pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vaccine phòng sởi có hiệu quả trong bao lâu?
Sởi là một căn bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi virus sởi. Chúng chỉ xuất hiện trên người và rất dễ lây. Tuy đây chỉ là một bệnh nhẹ nhưng có thể để lại các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não hay thậm chí là tử vong.
Trước tình hình dịch sởi đang bùng phát, nhiều người đã lựa chọn tiêm vaccine để phòng bệnh một cách chủ động. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ vaccine phòng sởi có hiệu quả trong bao lâu và mất bao nhiêu thời gian sau khi tiêm để chúng có tác dụng?
1. Vaccine phòng sởi có hiệu quả trong bao lâu?
Các chuyên gia y tế đã khẳng định rằng, việc tiêm phòng đầy đủ các mũi vaccine sởi sẽ giúp trẻ có khả năng miễn dịch cả đời với bệnh này. Ngoài ra, người lớn nếu tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine phòng sởi cũng có thể ngăn ngừa bệnh, phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nếu tiêm chủng đầy đủ cũng có đủ kháng thể để chống lại bệnh sởi cho bé những năm tháng đầu đời.
Kết quả thống kê của các chuyên gia đã cho thấy, khoảng 80 đến 85% số trẻ có khả năng miễn dịch với bệnh sởi sau khi tiêm mũi vaccine đầu tiên. Tỷ lệ này sẽ tăng lên đến 97% nếu trẻ được tiêm mũi thứ 2 theo đúng lịch tiêm chủng. Việc đáp ứng miễn dịch còn tùy thuộc vào tuổi tiêm vaccine, loại vaccine và tùy thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng trẻ.
Chính vì vậy, khi trẻ đủ 9 đến 12 tháng tuổi, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sởi mũi đầu tiên. Mũi nhắc lại thứ 2 sẽ được tiêm khi trẻ đủ 19 đến 22 tháng tuổi, mỗi mũi tiêm cần lưu ý cách nhau 10 tháng để có thể phòng bệnh sởi một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cũng nên tiêm nhắc lại vaccine phòng sởi do lượng kháng thể chống lại virus sởi còn dư trong cơ thể mẹ truyền cho con trong thời gian mang thai sẽ giúp trẻ có miễn dịch với bệnh sởi trong vòng từ 6- 9 tháng tuổi.
2. Vaccine phòng sởi có tác dụng bao lâu sau khi tiêm?
Tuy rằng tác dụng của vaccine phòng sởi cũng như mức độ an toàn của chúng đối với sức khỏe con người đã được khoa học chứng minh rất cụ thể. Rất nhiều gia đình hiện nay vẫn chần chờ không đi tiêm chủng do lo lắng chưa có kháng thể đã lây bệnh từ các trung tâm tiêm chủng. Nhiều gia đình đã lựa chọn cách ở nhà chờ qua mùa dịch rồi mới đi tiêm.
Trên thực tế, đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Theo các bác sĩ chuyên khoa, sau khi tiêm mũi vaccine đầu tiên, cơ thể con người cần 1 tháng để có thể sản sinh ra các kháng thể chống lại virus gây bệnh sởi. Nhưng với các mũi nhắc lại tiếp theo thì cơ thể chỉ cần từ 2 đến 3 tuần để có thể tạo ra đủ kháng thể chống lại bệnh, nhanh hơn rất nhiều so với mũi vaccine đầu tiên. Do đó ở bất kỳ thời điểm nào, việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cũng cần thiết cho mọi người.
Đặc biệt, đối với những người đã từng mắc bệnh sởi trước đây thì cơ thể sẽ có thể tạo được miễn dịch bền vững, bảo vệ bản thân khỏi virus gây bệnh sởi suốt đời. Chính vì vậy, những người đã được xét nghiệm và xác định từng mắc sởi sẽ không cần phải tiêm vaccine phòng bệnh sởi nữa.
Ngoài ra, bệnh sởi là một dạng bệnh có sốt và phát ban. Một số loại virus khác hiện nay cũng có thể gây sốt và phát ban, từ đó đôi khi gây nhầm lẫn với sởi. Bởi vậy, những trường hợp chỉ nghi đã mắc bệnh sởi mà không có chẩn đoán xác định chính xác, rõ ràng thì vẫn cần tiêm vaccine sởi đủ 2 mũi như quy định.