Văn hóa tiền tip trên khắp thế giới: Nơi coi trọng, nơi bị coi là xúc phạm

Đông Hà
10/01/2023 - 10:58
Văn hóa tiền tip trên khắp thế giới: Nơi coi trọng, nơi bị coi là xúc phạm
Văn hóa tiền tip xuất phát từ châu Âu và có ý nghĩa ban đầu không mấy tốt đẹp.

Tiền tip là một khoản tiền gửi thêm mà khách hàng dành cho nhân viên phục vụ mình trong nhà hàng, khách sạn, khoản tiền này không nằm trong hóa đơn thanh toán. Tiền tip mang ý nghĩa như một lời cảm ơn vì phong cách phục vụ tốt hoặc món ăn ngon đem lại cho khách sự hài lòng.

Ở nhiều quốc gia, một số nhân viên ngành khách sạn, dịch vụ, nhà hàng có thể chỉ được trả một mức lương cơ bản đủ sống, họ cần phụ thuộc thêm vào tiền tip để trang trải cuộc sống. Vì thế mà các quốc gia trên thế giới rất quan trọng chuyện tiền tip. Nhưng ngược lại, ở châu Á, tiền tip có thể bị coi là một hành động không tôn trọng nhân viên. Hiểu về sự khác biệt văn hóa có thể giúp bạn tự cứu mình khỏi nhiều tình huống khó xử.

Dưới đây là các thông tin cần thiết để bạn hiểu về tiền tip cũng như những thay đổi của nó trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Văn hóa “bo tiền” trên khắp thế giới: nơi thì coi trọng, nơi thì bị coi là xúc phạm. Hiểu sao cho đúng? - Ảnh 1.

Văn hóa tiền tip đến từ đâu?

Ban đầu, tiền tip không mang ý nghĩa cảm ơn vì dịch vụ tốt mà giống như sự thể hiện của tầng lớp có địa vị cao hơn. Có rất nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc tiền tip, nhưng “phiên bản” được chấp nhận phổ biến nhất là tiền tip ra đời từ thời Trung Cổ ở châu Âu, là kết quả của hệ thống đẳng cấp cai trị ở châu Âu. Theo đó, những người chủ giàu có sẽ gửi thêm tiền cho người hầu có năng lực phục vụ xuất sắc. 

Người ta cũng kể rằng các lãnh chúa khi nhìn thấy người ăn xin dọc đường sẽ ném những đồng xu xuống đất cho người ăn xin, họ tin hành động này giúp họ tránh khỏi rắc rối, xui rủi. Mặc dù đây không thực sự giống với hình thức tiền tip thường gặp, nhưng cũng được coi là khởi đầu của văn hóa này. 

Thời điểm từ năm 1400 đến những năm 1700 được coi là thời điểm chính thức mà thông lệ trên bắt đầu và dần phổ biến ở Anh. Người Mỹ khám phá ra văn hóa tiền tip vào khoảng những năm 1850 và bắt đầu thực hành tại các bang để khẳng định phẩm chất quý tộc sành điệu của mình. 

Tuy nhiên, văn hóa gửi thêm tiền chỉ thực sự phổ biến khi những ông chủ các nhà hàng, khách sạn Mỹ tìm mọi cách để không phải trả tiền cho những lao động da màu. Họ đã lợi dụng số tiền mà khách hàng da trắng thường cho thêm để tránh trả tiền cho nhân viên. 

Một trong những ví dụ điển hình nhất là khách sạn Pullman (Mỹ), người chủ điều hành khách sạn chỉ trả cho những nhân viên khuân vác một khoản tiền ít ỏi, buộc họ phải làm việc hết mình để gây ấn tượng, nhờ đó mới nhận được “tiền thưởng” từ khách. Tiền tip từ đó trở thành cái cớ để người lao động bị ép tiền lương.

Văn hóa “bo tiền” trên khắp thế giới: nơi thì coi trọng, nơi thì bị coi là xúc phạm. Hiểu sao cho đúng? - Ảnh 2.

Nhiều người lên án hành vi này là vô đạo đức, phân biệt chủng tộc nên đã buộc chính phủ ra điều luật để người da màu được trả lương xứng đáng. 

48 bang đã thông qua luật cấm tiền tip nhưng đến năm 1926, luật không còn vì cả đất nước đã quá quen với thông lệ gửi thêm tiền. Giờ đây, tiền tip trở thành một phần không thể thiếu đối với các trải nghiệm ăn uống bên ngoài tại Mỹ. 

Năm 2018, Bộ Lao động Hoa Kỳ đã cập nhật chính sách để các nhân viên phục vụ có thể hưởng được phần lớn tiền tip, đầu bếp và người rửa bát còn được tính thêm. Trong khi đó tại châu Âu, nơi “khai sinh” ra văn hóa trên, thì tiền tip lại “thất thế”, thậm chí một số quốc gia coi tiền típ là không cần thiết và thiếu tôn trọng.

Văn hóa tiền tip ở các khu vực khác nhau thế nào?

Dưới đây là một số thống kê về tỉ lệ cần thiết khi bạn muốn trả thêm tiền: 

Châu Mỹ

Tiền tip là một điều rất phổ tiến tại Mỹ. Trip Advisor khuyên bạn nên trả thêm 15-20% tiền trên hóa đơn nhà hàng, tiền đi taxi. Khách hàng thân thiết tại các nhà hàng ở Canada, Colombia cũng nên trả mức phí tương tự. Khu vực Argentia, Mexico, Peru thì có thể trả thấp hơn chút đỉnh, khoảng 10-15%. Ở Brazil thì bạn cần kín đáo khi bàn chuyện về các giao dịch tiền bạc, kinh doanh là một chuyện tế nhị ở Brazil.

Châu Âu

Nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu đã có luật áp dụng phù hợp với tiền tip. Tip hơn 15-20% là không cần thiết và đôi khi bị coi là thiếu hiểu biết. 

Các quốc gia châu Âu như Cộng hòa Séc, Pháp, Hungary, Tây Ban Nha và Thụy Điển  thường tính thêm phí dịch vụ vào hóa đơn. Ở những quốc gia này, tiền tip không phải là thông lệ, nhưng được coi là một hành động hào phóng để đổi lấy dịch vụ đặc biệt.

Tại Đức, Ireland, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh, để lại tiền tip hay không là tùy bạn. Nếu muốn, tiền tip chỉ cần trả khoảng 5-10%, nhưng nếu hóa đơn đã ghi rõ khoản phí tính thêm, hoặc dịch vụ quá tệ, bạn không cần để lại tiền. Ở Áo, Ý và Nga, tiền tip cũng không thực sự phổ biến, nhưng mọi người thường hào phóng làm tròn hóa đơn. Ví dụ thay vì 10,8 Euro trên hóa đơn thì họ sẽ trả 11 Euro cho nhân viên. 

Văn hóa “bo tiền” trên khắp thế giới: nơi thì coi trọng, nơi thì bị coi là xúc phạm. Hiểu sao cho đúng? - Ảnh 3.

Trung Đông và Châu Phi

Tương tự như ở Châu Mỹ, tiền tip là thông lệ ở Châu Phi và Trung Đông. Số tiền thay đổi tùy theo nhà hàng và tình trạng kinh tế, văn hóa của đất nước, nhưng cũng vào khoảng 15%, ít nhất là 10%.

Tại Qatar, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, người phục vụ thường nhận tiền tip 15-20%. Ở Dubai, dù hóa đơn đã tính 10% phí dịch vụ, nhân viên nhà hàng vẫn mong đợi một khoản tiền thưởng 15-20% vì đã phục vụ tận tâm. 

Châu Á và Nam Thái Bình Dương

Châu Á và Nam Thái Bình Dương không phổ biến văn hóa này nên tiền tip dễ bị từ chối. Tiền tip có thể bị coi là xúc phạm hoặc coi thường ở một số nước châu Á. Văn hóa Nhật rất đề cao sự tận tâm, hết mình trong công việc. Vì vậy, họ luôn đặt tiêu chuẩn cao nhất khi cung cấp các dịch vụ và không cảm thấy cần phải nhận tiền thì mới được coi là có dịch vụ tốt. 

Tại Singapore, tiền tip có thể không tạo ra sự khác biệt nào cho nhân viên, vì chủ nhà hàng sẽ giữ số tiền đó. Ở Myanmar, và Đài Bắc, tiền tip là không cần thiết. Tuy nhiên, do làn sóng du lịch, các quốc gia như Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam đã dần cởi mở hơn trong việc nhận tiền tip. Ở Úc và New Zealand, người phục vụ và tài xế cũng không mong chờ là sẽ có tiền tip, nhưng sẽ rất vui nếu bạn làm tròn hóa đơn. 

Nhìn chung, phong tục tiền tip có thể thay đổi khi du lịch phát triển và nền kinh tế đi lên. Nếu bạn không chắc có nên gửi tiền tip khi đi du lịch ở một số quốc gia hay không, hãy hỏi nhân viên phục vụ hoặc làm tròn hóa đơn. Còn nếu bạn vẫn muốn để lại tiền, bạn nên làm kín đáo, ví dụ như bỏ vào phong bì để người phục vụ hoặc nhân viên pha chế có thể tùy ý nhận.

Tương lai của tiền tip trong kỷ nguyên số

Sau đại dịch, tất cả hoạt động thanh toán không tiếp xúc dường như càng được đẩy mạnh hơn, trong đó có cả việc gửi kèm tiền tip. 

Ví dụ, phần mềm thanh toán kỹ thuật số Square tại Mỹ đã cung cấp thêm các tính năng tip thông minh, các giao dịch dưới 10 đô sẽ có thêm bốn tùy chọn tip: Không tip, 1 đô, 2 đô hoặc 3 đô. Với giao dịch từ 10 đô la trở lên, các tùy chọn có sẵn là: Không tip, 15%, 20% hoặc 25%. Ngoài ra, người dùng có thể cung cấp các tùy chọn thêm. Ở Việt Nam, các ứng dụng đặt hàng như Grab, Baemin và Be cũng có tính năng tip online như vậy.

Văn hóa “bo tiền” trên khắp thế giới: nơi thì coi trọng, nơi thì bị coi là xúc phạm. Hiểu sao cho đúng? - Ảnh 4.

Theo thống kê của Tippy, một dịch vụ thanh toán kỹ thuật số khác, khi không dùng tiền mặt, mọi người có xu hướng gửi tiền tip thường xuyên hơn, với tỉ lệ tăng lên là 11%.

Tuy đúng là thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện, một số nhân viên phục vụ vẫn thích được đưa tiền mặt hơn, bởi vì có khả năng là họ không nhận được đầy đủ số tiền mà bạn đưa. Tiền có thể bị cắt giảm do chính sách giao dịch của chủ cửa hàng hoặc phí giao dịch của dịch vụ thanh toán. 

Đối với vấn đề chính sách giao dịch của chủ cửa hàng, nhiều nước, trong đó có Vương quốc Anh đã áp dụng chính sách cấm nhà hàng giữ tiền tip của nhân viên. Khi được khảo sát, 27% người Anh sẽ không tip nếu biết tiền sẽ tiền không được chuyển cho người phục vụ. Vậy là vấn đề đầu tiên được giải quyết, thế còn phí giao dịch của dịch vụ thanh toán thì sao?

D. Taylor, chủ tịch của Unite Here, một công đoàn đại diện cho người lao động trong ngành khách sạn và dịch vụ ăn uống, cho biết hầu hết công ty thanh toán kỹ thuật đều tính phí tiền tip được trả thông qua dịch vụ của họ, vì thế khó đảm bảo tiền đến tay người lao động đầy đủ.

Clara Wheatley-Schaller, giám đốc chính trị tại Liên đoàn Công nhân Hoa Kỳ, nói với CNN Business, đưa tiền trực tiếp cho nhân viên là cách an toàn nhất để đảm bảo họ nhận được toàn bộ tiền tip. Một phương án được đề xuất là nhân viên phục vụ có thể trang bị máy quẹt thẻ cá nhân để nhận tiền tip, nhờ đó sẽ không có sự nhầm lẫn hoặc thắc mắc rằng ai sẽ hưởng lợi từ các dịch vụ thanh toán.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm