pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ưu đãi của Chính phủ về giãn nợ, giãn thuế đã có ảnh hưởng ngay lập tức tới doanh nghiệp
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại một Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức một số hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp tại các tỉnh thành để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn. Đây chính là sự "Đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm" với doanh nghiệp như Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định.
Sau Hà Nội, Bình Dương là điểm đến tiếp theo của Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Đây là tỉnh nằm trong Khu vực Kinh tế trọng điểm Phía Nam, là một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước, kinh tế phát triển năng động, có quy mô tín dụng đạt trên 204 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 Khu vực Đông Nam Bộ (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai). Tuy nhiên, trước tác động của dịch bệnh, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tín dụng ngân hàng đến cuối tháng 5 đạt mức tăng trưởng 1,36%, thấp nhất trong số 6 tỉnh Khu vực Đông Nam Bộ.
Tính tới ngày 30/4/2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 571 khách hàng với dư nợ 2.262 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 2.316 khách hàng với dư nợ trên 753 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt gần 25.000 tỷ đồng cho 4.470 khách hàng.
Ông Võ Sơn Điền, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Dương bày tỏ: "Các ưu đãi của Chính phủ về giãn nợ, giãn thuế đã có ảnh hưởng ngay lập tức. Nhiều ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, thể hiện trách nhiệm với ngân hàng, tất cả các doanh nghiệp đều trả nợ đúng hạn. Cái chúng tôi cần hiện nay là giãn nợ, vì dòng tiền của nhiều doanh nghiệp đang nằm ở công trình, ở cảng, ở đối tác nước ngoài, chưa về nhưng vẫn về. Còn giãn thế nào mong các ngân hàng nghiên cứu. Tôi tin chắc chúng tôi sẽ vượt qua nếu có sự hỗ trợ tiếp của ngân hàng tạo sự đồng cảm."
Là một doanh nghiệp khai thác thị trường nước ngoài (Mỹ, Anh), Công ty cổ phần Lâm Điền cũng gặp nhiều khó khăn do dịch. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT công ty đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, chia sẻ: "Lần này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã có Slogan "Đồng hành, chia sẻ và trách nhiệm" mà tôi rất tâm đắc. Lâu nay, chúng tôi với ngân hàng là đồng hành và có trách nhiệm nhưng lần này rõ ràng có cả chia sẻ.
Còn tại Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp diễn ra tại Hải Phòng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các TCTD trên địa bàn thành phố đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc. Các TCTD cần chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo an toàn hệ thống, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc. Đồng thời, các tổ chức trên địa bàn phải kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai.
Đại diện cho các doanh nghiệp tại TP Hải Phòng, ông Trần Trọng Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Trang Khanh - bày tỏ: "Trong giai đoạn khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ phía ngân hàng BIDV chi nhánh Đông Hải Phòng. Ngân hàng đã 3 lần liên tục giảm lãi suất cho vay về mức 5.5%/ năm như hiện nay và giảm các phí giao dịch trực tuyến. Sự hợp tác, hỗ trợ của BIDV theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN, rất kịp thời và phù hợp, đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp." Ông Hải cũng kiến nghị NHNN và các NHTM như BIDV tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay để giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, thuận lợi hơn trong việc xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả, vượt qua đại dịch.