Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Thu Hà
10/09/2024 - 11:43
Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (thứ 2 từ phải sang) cùng các đại biểu tham quan gian hàng Phụ nữ khởi nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11

Trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 11: "Kinh tế xanh và đóng góp của phụ nữ" diễn ra tại Hà Nội ngày 10/9/2024, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương đã chia sẻ về vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương cho biết, phụ nữ là đối tượng chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nhưng đồng thời cũng là nhân tố tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đóng góp vào phát triển xanh, bao trùm và bền vững. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy hiện nay vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh, vẫn chưa được ghi nhận và phát huy đầy đủ do những định kiến về giới.

Ở Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động nữ tham gia lực lượng lao động chiếm khoảng 62,6%. Tỉ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động của ngành nông nghiệp chiếm 47,4%; riêng tại các hợp tác xã, tỷ lệ này lên đến 80%; tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm 28,2%. Các số liệu này cho thấy phụ nữ Việt Nam đang là lực lượng lao động chủ lực, có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, cùng với nỗ lực chung của hệ thống chính trị, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển xanh nói chung và kinh tế xanh nói riêng. Nội hàm của kinh tế xanh được các cấp Hội thúc đẩy thông qua hàng loạt các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam là một thành viên hết sức tích cực trong việc tham gia thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia của Việt Nam và 2 Đề án Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương phát biểu tại Diễn đàn

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương cho biết trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào phát triển kinh tế xanh của đất nước, cụ thể như:

Thứ nhất, Hội LHPN Việt Nam triển khai nhiều giải pháp đa dạng, hiệu quả để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, đồng hành cùng nữ doanh nhân phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững. Nhiều sáng kiến, ý tưởng về "sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch", mô hình "phụ nữ sống xanh" được phụ nữ cả nước hưởng ứng. Ngày Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh" năm 2019, "Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP" năm 2022, "Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 đã được phát động trong toàn hệ thống Hội và có tính lan tỏa mạnh mẽ tới các tầng lớp phụ nữ cả nước. 

"Đặc biệt cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi xanh" nhằm tôn vinh các doanh nghiệp/hợp tác xã/tổ hợp tác/hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ có những sáng kiến xuất sắc trong việc cải thiện quy trình sản xuất kinh doanh theo hướng áp dụng các tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường... Sáng kiến Ngày Phụ nữ khởi nghiệp đã khuyến khích phụ nữ cả nước tham gia, trong đó có các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh", Phó Chủ tịch Trần Lan Phương nhấn mạnh.

Vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam- Ảnh 2.

Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bìa trái) cùng các đại biểu Hàn Quốc tham dự Diễn đàn

Thứ hai, Hội LHPN Việt Nam cũng hướng dẫn, hỗ trợ việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh, gắn với nông nghiệp bền vững, các mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để phát triển sinh kế, mô hình tận dụng vật liệu tái chế (như biến rác thành Bảo hiểm y tế, thành Sổ tiết kiệm cho hội viên nghèo) được xây dựng và nhân rộng ở nhiều địa phương.

Thứ ba, trong những năm gần đây, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, vì mục tiêu phát triển xanh và bền vững. Hội đang xây dựng Đề án "Hỗ trợ phụ nữ tham gia chuyển đổi số đến năm 2030" nhằm góp phần vào phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Thứ tư, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng, trong đó có các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội... để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với vốn tín dụng xanh để phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường hoạt động giáo dục tài chính toàn diện cho hội viên, phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng xanh.

Thứ năm, Hội LHPN Việt Nam đẩy mạnh việc kết nối, phối hợp với các tổ chức, nhất là các tổ chức đại diện cho doanh nhân, nữ doanh nhân như Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam để triển khai các hoạt động, sáng kiến nhằm phát huy vai trò tiên phong của doanh nhân, nữ doanh nhân trong phát triển kinh tế xanh, điển hình là các hoạt động thúc đẩy thực hành bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp - ESG, quyết tâm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ xanh có giá trị vượt trội và có trách nhiệm với môi trường.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước về kinh tế xanh thành các chương trình, kế hoạch hành động thiết thực của Hội; đồng thời thúc đẩy một số giải pháp mang tính tổng thể như: 

(1) Nâng cao nhận thức, năng lực, trang bị cho phụ nữ kiến thức và kỹ năng về kinh tế xanh, hướng tới tăng việc làm xanh cho phụ nữ; 

(2) Tăng cường lồng ghép giới vào quá trình thiết kế, thực hiện và đánh giá các chính sách, chương trình, dự án về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, môi trường và biến đổi khí hậu; 

(3) Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính, tín dụng và công nghệ xanh, trong đó chú trọng tới việc nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm tín dụng nhằm cung cấp các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, quản lý để tiếp cận công nghệ xanh; các khoản vay tiêu dùng xanh cho phụ nữ; 

(4) Phát huy sáng kiến của phụ nữ trong thúc đẩy văn hóa sống xanh, sản xuất kinh doanh xanh và tiêu dùng bền vững; 

(5) Tăng cường kết nối, hợp tác trong nước và quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến phát huy vai trò của phụ nữ trong kinh tế xanh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm