Uống thuốc kiêng ăn gì để tránh giảm tác dụng?

Vân Anh
23/02/2024 - 14:59
Uống thuốc kiêng ăn gì để tránh giảm tác dụng?

Ảnh minh họa

Một số loại trái cây, rau và đồ uống có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc và có thể gây ra một số tác dụng phụ.

Sử dụng một số loại thực phẩm hoặc đồ uống với thuốc có thể ảnh hưởng đến cách tiêu hóa hoặc hấp thu thuốc, ngăn chặn sự phân hủy hoặc phóng đại tác dụng của thuốc. Những tương tác này có thể xảy ra khi sử dụng thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, vitamin hoặc chất bổ sung.

Dưới đây là 11 thực phẩm bạn nên tránh khi uống thuốc:

1. Bưởi

Bưởi là loại trái cây giàu dinh dưỡng và rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo rằng, bưởi có thể tương tác với nhiều loại thuốc và ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn chuyển hóa một số loại thuốc, đặc biệt nếu bạn bị huyết áp cao hoặc nhịp tim không đều.

Bưởi thường được biết đến là làm tăng sự hấp thu thuốc vào máu và dẫn tới một số tác dụng phụ, đặc biệt bưởi có thể làm tăng lượng statin trong cơ thể và gây ra nhiều tác dụng phụ hơn như đau cơ và tổn thương cơ, tổn thương gan và suy thận. Do vậy, bạn nên tránh ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi trong khi dùng một số statin.

Ngoài ra, bạn cũng nên tránh ăn bưởi nếu đang dùng thuốc điều trị huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh tuyến giáp, ho hoặc ợ nóng. Một số loại thuốc có thể tương tác với bưởi và nước ép bưởi:

- Thuốc điều trị huyết áp cao như Procardia và Adalat CC (cả nifedipine)

- Thuốc thải ghép nội tạng, chẳng hạn như Sandimmune và Neoral (cả cyclosporine)

- Thuốc chống lo âu, chẳng hạn như buspirone

- Corticosteroid điều trị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, chẳng hạn như Entocort EC và Uceris (cả budesonide)

- Thuốc điều trị nhịp tim bất thường như Pacerone và Nexterone (cả amiodarone)

- Thuốc kháng histamine, chẳng hạn như Allegra (fexofenadine)

Cam và quýt cũng thuộc họ bưởi nên cũng có thể tương tác với một số loại thuốc. Vì vậy, khi đang sử dụng thuốc, bạn có thể lựa chọn một số loại hoa quả thay thế như kiwi, táo, ổi.

Uống thuốc kiêng ăn gì để tránh giảm tác dụng?- Ảnh 1.

Bưởi có thể làm tăng sự hấp thu thuốc vào máu và dẫn tới một số tác dụng phụ (Ảnh: ST)

2. Sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa, sữa chua và phô mai, có thể ảnh hưởng đến tác dụng của kháng sinh. Các khoáng chất trong sữa như canxi và magie cùng với protein casein là một phần nguyên nhân gây ra tương tác này.

Canxi có trong các sản phẩm từ sữa có thể ngăn cơ thể hấp thụ một số loại thuốc kháng sinh như tetracycline và ciprofloxacin và thuốc tuyến giáp, do đó bạn nhận được ít hợp chất hoạt động hơn trong máu. Vì vậy, bạn không nên uống sữa khi đang sử dụng các loại thuốc này.

Ngoài ra, bạn cũng nên tránh các chất bổ sung có chứa canxi trong vài giờ trước và sau khi dùng các loại kháng sinh.

3. Rau lá xanh

Rau lá xanh được biết là thực phẩm "vàng" đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, bạn nên tránh rau lá xanh khi đang sử dụng thuốc chống đông máu.

Vitamin K rất quan trọng đối với nhiều phản ứng khiến máu đông lại đúng cách, nên những thay đổi đáng kể về lượng vitamin K hấp thụ sẽ ảnh hưởng đến thời gian đông máu và có thể cần phải thay đổi liều warfarin. Mà trong rau lá xanh có lượng vitamin K khá cao, do vậy loại rau này có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Cải xoăn và các loại rau xanh khác như bắp cải, rau bina, cải Brussels, rau cải rổ, củ cải xanh và bông cải xanh đều giàu Vitamin K.

Tuy nhiên, bạn có thể không cần tránh hoàn toàn rau xanh lá mà thay vào đó, bạn có thể cố gắng ăn cùng một lượng những thực phẩm này mỗi ngày để mức warfarin trong máu của bạn được giữ nguyên.

Uống thuốc kiêng ăn gì để tránh giảm tác dụng?- Ảnh 2.

Vitamin K trong rau lá xanh có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chống đông máu (Ảnh: ST)

4. Rượu

Có thể bạn từng nghe nói rằng không nên dùng thuốc cùng với rượu, cả hai có thể tương tác có hại ngay cả khi uống cách nhau nhiều giờ.

Đặc biệt, bạn không nên uống rượu khi đang sử dụng thuốc an thần, thuốc kháng histamine, thuốc giảm đau (bao gồm morphine, codeine và paracetamol), thuốc trị tiểu đường, thuốc điều trị HIV/AIDS và thuốc kháng sinh.

Uống rượu khi sử dụng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng nghiêm trọng, chẳng hạn như buồn ngủ, chóng mặt, suy giảm khả năng kiểm soát vận động, các vấn đề về trí nhớ, buồn nôn, co thắt dạ dày hoặc nôn mửa. Rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ tổn thương đường tiêu hóa sau khi dùng thuốc giảm đau và làm giảm hoặc tăng tác dụng của một số loại thuốc khác.

5. Cam thảo

Cam thảo không chỉ tăng cường hệ thống tiêu hóa mà còn giúp giảm bớt nhiều vấn đề liên quan đến dạ dày. Nhưng bạn không nên sử dụng cam thảo khi đang uống thuốc vì hợp chất 'glycyrrhizin' được tìm thấy trong cam thảo có thể làm giảm tác dụng của nhiều loại thuốc.

Uống thuốc kiêng ăn gì để tránh giảm tác dụng?- Ảnh 3.

Glycyrrhizin trong cam thảo có thể làm giảm tác dụng của nhiều loại thuốc (Ảnh: ST)

6. Sô cô la đen

Sô cô la đen có thể làm suy yếu tác dụng của các loại thuốc giúp bạn bình tĩnh hoặc khiến bạn buồn ngủ, như zolpidem tartrate (Ambien). Loại thực phẩm này cũng có thể tăng cường sức mạnh của một số loại thuốc kích thích, như methylphenidate (Ritalin). Và nếu bạn dùng thuốc ức chế MAO, dùng để điều trị trầm cảm, sô cô la đen có thể khiến huyết áp của bạn tăng cao đến mức nguy hiểm.

7. Nhân sâm

Nhân sâm cũng có thể làm giảm tác dụng của warfarin và có thể khiến bạn dễ bị chảy máu trong hơn nếu bạn dùng thuốc làm loãng máu heparin hoặc aspirin, cũng như các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc naproxen.

Nếu bạn dùng thuốc ức chế MAO, nhân sâm có thể gây đau đầu, khó ngủ, hiếu động thái quá và hồi hộp.

Uống thuốc kiêng ăn gì để tránh giảm tác dụng?- Ảnh 4.

Nhân sâm cũng có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống đông máu (Ảnh: ST)

8. Bạch quả

Một số người sử dụng loại thảo dược này để giúp điều trị hoặc ngăn ngừa huyết áp cao, chứng mất trí nhớ, ù tai và các tình trạng khác, nhưng không có nghiên cứu nào cho thấy nó có tác dụng đó.

Trong khi đó, bạch quả có thể làm suy yếu tác dụng của các loại thuốc dùng để kiểm soát cơn động kinh, bao gồm carbamazepine (Carbatrol, Equetro và Tegretol) và axit valproic (Depakene, Depakote và Stavzor).

9. Chuối

Bạn không nên ăn chuối khi đang dùng thuốc ức chế ACE như captopril, enalapril và fosinopril cùng những loại khác. Thuốc ức chế ACE làm giảm huyết áp và điều trị suy tim bằng cách mở các mạch máu để máu lưu thông hiệu quả hơn.

Chuối cũng như cam, rau lá xanh, chúng có hàm lượng kali cao. Quá nhiều kali có thể gây ra nhịp tim không đều và tim đập nhanh. Tránh ăn nhiều thực phẩm giàu kali nếu bạn đang dùng thuốc ức chế ACE và báo cho bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc bổ sung kali hoặc thuốc lợi tiểu.

10. Cà phê

Cà phê là loại đồ uống được ưa chuộng giúp bạn tỉnh táo hơn, tuy nhiên lượng caffeine có trong cà phê có thể ảnh hưởng đến nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn, đồng thời dẫn đến tương tác thuốc đáng kể. Theo một nghiên cứu, cà phê ảnh hưởng đáng kể đến sự hấp thu, phân phối, chuyển hóa và bài tiết của nhiều loại thuốc.

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thuốc đều bị ảnh hưởng khi uống cà phê. Một số loại thuốc có thể tương tác với cà phê như thuốc: tuyến giáp, tiểu đường, cảm lạnh hoặc dị ứng, hen suyễn, Alzheimer, loãng xương, chống trầm cảm, chống loạn thần, huyết áp.

11. Thực phẩm giàu Tyramine

Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs), sử dụng trong điều trị trầm cảm và các triệu chứng của bệnh Parkinson, và các loại thuốc khác có thể cản trở sự phân hủy tyramine, một loại axit amin có trong một số loại thực phẩm.

Nồng độ tyramine cao trong máu cũng có thể dẫn đến tăng huyết áp. Các loại thực phẩm giàu tyramine phổ biến bao gồm sô cô la, thịt chế biến sẵn, phô mai và các sản phẩm từ đậu nành.

Tóm lại, để tránh sự tương tác thực phẩm và thuốc, trước khi uống thuốc bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ các chỉ định trên tờ hướng dẫn sử dụng. Nếu thuốc khiến bạn khó chịu hoặc buồn nôn, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ để có những thay đổi phù hợp.

Những thực phẩm bạn nên ăn khi uống thuốc như bánh quy giòn, gạo, bánh mì, bơ đậu phộng và các thực phẩm trung tính khác. Vì những thực phẩm này có tác dụng tốt trong việc bao phủ dạ dày và thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giúp cơ thể bạn chuyển hóa thuốc hiệu quả hơn.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm