pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Vẫn còn tình trạng nam giới đi bầu hộ, bầu thay cho nữ!"
Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia.Ảnh: Quochoi.vn
Thông tin tại cuộc phỏng vấn trực tuyến "Ngày hội toàn dân" sáng 14/5 do báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức, ông Bùi Văn Cường nêu lên những giải pháp nhằm đảm bảo tỷ lệ nữ trong bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp sắp tới. Tỷ lệ này được Hội đồng Bầu cử công bố trước đó là 45,28% ứng viên nữ (393 người trong Tổng số 868 người chính thức ứng cử).
Theo ông Bùi Văn Cường, việc đảm bảo tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử không chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu đại biểu mà sẽ đảm bảo cho việc tham gia quyết định các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các vấn đề xã hội...
Để đảm bảo tỷ lệ nữ trong bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, ông Bùi Văn Cường cho biết cần thực hiện tốt nhiều nội dung.
Trước hết, cần định hướng rõ ràng về chủ trương bình đẳng giới trong quá trình tổ chức bầu cử. Quán triệt và nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong giới thiệu người ra ứng cử về bình đẳng giới (từ khâu dự kiến đến khâu bầu cử).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử cần quán triệt sâu sắc chủ trương bình đẳng giới. Theo đó, các cơ quan, đơn vị được dự kiến phân bổ người ứng cử phải là những nơi có điều kiện để có thể giới thiệu người ứng cử là nữ. Bảo đảm cân bằng về giới khi phân bổ số lượng các ứng cử viên, các ứng cử viên nữ không "gánh" quá nhiều cơ cấu.
Trong quá trình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, đơn vị cần có sự thống nhất cao về số lượng, chất lượng người được giới thiệu ứng cử.Việc giới thiệu phải bình đẳng như nhau, có vị trí chức danh tương đương nhau.
Thứ hai, trong quá trình hiệp thương, Ủy ban MTTQ các cấp phải quán triệt sâu sắc chủ trương bình đẳng giới, bảo đảm những phụ nữ đủ tiêu chuẩn đều được xem xét đưa vào danh sách chính thức ứng cử.Bên cạnh đó, trong quá trình vận động bầu cử, các cơ quan truyền thông cần có sự bình đẳng trong tuyên truyền, vận động giữa người ứng cử là nữ với người ứng cử là nam.
Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử cũng phải tiến hành bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử với người ứng cử là nữ; đối với người ứng cử, chị em phải hết sức tự tin, tuyệt đối không bao giờ tự cho rằng mình chỉ là "đệm" cho người khác, dẫn đến buông xuôi, làm cho qua chuyện, mà phải quyết tâm khẳng định mình và thuyết phục cử tri.
Một giải pháp nữa, theo ông Bùi Văn Cường, là cần tuyệt đối tránh tình trạng bầu hộ, bầu thay. Qua theo dõi các cuộc bầu cử gần đây cho thấy cá biệt còn có việc bầu hộ, bầu thay ảnh hưởng không tốt đến kết quả bầu cử, đặc biệt không có lợi cho người ứng cử là nữ.
"Một quan niệm khá phổ biến ở nông thôn, đó là "việc nhà là của phụ nữ, việc xã hội là của đàn ông". Vì thế, trong bầu cử ở một số địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, người đi bầu hộ, bầu thay (nếu có) chủ yếu là nam giới; tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" đã ảnh hưởng, chi phối đến việc bỏ phiếu.Vì vậy, cần vận động đông đảo các nữ cử tri đi bầu cử, đồng thời giám sát chặt chẽ tiến trình bầu cử, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bầu hộ, bầu thay" – ông Cường cho hay.
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tỷ lệ nữ ứng cử viên phải bảo đảm tối thiểu 35%. Để đạt được tỷ lệ này là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao. Điều quan trọng là sự cố gắng, nỗ lực của các nữ ứng cử viên.
Trong danh sách 868 người chính thức ứng cử đại biểu QH khóa XV do Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố, tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước, sẽ chọn để bầu 500 đại biểu. Người ứng cử là phụ nữ có 393 người, chiếm tỷ lệ 45,28%, tăng 6,31% so với khóa XIV. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong bốn khóa bầu cử ĐBQH gần đây. Riêng với khối Trung ương đạt gần gấp hai lần so với khóa XIV.