Vắc-xin Nga: Sputnik-V "thần tốc" nhưng có thật sự hiệu quả hay không?

BS. Trần Văn Phúc
28/09/2020 - 13:43
Vắc-xin Nga: Sputnik-V "thần tốc" nhưng có thật sự hiệu quả hay không?
Những ngày gần đây, bên cạnh việc liên tục cập nhật thông tin những ca mắc mới thì vấn đề về vắc-xin COVID-19 của Nga cũng “nở rộ” trên hầu khắp các phương tiện truyền thông và báo chí với những tranh luận trái chiều.

Putin gắn tên lửa đẩy vào lọ vắc-xin, đưa nó trở lại quỹ đạo của cuộc đua vô tiền khoáng hậu?

Vào một ngày mùa hè năm 1900, hơn hai trăm nhà toán học xuất sắc nhất đã tổ chức Đại hội Các nhà Toán học Quốc tế lần thứ hai tại Paris, thủ đô của nước Pháp.

Đại hội lần này lấy danh tiếng của nhà toán học người Đức Hilbert.

Trong bài phát biểu quan trọng mang tên “Vấn đề của toán học”, Hilbert đã liệt kê ra 23 bài toán quan trọng nhất theo quan điểm của mình.

Những năm đầu của thập niên 1900, phát biểu của Hilbert từ Đại hội Toán học được coi là lời tiên tri cho nhân loại, một niềm lạc quan to lớn bắt đầu xuất hiện và phát triển. Các nhà toán học xuất sắc nhất thế giới lúc đó tin rằng họ đang nhanh chóng tiến gần tới một phương pháp tổng hợp cuối cùng.

Người ta tin đến nỗi, chỉ cần giải xong 23 bài toán của Hilbert, toán học sẽ thống nhất mọi thứ, trở nên hoàn hảo vững chắc đạn bắn không thủng, chẳng có một kẽ hở cho không khí có thể lọt vào.

Các nhà toán học cho rằng: thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống bao gồm cả vũ trụ bao la, nó giống như một người đàn bà xinh đẹp, người đàn ông chỉ cần có sự kiên nhẫn, sẽ dần dần khám phá và chứng kiến từng vẻ đẹp ẩn chứa bên trong người phụ nữ.

Khả năng con người là vô tận và mọi thứ sẽ được chinh phục!

Cùng với những phát minh vĩ đại của Enstein và Marie Curie, đến đoạn cuối của Chiến tranh Thế giới II, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, mở màn cho cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, sau đó là cuộc chạy đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Nga.

Bom nguyên tử.

Bom nhiệt hạch.

Tên lửa hạt nhân thống trị.

Ngày 4 tháng 10 năm 1957, Nga phóng vệ tinh Sputnik 1, đã chính thức mở màn cuộc chạy đua không gian vũ trụ với Mỹ.

Ngày 12 tháng 4 năm 1961, Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ, Liên Xô lại một lần nữa đánh bại Hoa Kỳ.

Ngày 20 tháng 7 năm 1969, tàu Apollo 11 của Mỹ hoàn thành sứ mệnh đầu tiên đưa người lên mặt trăng, cuộc chạy đua không gian đã đạt đến đỉnh cao.

Trong suốt những năm 1960, để tranh nhau giải nhất trong cuộc đua không gian, Mỹ và Liên Xô từng phóng hơn 30 tàu vũ trụ có người lái từ bờ biển Florida và vùng hoang dã Chulatam vào không gian, hoàn thành hơn 60 chuyến bay vào vũ trụ. Dù là Nga hay Mỹ, thì những cuộc hành trình hết lần này đến lần khác để khám phá thế giới bên ngoài trái đất thể hiện sự khao khát chinh phục cả không gian bao la của con người.

Hơn nửa đầu TK20, chẳng ai mảy may để ý đến 1 phát minh toán học mang tính bước ngoặt của Kurt Gödel, chỉ đến khi người ta hiểu được về nó thì mới thấy khám phá của nhà toán học trẻ tuổi người Đức chấn động chẳng kém gì thuyết tương đối của Albert Einstein.

Đó chính là Định lí Bất toàn!

Gödel nhận ra rằng: thế giới tự nhiên đúng thực nó giống như một người đàn bà đẹp, nhưng người đàn ông dù có kiên nhẫn đến thế nào chăng nữa, thì cũng chẳng bao giờ khám phá hết được vẻ đẹp ẩn chứa bên trong người phụ nữ.

