Chiến tranh là gai góc, khốc liệt với lửa đạn, bom mìn, chết chóc, chưa bao giờ từ một ai. Trong bối cảnh hơn nửa thế giới là phụ nữ, họ cũng chiến đấu, hi sinh và hết lòng phụng sự tổ quốc. Với chiến dịch Điện Biên Phủ, dù không trực tiếp cầm súng nhưng vai trò của những người phụ nữ lại vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc.
Đó là những chị dân công đi tải lương, phục vụ chiến dịch. Để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ta huy động một khối lượng lớn dân công ra mặt trận, nhiều hơn quân đội và được tổ chức như quân đội. Chưa có số lượng thống kê cụ thể nhưng theo nhiều tài liệu ghi lại, hơn nửa số dân công là phụ nữ từ vùng do Việt Minh kiểm soát như Nghệ An, Thanh Hóa, liên khu 3, liên khu 4, đồng bào Tây Bắc...
Họ miệt mài gánh gồng những tải gạo, lương thực, rau, vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày; họ bất chấp hiểm nguy vượt qua mưa bom bão đạn quân thù hết lượt này đến lượt khác kiên trì vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của chiến dịch; họ cũng sẵn sàng nằm trên những tấm ni lông trải dưới đất, không dám ngủ hết giấc; những bàn chân, đôi tay chai sần, tóe máu gắng sức để lương thực cung ứng cho chiến dịch không bao giờ bị ngừng lại. Vậy mà, suốt con đường đi chiến dịch, người ta vẫn nghe thấy tiếng hò, tiếng hát, tiếng cười nói của những nữ dân công, hay và đẹp đến nao lòng:
Dân công chân cứng đá mềm;
Dẻo dai, gan dạ đi đêm đi ngày;
Căm thù địa chủ, giặc Tây;
Dân công ta quyết thắng mày Tây ơi.
Hay:
Hàng vạn đôi sọt, đôi bồ;
Ta đi tiếp vận cho kho lương đầy;
Thằng Tây cậy có máy bay;
Dân công ta lại nghỉ ngày đi đêm.
Chẳng thế mà, khi đến với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, câu chuyện về nữ dân công Hà Thị Miên, hi sinh anh dũng trên con đường tải đạn từ Nà Nhạn vào Mường Phăng vẫn luôn được kể với những giọng xúc động nhất. Kỷ vật còn lại của chị là đôi dép cao su chị mang hằng ngày, được trưng bày trang trọng cũng với nhiều hiện vật, tài liệu quý khác của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cũng lần đầu tiên phụ nữ Mông, Khơ Mú xuống núi "tay xách, nách mang" nào lợn, gà, dê, ra xanh, ngô, khoai; phụ nữ Thái cũng rời xa bếp củi mang thóc gạo, muối, cá... ủng hộ bội đội đánh giặc. Trải qua nhiều năm bị áp bức bóc lột, chịu sự kìm kẹp của chế độ Thực dân, họ hiểu rằng chỉ có con đường đứng lên chiến đấu, theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ dẫn dắt mới thoát khỏi cảnh "nước mất nhà tan", mới có cuộc sống hòa bình, ấm no. Tiêu biểu cho những con người ấy là nữ dân quân Lò Thị Đôi (đến nay đã hơn 100 tuổi) - người con ưu tú của xã Mường Phăng, huyện Điện Biên.
Khi Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển về khu rừng Mường Phăng, cụ Đôi là một trong những người luôn đi đầu trong công tác tiếp lương, tải đạn, sửa đường, vận chuyển thương binh cho bộ đội. Cụ là số ít người may mắn được gặp và dẫn đường cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông mới tới đây. Nhận thức được vai trò quan trọng của hậu cần và đảm bảo bí mật và an toàn của Bộ chỉ huy chiến dịch, cụ đã vận động chị em phụ nữ và bà con dân bản ủng hộ, tiếp tế gạo, rau cho Bộ chỉ huy chiến dịch và là một trong những đầu mối bảo vệ vòng ngoài cho Sở chỉ huy của ta.
Số gạo mà phụ nữ xã Mường Phăng vận động, ủng hộ cho chiến dịch được 9 tấn, trong đó gia đình cụ Đôi còn ủng hộ thêm nhiều trâu, bò, rau xanh. Không những vậy, cụ còn cung cấp, đảm bảo lương thực cho Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu, đứng đầu là đồng chí Lò Văn Hặc cách đấy không xa. Cụ cũng là người liên lạc trực tiếp, nhận mọi nhiệm vụ từ đồng chí Hặc, kịp thời đáp ứng những nhu cầu cần thiết Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra.
Bất chấp những hiểm nguy, nhiều nữ dân công, thanh niên xung phong còn tham gia mở đường, sửa đường. Với khẩu hiệu "bảo vệ giao thông tuyệt đối", chị em dũng cảm đứng cạnh những quả bom nổ chậm làm dấu cho bộ đội, dân công vươt qua, nhiều người còn trực tiếp tham gia chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu, bắc đá… Nhiều chị xông pha giữa bom đạn để cứu hàng, ngụy trang hàng; số khác lại túc trực ở những đoạn thác, ghềnh hiểm trở, hướng dẫn bè, mảng vượt qua an toàn.
Đó còn là những nữ y tá quân y, ngày đêm bám sát trận địa với bộ đội, miệt mài chăm sóc thương binh, hết thay băng, cầm máu rồi đến giấc ngủ, từng bữa ăn. Trong những tình huống khẩn cấp, lượng thương binh nhiều hoặc những ca bệnh phức tập, họ còn quên ăn, quên ngủ hết lòng vì thương binh, cứu chữa nhanh, chính xác và kịp thời. Nhiều nữ y tá kiêm cả nhiệm vụ tải thương binh, băng qua làn đạn quân thù, về đến trại cứu chữa an toàn, trong nhiều hoàn cảnh, họ còn là chỗ dựa về tinh thần cho bệnh binh. Dưới bàn tay của những nữ y tá, nhiều thương binh đã được trả lại về đơn vị chiến đấu. Kết thúc chiến dịch, nhiều người trong số họ còn chăm sóc cho cả những tù binh Pháp chất đống trong những hầm, hố tại các cứ điểm theo chính sách khoan hồng của Chính phủ Việt Nam.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác chính trị đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của chiến sĩ ngoài mặt trận; một trong số đó là những chương trình văn nghệ trong những lúc giải lao, sau những giờ chiến đấu căng thẳng "một mất, một còn". Với nhiều chiến sĩ, chỉ cần nhìn thấy văn công thôi là thấy sức sống, sự tươi sáng và là cả niềm hân hoan, vui sướng. Trong điều kiện chiến tranh khó khăn, những nữ văn công sẵn sàng lấy nhọ nồi kẻ mắt, với tinh thần "tiếng hát át tiếng bom" đem những điệu múa, vở kịch, lời ca đến với bộ đội. Đó thực sự là những nguồn cổ vũ, khích lệ về tinh thần hết sức quý báu, xua tan những mệt mỏi, gian khổ và tiếp thêm động lực cho những người lính chiến đấu đến cùng, "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Đó còn là những người vợ, người mẹ chấp nhận biệt ly, chia cách, tiễn chồng, con ra mặt trận, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, còn mình chu toàn việc gia đình, con cái, tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều lúa gạo tiếp tế cho tiền tuyến; đồng thời cũng sẵn sàng tư thế "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", tham gia du kích, vận động, biểu tình, .... Để rồi có thể sẽ vĩnh viễn sẽ không bao giờ gặp lại chồng, con mình nữa. Có biết bao câu chuyện, bài hát về những con người như thế với những nỗi đau không giống nhau và rằng cho đến nay hòa bình đã lập lại mấy chục năm mà nước mắt họ vẫn không ngừng tuôn rơi.
Đã có những câu chuyện được kể về người phụ nữ tạm dừng chuyện cưới xin để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hay về nữ dân công cháy cả mái tóc vì dính bom napan nhưng vẫn lao mình vào cứu những hòm đạn. Có chị bản thân bị thương nhưng vẫn cắn răng chịu đựng vượt qua những hầm hào khói lửa đưa thương binh về hầm trú ẩn an toàn hay bà mế già người Thái sẵn sàng nhường những bồ thóc cuối cùng trong nhà cho bộ đội để họ ăn no đánh giặc. Rất nhiều trong số đó đã nằm lại ngay tại Điện Biên. Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng vậy, lòng yêu nước đã trở thành đạo đức, tình cảm thiêng liêng và họ đã biến nó thành hành động chính nghĩa, cùng với cả nước dành độc lập cho dân tộc mình.