sử dụng giấc ngủ để phục hồi và chữa lành. Vì vậy mà nghỉ ngơi nhiều hơn sau khi uống rượu là điều cần ưu tiên nếu bạn gặp phải tình trạng đau họng. Một điều khác mà bạn cũng cần nhớ, đó là dù rượu có thể giúp bạn dễ dàng ngủ nhanh hơn nhưng nó sẽ khiến chu kì ngủ của bạn bị xáo trộn và cản trở một giấc ngủ chất lượng.
Chính vì thế, nếu thức dậy sau một cơn say rượu với cổ họng đau rát bạn nên xem xét tới việc ngủ trưa thêm hoặc đi ngủ tối sớm hơn.
- Bù nước
Uống nhiều nước ngoài việc giúp bù nước cho cơ thể sau lượng lớn nước "thoát ra" khi bạn uống rượu thì các chất lỏng này còn giúp giảm bớt sự khó chịu cho các tổn thương ở cổ họng.
Một chút trà ấm với mật ong vừa giúp thúc đẩy quá trình hydrat hóa vừa có thể xoa dịu dạ dày cũng như giảm đau. Đừng quên tránh xa thức uống chứa caffeine và tất nhiên là cả thức uống có cồn khác nếu bạn không muốn cơ thể mất thêm nước nữa.
- Viên ngậm trị đau họng
Mặc dù không có gì đảm bảo rằng viên ngậm sẽ chữa khỏi chứng sưng đau họng sau khi uống rượu của bạn nhưng chúng có thể giúp bạn giảm đau hiệu quả nhờ một số thành phần như methol, hexylresorcinol,...
Một chút đá bào cũng có thể đem lại hiệu quả tương tự.
- Máy bù ẩm
Không khí khô được biết là nguyên nhân điển hình gây cảm giác khô và ngứa ngáy ở cổ họng. Kết hợp với việc uống rượu quá chén sẽ tăng cảm giác đau đớn cho cổ họng. Vì thế bạn hãy cân nhắc tới việc bù ẩm cho phòng ngủ của mình bằng các thiết bị tạo độ ẩm hoặc tắm nước nóng để dễ chịu hơn.
- Súc miệng với nước muối
Nhiều người cho biết họ cảm thấy cổ họng dễ chịu hơn sau khi súc miệng với nước muối ấm. Bạn nên súc miệng trong khoảng 30 giây và lặp lại trong ngày nếu cảm thấy họng ngứa ngáy, khó chịu.
- Thuốc không kê đơn
Một số thuốc giảm đau không kê đơn acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau và viêm, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến gan khi được sử dụng cùng với hoặc sau khi uống rượu. Vì thế bạn không nên tự ý dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
3. Phòng ngừa đau họng sau uống rượu
Dưới đây là một số lời khuyên để giúp bạn tránh bị đau họng sau khi uống rượu:
- Luôn giữ cơ thể được đủ nước bằng cách uống nước khi uống rượu
Có lý do khiến bạn được yêu cầu uống nhiều nước sau khi uống một vài ly. Rượu có tác dụng lợi tiểu, có nghĩa là nó làm tăng tần suất bạn đi tiểu. Đây là lý do tại sao rượu có thể dẫn đến mất nước, gây ra các triệu chứng như cổ họng khó chịu, khát nước, đau đầu hoặc khô miệng.
- Hạn chế lượng rượu tiêu thụ
Khi bạn uống rượu, niêm mạc dạ dày của bạn sẽ bị viêm, gây kích ứng, buồn nôn và có thể nôn mửa. Khi axit dạ dày và rượu trào ngược lên thực quản, chúng có thể gây kích ứng và nóng rát ở cổ họng kéo dài đến sáng hôm sau. Đó là lý do tại sao việc biết giới hạn của bản thân với rượu là điều quan trọng để giúp bạn tránh được những tác dụng phụ không mong muốn sau cơn say.
- Tránh hút thuốc
- Thay thế giữa đồ uống có cồn và không cồn, hạn chế đồ uống có ga
- Tránh đồ uống lạnh và nên chọn đồ uống ở nhiệt độ phòng
- Giữ ấm cơ thể và mặc đủ ấm nếu bạn ở ngoài trời
- Ngủ đủ giấc và có chế độ dinh dưỡng cân đối
- Tránh dùng chung đồ uống và dụng cụ uống với người khác.
Những người nhạy cảm với rượu có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc tránh uống rượu để giảm nguy cơ đau họng sau khi uống.
4. Câu hỏi thường gặp
- Rượu có thể gây viêm thanh quản không?
Uống nhiều rượu, nghiện rượu có thể góp phần gây viêm thanh quản. Các triệu chứng viêm thanh quản thường bao gồm có giọng khàn và có thể bao gồm sốt, ho, đau ở phía trước cổ và khó nuốt. Thông thường, những triệu chứng này kéo dài dưới hai tuần.
- Rượu có gây ung thư vòm họng không?
Rượu bia có thể trở thành nguyên nhân gây ung thư, trong đó có ung thư vòm họng. Theo Medical News Today, các hóa chất trong đồ uống có coofnc ó thể làm tổn thương các tế bào ở những khu vực như hầu họng và tăng nguy cơ phát triển tế bào bất thường. Hút thuốc trong khi uống rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.
- Nóng rát ở cổ họng khi uống rượu là do cồn trong rượu?
Một số đồ uống có cồn có thể gây cảm giác nóng rát ở cổ họng, đặc biệt nếu loại đồ uống bạn tiêu thụ có nồng độ cồn cao. Đồ uống có nồng độ cồn cao hoặc được thêm thành phần cồn có thể dẫn tới cảm giác nóng rát khi chúng tiếp xúc với các mô nhạy cảm của cổ họng.
Nhìn chung, khi thức dậy sau một đêm uống nhiều đồ uống có cồn, bạn có thể bị khô miệng, đau đầu và đau họng. Tùy thuộc vào tình trạng đau họng mà bạn lựa chọn cách xử lý đau họng phù hợp, thăm khám bác sĩ nếu tình trạng đau họng không cải thiện hoặc kèm theo các triệu chứng như ho lẫn máu, khó nuốt, khó nói,...