Vào ngày 11 tháng 8, theo giờ Moscow, Hãng thông tấn vệ tinh Nga đưa tin, Tổng thống Nga Putin đã thông báo tại cuộc họp chính phủ ngày hôm đó rằng vắc-xin phòng bệnh COVID-19 đầu tiên của Nga đã được Bộ Y tế cấp phép và đăng kí vào sáng cùng ngày.

Vắc-xin được đặt tên là "Sputnik - V".

Vắc-xin Nga: Sputnik-V "thần tốc" nhưng có thật sự hiệu quả hay không? - Ảnh 1.

Putin đã chính thức gắn tên lửa đẩy vào lọ vắc-xin, đưa nó trở lại quỹ đạo của cuộc đua vô tiền khoáng hậu, với tuyên bố Nga sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào tháng 9, tất cả mọi người sẽ được tiêm phòng vào tháng 10.

Trong danh sách của WHO đến thời điểm hiện tại có 7 vắc-xin đang thử nghiệm GĐ III 4 vắc-xin thử nghiệm GĐ II 18 vắc-xin thử nghiệm GĐ I. Ngoài ra còn 138 vắc-xin thử nghiệm tiền lâm sàng. Nhưng tuyệt nhiên chẳng có vắc-xin nào của Nga đăng kí.

Sao lại có chuyện lạ kì như vậy?

Việt Nam cũng nghiên cứu vắc-xin COVID, có đăng kí với WHO, dự kiến cuối quý I đầu quý II năm 2021 sẽ thử nghiệm trên người, hiện đang hoàn thiện quy trình nhằm đẩy nhanh tốc độ.

Vậy tại sao Nga không có vắc-xin nào đăng kí?

Tôi cho rằng, nếu lồng ghép yếu tố chính trị để suy luận, rất có thể Nga chọn vắc-xin làm phương tiện thiết lập một sân chơi 1 sân riêng, ở sân chơi đó Trung Quốc có khả năng là đồng minh tạm thời để tăng thêm sức mạnh trước khi quốc gia này tách riêng để thành thế giới tam cực.

Và chẳng bao lâu nữa, Trung Quốc sẽ là nước thứ 2 công bố sở hữu vắc-xin COVID giống như cái cách Nga đã tuyên bố, Trung Quốc sẽ công bố sử dụng vắc-xin trước cả Mỹ và châu Âu.

Nếu giả thiết Nga tạo ra sân chơi riêng là đúng, thì việc các nhà khoa học của quốc gia này không đăng kí sản xuất vắc-xin với WHO, không nghiêm túc thực hiện công bố ở sân chơi chung quốc tế các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng theo chuẩn của WHO, đó cũng là điều dễ hiểu.

Và COVID-19 đã làm cho thế giới 1 lần nữa xuất hiện Chiến tranh Lạnh.

Phản ứng của giới truyền thông chính thống phương Tây không phải là sự hài lòng, mà ngược lại, đó là sự nghi ngờ và phản đối. Tờ New York Times cho rằng Moscow đã "cắt xén" nhằm ghi điểm trong lĩnh vực chính trị và tuyên truyền. Tờ Wall Street Journal bày tỏ “quan ngại” về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin Nga. Các trang báo của Anh cho rằng vắc-xin của Nga đáng lo ngại các vấn đề đạo đức. Reuters cho biết loại vắc-xin này được đặt tên là "Sputnik-V" để so sánh sản xuất vắc-xin với cuộc chạy đua không gian trong Chiến tranh Lạnh.

Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Azar đã ví von "hoạt động thần tốc" sản xuất vắc-xin của Nga với sứ mệnh của tàu vũ trụ Apollo lên mặt trăng. Ông bác bỏ thông tin rằng Mỹ đang chạy đua với Nga, nhưng lại nhấn mạnh 2 trong số 6 vắc-xin do chính phủ Mỹ đầu tư đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm 3 cách đây 2 tuần, trong khi Nga hiện chỉ mới bắt đầu bước vào giai đoạn này. Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cũng bày tỏ “nghi ngờ nghiêm trọng” về vắc xin của Nga. Ông nói với tạp chí National Geographic rằng, nếu chấp nhận rủi ro gây hại cho một số lượng lớn người và tiêm cho họ thứ gì đó không có tác dụng phòng bệnh, thì Mỹ có thể bắt đầu tiêm vắc-xin ngay lập tức.

Truyền thông Nga nói rằng, sản xuất vắc-xin Sputnik-V là niềm tự hào của nước Nga, “phương Tây không thể ăn nho nên vu oan giá họa đổ tại nho chua”!

Hầu hết những gì tôi biết về vắc-xin của Nga đều qua truyền thông như vậy.

Vắc-xin Nga: Sputnik-V "thần tốc" nhưng có thật sự hiệu quả hay không? - Ảnh 2.

Khi chúng ta không đủ thông tin để đánh giá vắc-xin mà Putin tuyên bố, thì mọi lời CHỈ TRÍCH hay ỦNG HỘ, theo tôi nó đều chỉ dừng lại ở mức phát biểu cảm tính.

Vắc-xin của Nga, có biểu hiện rất rõ đó là thứ vũ khí được Putin gắn thêm tên lửa đẩy, đưa nó vào quỹ đạo của cuộc chạy đua với Mỹ và các quốc gia của phương Tây, để tạo ra một thế giới tam cực hậu COVID.

Và tôi lại nhớ đến Định lí Bất toàn của Gödel.

Thế giới tự nhiên giống như một người đàn bà đẹp, nhưng người đàn ông dù có kiên nhẫn đến thế nào chăng nữa, thì cũng chẳng bao giờ khám phá hết được vẻ đẹp ẩn chứa bên trong người phụ nữ.

COVID chắc chắn sẽ để lại rất nhiều di chứng!

Vắc-xin Nga: Sputnik-V "thần tốc" nhưng có thật sự hiệu quả hay không? - Ảnh 3.

SARS-CoV-2 có protein S.

Tế bào người có protein ACE2 gắn trên bề mặt.

Hai protein này có ái tính mạnh mẽ với nhau, nó giúp cho vi-rút bám dính vào bề mặt tế bào, sau đó xâm nhập vào bên trong để sinh sôi nảy nở.

Dựa vào đặc tính này, viện nghiên cứu Gamaleya phối hợp với Bộ Quốc phòng Nga đã sử dụng một loại vi-rút gây cảm lạnh thông thường có tên là adenovirus, từ đó thực hiện nghiên cứu và sản xuất vắc-xin COVID-19.

Adenovirus có chứa đoạn gene của protein S.

Theo logic, khi tiêm vắc-xin có chứa adenovirus đã bị bất hoạt, cơ thể sẽ sinh kháng thể chống lại protein S, từ đó có tác dụng tiêu diệt SARS-CoV-2 nếu vi-rút này cố tình xâm nhập cơ thể.

Nhưng đó chỉ là lí thuyết.

Thực tế phải dựa vào thử nghiệm lâm sàng, qua các giai đoạn thử nghiệm 1,2 và 3 để kiểm tra tính AN TOÀN và HIỆU QUẢ.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1: Nhằm mục đích kiểm tra tính AN TOÀN của vắc-xin, bằng cách tiêm cho số ít người khỏe mạnh, tiêm xong không ai chết hoặc không có biến chứng nghiêm trọng, thì vắc-xin được ghi nhận là an toàn.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2: Mục đích kiểm tra xem vắc-xin có khả năng tạo ra kháng thể hay không, bằng cách tiêm cho nhiều người tình nguyện hơn một chút, rồi định lượng kháng thể trong một thời gian.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3: Nhằm đánh giá HIỆU QUẢ phòng bệnh thực sự, bằng cách tiêm cho hàng vạn thậm chí hàng triệu người tình nguyện, cỡ mẫu đủ lớn, đảm bảo đánh giá tác dụng phòng bệnh của vắc-xin rõ rệt.

"Vắc-xin = AN TOÀN HIỆU QUẢ"

“An toàn & Hiệu quả” là câu thần chú bất di bất dịch, bởi vì sứ mệnh của vắc-xin là để cứu người, chứ không phải giết người, nên bắt buộc phải an toàn và hiệu quả. Nếu chưa rõ 1 trong 2 tiêu chuẩn “An toàn & Hiệu quả” thì vắc-xin sẽ không được phép tiêm cho cộng đồng.

Nga hay Trung Quốc sẽ không có ngoại lệ.

Ngay cả trường hợp vắc-xin Ebola do hãng Merck & Co của Mỹ sản xuất cũng vậy. Vào thời điểm năm 2014-2016, dịch Ebola hoành hoành ở Guinea, Congo, vắc-xin Ebola đang thử nghiệm lâm sàng ở châu Phi đã đã có tác dụng phòng bệnh rõ rệt, nhưng chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm và chưa được cấp phép. Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, hàng triệu liều vắc-xin Ebola của hãng Merck & Co đã được tiêm cho người dân Guinea và Congo, đã cứu cho hàng chục triệu người dân châu Phi thoát khỏi lưỡi hái tử thần, WHO phải thốt lên rằng vắc-xin Ebola thực sự là “Đấng cứu thế”.

2 kịch bản có thể xảy ra của vắc-xin Nga

Vắc-xin COVID của Nga theo tôi có 2 kịch bản có thể xảy ra.

Kịch bản thứ nhất, là Nga đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 xong nhưng để tạo một sân chơi riêng trong cuộc chạy đua phân cực thế giới, Nga tự cho mình cái quyền chẳng việc gì phải công bố với thế giới phương Tây, thay vào đó là tuyên bố tháng 9 sản xuất hàng loạt, tháng 10 triển khai tiêm chủng rộng rãi ở chính nước Nga rồi bán ra thế giới để thu về đô-la.

Khả năng thứ hai, là Nga mới chỉ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở quy mô rất nhỏ, thấy có sinh kháng thể mạnh mẽ như Putin tuyên bố hôm 11 tháng 8. Bước đi tiếp theo, Nga thực hiện cú “áp phe” bán vắc-xin cho các quốc gia kèm thêm lô vắc-xin trên danh nghĩa “tài trợ” nhưng thực chất là thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 rộng rãi trên hàng triệu người, đến khi chứng minh được HIỆU QUẢ sẽ bàn giao lô hàng thương mại. Cách làm này vừa giúp Nga hoàn thành thử nghiệm lâm sàng ở quốc gia khác, vừa rút ngắn thời gian thử nghiệm, vừa kí được các đơn hàng sớm trước khi vắc-xin của Mỹ hay phương Tây ra đời.

Tôi nghiêng về kịch bản thứ hai!

Vấn đề là vắc-xin có thực sự hiệu quả hay không?

Nền tảng của vắc-xin do Nga sản xuất theo công nghệ véc-tơ adenovirus, được cho là đã thực hiện từ 6 năm trước, khi các nhà khoa học Nga nghiên cứu vắc-xin phòng chống MERS-CoV và Ebola.

Đây có thể là lí do giải thích sự “thần tốc” của Sputnik-V.

Nhưng kháng thể chống lại protein S của adenovirus nó có tác dụng tiêu diệt SARS-CoV-2 hay không, nếu có thì miễn dịch bền vững được bao lâu, theo tôi đó là 2 dấu hỏi rất lớn dành cho Sputnik-V.

Hệ thống tế bào miễn dịch của người có 2 loại là T và B.

Tế bào T gồm 2 loại phụ là CD4 và CD8 . Tế bào CD4 giải phóng các cytokine. Các cytokine này lại kích thích tế bào B, để trở thành tế bào plasma và tạo ra kháng thể để vô hiệu hóa vi-rút. Mặt khác, CD8 trực tiếp tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh.

Liệu Sputnik-V có tạo nên bộ nhớ miễn dịch cho tế bào T và B hay không?

Một nghiên cứu gần đây từ Mỹ cho thấy những người bị nhiễm COVID có khả năng tạo ra tế bào T và B miễn dịch đặc hiệu. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng ngay cả một số người chưa bao giờ nhiễm COVID cũng có tế bào T miễn dịch với COVID, lí do có thể trước đó đã nhiễm các vi-rút họ coronavirus như SARS-CoV-1, MERS-CoV hay một số corona gây cảm lạnh thông thường; đây còn gọi là phản ứng chéo của protein S.

Vậy theo logic thì Sputnik-V có thể tạo ra bộ nhớ miễn dịch cho COVID.

Một nghiên cứu khác của Viện Karolinska ở Thụy Điển cũng cho thấy một số bệnh nhân COVID có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, đã tạo ra tế bào T miễn dịch. Quan trọng hơn, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng về các tế bào T trí nhớ ở những bệnh nhân đang dưỡng bệnh, chứng tỏ COVID tạo ra phản ứng mạnh mẽ tế bào T bộ nhớ, có thể ngăn chặn các đợt tái phát của COVID nghiêm trọng.

Đó là những tin mừng cho Sputnik-V.

Thời gian tồn tại kháng thể của COVID được bao nhiêu, đến nay vẫn chưa rõ ràng. Với các coronavirus khác, kháng thể giảm dần theo thời gian từ 12 - 52 tuần kể từ thời điểm nhiễm bệnh. Một số nghiên cứu tôi đọc thấy kháng thể của bệnh nhân nhiễm COVID tồn tại không lâu, có thể chỉ 7 đến 8 tuần, nhưng cũng không loại trừ tế bào T và B bộ nhớ được tạo ra sẽ lâu hơn nữa.

Đã xuất hiện những bệnh nhân khỏi COVID nhưng vài tháng sau “dương trở lại”.

Trường hợp “phục dương -复阳” điển hình là người phụ nữ 68 tuổi, nhân viên nhà nước nghỉ hưu ở Liên Hòa, thành phố Kinh Châu, thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, được chẩn đoán COVID vào ngày 8 tháng 2, đã chữa khỏi, nhưng sau đó bất ngờ dương tính trở lại vào ngày mùng 9 tháng 8. Hiện tại, bệnh nhân được điều trị cách li trở lại, tất cả những người tiếp xúc đều được xét nghiệm âm tính với COVID, khu vực sinh hoạt và nơi ở của bệnh nhân đã được khử trùng triệt để, rủi ro được kiểm soát hoàn toàn.

Trường hợp khác là một bệnh nhân nam giới, từ Nga nhập cảnh về Tây An vào ngày 27 tháng 4, xét nghiệm COVID dương tính, được cách li vào điều trị tại bệnh viện Tây An cho đến khi kết quả âm tính vào ngày 16 tháng 6 được xuất viện nhưng vẫn phải cách li, tiếp tục xét nghiệm âm tính lần thứ 4 nên được dừng cách li vào ngày 9 tháng 7. Do mắc bệnh khác, ngày 2 tháng 8 người đàn ông đến bệnh viện Trung Sơn ở Thượng Hải khám và điều trị, tại đây bệnh nhân được xét nghiệm COVID với kết quả âm tính, nhưng đến ngày 10 tháng 8 kết quả xét nghiệm lại cho dương tính.

Rải rác đã có những trường hợp tương tự ở Nga và Ucraina.

Ủy ban Y tế Quảng Châu cho biết 14% số bệnh nhân khỏi bệnh có hiện tượng "phục dương". Thành phố Vũ Hán đã tiến hành xét nghiệm PCR cho 44 bệnh nhân đã khỏi bệnh, phát hiện 26 trường hợp dương tính trở lại. Theo thống kê, những bệnh nhân mắc chứng “phục dương” hay “tái dương tính” đã xảy ra ở một số thành phố và khu vực ở Trung Quốc, chiếm khoảng 0,1% tổng số ca bệnh.

Hiện tượng dương tính trở lại cũng được báo cáo ở các quốc gia.

Vắc-xin Nga: Sputnik-V "thần tốc" nhưng có thật sự hiệu quả hay không? - Ảnh 4.

Vào ngày 22 tháng 4, Hàn Quốc báo cáo rằng ít nhất 180 trường hợp dương tính trở lại đã được thống kê. Tại Nhật Bản, một bệnh nhân nữ 40 tuổi được chẩn đoán COVID vào ngày 29 tháng 1. Ngay sau khi hồi phục và xuất viện vào ngày 6 tháng 2, cô xuất hiện các triệu chứng, phải khám lại bác sĩ vào ngày 21 tháng 2 do đau họng và đau bụng, bệnh nhân được xét nghiệm lại vào ngày 26 cho kết quả là dương tính, sau đó được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi do SARS-CoV-2.

Có 3 khả năng cho trường hợp tái dương tính:

- Bệnh nhân chưa thực sự khỏi bệnh.

- Đã khỏi bệnh nhưng còn xác vi-rút.

- Đã khỏi nhưng kháng thể yếu lên nhiễm trở lại.

Nếu có trường hợp thứ 3 xảy ra, nghĩa là hệ miễn dịch của cơ thể với SARS-CoV-2 không kéo dài, đó thực sự là tin buồn cho vắc-xin COVID nói chung và Sputnik-V của Nga nói riêng.

Định lí Bất toàn của Gödel nhắc nhở chúng ta rằng: thế giới tự nhiên giống như một người đàn bà đẹp, nhưng người đàn ông dù có kiên nhẫn đến thế nào chăng nữa, thì cũng chẳng bao giờ khám phá hết được vẻ đẹp ẩn chứa bên trong người phụ nữ.

Tiêm chủng COVID có thể phải nhắc lại liên tục thành thói quen – giống như đi khám răng!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm