pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vẫn còn hàng chục trẻ em bán hàng rong trong tiết trời giá rét ở Sapa
Trẻ bán hàng rong đêm trong tiết trời giá rét. Ảnh: Phương Thảo
Được biết, tình trạng cha mẹ cho trẻ bán hàng rong tại các điểm du lịch ở Sapa đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán của người Mông (kết hôn sớn, đông con…) cộng với sự nghèo nàn về vất chất và sự kém hiểu biết của các bậc cha mẹ, đã dẫn tới việc ép buộc con mình phải đi kiếm tiền.
Trước thực trạng này, nhiều năm qua, UBND thị xã Sapa đã đưa ra nhiều giải pháp chuyển đổi mục đích sinh kế cho các bà mẹ. Họ được đăng ký địa điểm bán hàng tại khu du lịch, bố trí việc làm tại các địa điểm nhà hàng, khách sạn, hỗ trợ vay vốn để mở homestay, giải tỏa mặt bằng để cải tạo thành không gian bán hàng cho người dân. Cùng phối hợp, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn đã triển khai những dự án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, vay vốn làm kinh tế và tham gia vận động, khuyên nhủ chị em phụ nữ không nên đưa con nhỏ đi bán hàng.
Tuy nhiên, vì một số người còn tiếc khoản thu nhập từ việc đem trẻ đi bán hàng rong, cho nên cứ mỗi khi nhiều khách du lịch đến thăm quan là họ lại bồng con, đem con đi bán hàng rong, chèo kéo mua hàng, xin tiền từ du khách. Cụ thể, nhân đợt rét vừa rồi, khi một lượng lớn du khách đổ về Sapa ngắm tuyết rơi, một số chị em phụ nữ đã lợi dụng con mình để bán hàng rong trong tiết trời giá lạnh, nhiệt độ có lúc xuống 0 độ C.
Trước thực trạng đó, các cán bộ Hội phụ nữ ở Sapa đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương tham gia vận động, yêu cầu chị em đưa con em về nhà. Thậm chí, đội kiểm tra trật tự của một số phường còn sử dụng xe lưu động, dùng loa tuyên truyền phổ biến trên các tuyến phố; cử các thành viên có mặt tại các vị trí đông người để đảm bảo trật tự an toàn, tuyên truyền người dân, du khách không mua hàng, cho tiền trẻ em bán hàng.
Cao điểm có những lúc, Hội LHPN thị xã Sapa còn phải phân công từng cán bộ trong Hội để "dắt" từng trường hợp về tận nhà nhưng sau đó vì không có người giám sát thì họ lại đưa con nhỏ đến các địa điểm du lịch (đèo Ô Quy Hồ, Nhà thờ đá Sapa…) để chèo kéo khách du lịch. Cộng thêm việc cán bộ Hội tại đây ít (có 4 người), trong khi còn nhiều phần việc cần phải triển khai, không phải lúc nào cũng theo chân họ được, nên rất khó để giải quyết dứt điểm.
"Tuy hành vi này đã giảm nhiều so với những năm trước đó nhưng để chấm dứt hoàn toàn thì vẫn còn rất nan giải, không chỉ riêng đối với Sapa mà còn đối với cả tỉnh Lào Cai", bà Hà Thị Khánh Nguyệt chia sẻ.
Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua Hội LHPN thị xã Sapa đã tích cực phát huy vai trò kết nối, khai thác nguồn lực, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo.
Trong đó, tuyên truyền, vận động phụ nữ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói giảm nghèo. Đơn cử: Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm đồng bào Mông do chị Thào Thị Sung (xã Tả Phìn, thị xã Sapa) làm Tổ trưởng, từ 17 thành viên ở thời gian đầu, đến nay tổ hợp tác đã phát triển lên 63 người.
Cùng với phong trào giúp nhau làm kinh tế, Hội LHPN thị xã Sapa còn đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho các hội viên, phụ nữ tại địa phương. Các cấp Hội cơ sở còn tổ chức tín chấp các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, tổng dư nợ do hội quản lý là gần 76 tỷ đồng với gần 1.700 hội viên phụ nữ được vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo
Thời gian tới, Hội LHPN thị xã Sapa sẽ tiếp tục phối hợp các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những mô hình điểm, cách làm hay trong phát triển kinh tế. Từ đó làm thay đổi tư duy của hội viên, giúp chị em chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững tại các địa phương.