pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vạch trần “thần dược” Giáp Mộc An - Bài cuối: Lò sản xuất “thần dược”… bên cạnh chuồng lợn
Nơi sản xuất thuốc của gia đình ông Nhàn được đặt ngay cạnh chuồng lợn
Bất ngờ với cơ sở sản xuất "thần dược"
Ngôi nhà của gia đình ông Nhàn, ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội, bên ngoài trông cũng bình thường như bao ngôi nhà ở vùng quê sơn cước này.
Tuy nhiên, sự khác biệt ở chỗ ngôi nhà này hiện là cơ sở sản xuất, điều chế ra hàng chục loại "thuốc" Đông y và được phân phối đi nhiều tỉnh, thành. Và bất ngờ hơn, nơi đặt lò sản xuất thuốc của gia đình ông Nhàn lại nằm cạnh chuồng lợn của gia đình.
Chỉ cần đi gần tới lò nấu thuốc đã thấy bốc mùi khó chịu của phân và nước tiểu do đàn lợn hàng chục con thải ra mỗi ngày. Khu chuồng nuôi lợn của gia đình ông Nhàn nằm ở phía góc vườn, sát với nhà bếp. Bên cạnh chuồng lợn là 3 bếp lò nấu thuốc.
Vào thời điểm phóng viên tác nghiệp, nhà ông Nhàn đang nổi lửa cả 3 lò nấu thuốc. Những chiếc thùng nhựa, vốn là thùng đựng sơn, được gia đình tận dụng phục vụ tách nước thuốc. Thậm chí là chiếc áo cũ cũng được họ tận dụng đem ra… lọc nước thuốc.
Tất cả mọi công đoạn: Nấu thuốc, điều chế thuốc đều diễn ra trong một không gian chật hẹp, nhếch nhác, nằm ngay cạnh chuồng lợn. Điều chế thì là vậy, việc đóng gói cũng luộm thuộm không kém khi mà mọi thứ đều diễn ra ngay tại phòng ngủ và góc nhà ẩm mốc.
Những bao thuốc nguyên liệu, thuốc thành phẩm, cùng với vỏ hộp, nhãn mác được vứt chỏng chơ trong căn nhà. Nếu như gia chủ không trực tiếp giới thiệu thì thật khó để tin, nơi sản xuất đóng gói các loại "thần dược" được quảng cáo đặc trị bệnh u lại như vậy.
Thừa nhận với chúng tôi, bà vợ ông Nhàn nói: "Mình làm thuốc thôi, còn mua bán thì do Nghiệp, cứ gọi điện thoại cho Nghiệp. Khách mua thì họ yêu cầu mẫu nào, mình làm mẫu ấy. Trong nhà thì có nhiều loại vỏ hộp, lọ nhựa, tùy theo khách thích đặt tên thuốc như nào cũng được".
Giá thuốc xuất xưởng rẻ bất ngờ…
Cũng cần nói thêm, ông Triệu Nghiệp, người quảng cáo thuốc Giáp Mộc An, chính là con trai ông Nhàn. Mọi hoạt động sản xuất thuốc của nhà ông Nhàn đều do ông Nghiệp điều hành. Khi khách hàng cần đặt hàng, họ sẽ liên hệ với ông Triệu Nghiệp để giao dịch về mẫu mã, số lượng và giá cả.
Trong vai người mua thuốc về bán lẻ, chúng tôi liên hệ với ông Nghiệp đặt hàng. Ông Nghiệp nói, nếu lấy từ 1.000 lọ thì giá 40 nghìn đồng/lọ thành phẩm, tức là đã đóng gói nhãn mác đầy đủ, người mua chỉ việc "chạy" quảng cáo và bán cho khách.
Khi chúng tôi thắc mắc về tên gọi và nhãn mác, vỏ hộp, ông Nghiệp cho biết, chỉ cần gửi maket nhãn mác, ông Nghiệp sẽ tự in ấn nhãn mác, mua vỏ hộp và đóng thành phẩm gửi cho khách hàng.
Như vậy, lọ thuốc Giáp Mộc An được nhập với giá 40 nghìn đồng, bán đến tay người bệnh có giá chênh với giá nhập tới hàng chục lần. Có thể dễ dàng nhận thấy với lợi nhuận lớn, các đối tượng buôn bán thuốc giả đã lóa mắt, bất chấp quy định của pháp luật.
Và cuối cùng, chỉ có người bệnh là gánh chịu hậu quả. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm, tránh cho người bệnh bị lừa, tiền mất tật mang.
Điểm a, b khoản 5, Điều 6 Luật Dược 2016, quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau:
5. Kinh doanh dược thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả;
b) Thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thuốc, nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã hết hạn dùng;
Khoản 10, Điều 6 Luật này quy định hành vi bị nghiêm cấm quảng cáo trong trường hợp sau đây:
Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận;…